Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nổi cồng lên cho Mường ta mở hội

Đào Vũ| 23/01/2012 13:31

(HNMCT) - “Pồng pêng pêng, pồng pêng pồng, pồng pêng pêng, pồng pêng pồng…”. Nghe tiếng cồng nổi, nghe tiếng chiêng reo, người dân bản Mường hai bên sườn núi Ba Vì từ các mế đến em thơ đi lấy áo pắn, lấy váy đen dài, lấy khăn cuốn tóc vui hội, du xuân.

Tiếng chiêng vang lên vách núi, lan tỏa vào rừng sâu rồi đọng lại trong lòng người rộn rã. Không biết tự bao giờ, cồng chiêng là biểu hiện cao siêu nhất, tinh túy nhất của nghệ thuật dân gian; là nhạc cụ đặc sắc của đồng bào Mường ở Thủ đô Hà Nội.

Hồn Mường

Chưa có nghiên cứu nào xác định cồng chiêng có từ bao giờ, chỉ biết thứ nhạc cụ độc đáo này là linh hồn của người Mường, có mặt ở khắp mọi nơi, mọi thời khắc đáng ghi nhớ trong cuộc đời. Lễ hội nổi chiêng, tiếng chiêng trầm bổng cùng những cuộc vui hội của dân làng. Mừng nhà mới, chiêng reo vui mừng gia chủ. Đám tang, chiêng chia buồn bằng âm thanh trầm trầm, não nuột. Ngay sử thi “Đẻ đất đẻ nước” cũng có đoạn miêu tả không khí vui tươi của lễ hội khi có sự tham gia của cồng chiêng: “Con trai đi trước khiêng trống. Con gái đi sau xách cồng. Đến Mường đánh lên hồi trống cái. Cồng bảy cồng mười lên tiếng cho giòn. Cồng cái cồng con kêu cho rộn”. Qua đó có thể thấy tiếng chiêng là ngôn ngữ để đồng bào Mường giao tiếp với trời, đất, thánh thần, tổ tiên; là thông điệp từ lòng người chuyển đến lòng người; là âm thanh báo mùa xuân đến.

Đội cồng chiêng thôn Đồng Dâu, xã Tiến Xuân (Thạch Thất)

Giống như người Mường khắp mọi miền đất nước, người Mường ở Thủ đô vẫn giữ được những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là cồng chiêng. Vào ngày tết, tiếng cồng chiêng trầm bổng, vang vọng khắp núi rừng mời ông bà, tổ tiên về đón Tết, vui xuân cùng con cháu. Những bậc cao niên ở xã Minh Quang (Ba Vì) kể: Trong đêm giao thừa, những người có uy tín trong bản vận trang phục truyền thống mang theo cồng chiêng đi chúc tết các gia đình. Người Mường gọi nghi lễ này là phường bùa. Phường bùa đi sắc bùa thành hàng và có đủ cả nam lẫn nữ. Phường bùa đến nhà hẹn trước để hát sắc bùa, khi đến cổng, người đi đầu hát bài mở cổng và chủ nhà ra mở cổng chào đón. Phường bùa đi vào sân, vừa đi vừa đánh cồng, sau mỗi bài cồng là người trong phường hát một bài chúc tụng. Tiếng cồng cũng là những lời chúc gia chủ năm mới trâu, bò đầy chuồng, ngô đầy bồ, lúa đầy nương, người người mạnh khỏe, bản làng no ấm, yên vui. Theo quan niệm của đồng bào Mường, tiếng chiêng phát ra to, vang, rền là sự báo hiệu một năm mới tốt lành, may mắn.

Xuân Nhâm Thìn năm nay cũng vậy, phường bùa ở xã Minh Quang, Khánh Thượng, Yên Bài, Ba Trại, Tản Lĩnh, Vân Hòa (huyện Ba Vì), Yên Trung, Yên Bình, Tiến Xuân (huyện Thạch Thất)… sẽ nổi cồng chiêng, hát sắc bùa chúc mừng năm mới, khai hội ngày xuân.

Kho tàng văn hóa rất riêng

Chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào Mường nên một thời hầu như nhà nào cũng có cồng chiêng. Nhà ít thì một chiếc, nhiều thì một bộ từ 12 -17 chiếc. Bà Bùi Bích Thìn, một cô giáo dạy cồng chiêng có tiếng, một “nghệ nhân” chân đất ở Đồng Dâu, xã Tiến Xuân (Thạch Thất) cho hay: Dàn cồng chiêng có thể là 5 chiếc, 7 chiếc, 9 chiếc, 12 chiếc hoặc 17 chiếc, nhưng thường là 12 chiếc, tượng trưng cho 12 tháng trong năm, gồm 4 chiêng chính, 4 chiêng cái, 5 chiêng phối âm. Cũng theo bà Thìn, cách chơi cồng của người dân tộc Mường ở Hà Nội khác với chơi cồng của người Tây Nguyên ở chỗ, cồng của người dân tộc Mường (Hà Nội) có quai sách, khi chơi mỗi người xách một cồng, còn cồng ở Tây Nguyên, người ta treo bộ chiêng trên giá chiêng. Cồng chiêng của người Mường Hà Nội có núm ở giữa, cồng chiêng của người Tây Nguyên không có núm. Dùi chiêng của người dân tộc Mường ở Hà Nội thường làm bằng gỗ tốt, có tiện một đầu to, dài 35-40cm, đầu bịt da động vật (như da con hoẵng), khi đánh vào chiêng lớp da bóng ánh lên trông rất đẹp. Ngày nay người ta bịt ở đầu dùi bằng vải đỏ.

Biểu diễn tại Festival cồng chiêng 2009

Cụ Đinh Thị Lan, 73 tuổi, Đội phó đội cồng chiêng Ba Trại cho biết thêm: Cách diễn tấu cồng chiêng của người dân tộc Mường huyện Ba Vì mang tính biểu cảm sâu đậm nhằm diễn tả nội tâm sâu lắng, đậm chất trữ tình. Nghệ thuật biểu diễn cồng chú trọng tới cách luyến láy, giúp người nghe cảm nhận được nội dung từng điệu cồng. Khi biểu diễn, phụ nữ Mường ở Ba Vì bao giờ cũng mặc trang phục truyền thống, gồm áo pắn, váy đen, đầu đội khăn trắng, cổ đeo vòng bạc và thắt lưng nhiều hoạ tiết, còn người dân Tây Nguyên đóng khố. Người Tây Nguyên đánh cồng chiêng bằng tay, người Mường sử dụng dùi.

Nhiều năm nghiên cứu về bản sắc văn hóa các vùng miền, ông Phùng Hoàng Anh (Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội) còn phát hiện ra đặc trưng của cồng Mường Hà Nội là mỗi cá nhân trong dàn cồng chiêng có sự kết hợp nhuần nhuyễn với tập thể để tạo nên sự thành công của đội cồng trong từng giai điệu. Còn dàn cồng chiêng của người Êđê (Tây Nguyên) là phương tiện để con người giao tiếp với thần linh, vì thế chỉ đánh chiêng trong nhà dài chứ không mang chiêng ra đường, đến các gia đình chúc tết hay mang ra làng vui hội xuân như người Mường Hà Nội. “Chính những điểm khác biệt này tạo nên nét độc đáo, đặc sắc cho cồng chiêng của đồng bào Mường ở Thủ đô” - ông Phùng Hoàng Anh khẳng định.

Dậy đi chiêng ơi…

Xưa, cả bản, cả làng, già trẻ, trai gái ai ai cũng biết đánh chiêng, thưởng thức nghệ thuật cồng chiêng. Nay, người biết chơi chiêng đã ở tuổi xế chiều, không còn nhớ “nhạc lý” và cũng không còn đủ sức khỏe để truyền dạy,

Ngay ở xã Ba Trại (Ba Vì), xã được đánh giá là xã có đội cồng chiêng hoạt động sôi nổi bậc nhất huyện thì đội cồng chiêng cũng chỉ có 18 người. Người cao tuổi nhất là nghệ nhân Đinh Công Nghĩa, 75 tuổi - đội trưởng, người trẻ nhất là thiếu nữ Mường 16 tuổi. Cả huyện Ba Vì hiện chỉ còn 7 bộ cồng chiêng đang lưu truyền trong dân và 1 bộ trưng bày tại Nhà truyền thống. Tương tự, lớp dạy nghệ thuật cồng chiêng do huyện Thạch Thất vừa tổ chức vẻn vẹn 24 học viên thì cả 24 người ở độ tuổi trung niên. Đáng lo hơn, cồng chiêng truyền thống của người Mường ở Thạch Thất hầu như không còn, mua chiêng mới thì chiêng không chuẩn, đánh không có độ vang, độ trầm, độ bổng.

Bà Bùi Bích Thìn, cô giáo dạy cồng chiêng của 24 học viên huyện Thạch Thất cho hay: Trong 8 bộ cồng chiêng huyện Thạch Thất mới mua cho 8 đội ở 3 xã Yên Trung, Yên Bình, Tiến Xuân chỉ có 1 bộ là chiêng chuẩn, đánh được đúng nhạc lý, 7 bộ còn lại âm thanh của các chiêng vênh nhau, rất khó chơi. Điều đó cho thấy cả người sản xuất chiêng, mua chiêng, chơi chiêng hiện nay hiểu biết rất ít về chiêng. Cũng theo bà Thìn, việc huyện Thạch Thất mở lớp dạy nghệ thuật cồng chiêng cho đồng bào là điều đáng mừng bởi môn nghệ thuật truyền thống này đã và đang được quan tâm khôi phục. Tuy nhiên, thời gian học quá ngắn (10 ngày) nên các học viên mới chỉ biết sử dụng sơ bộ 7 chiêng chính, mới biểu diễn được một vài động tác, bài hát cơ bản, chứ chưa biết thẩm âm, phối âm nên cũng chưa đủ kiến thức để về truyền dạy lại cho những người dân trong bản như mục đích đề ra. Từ đó, bà Thìn kiến nghị huyện Thạch Thất nên mở nhiều lớp học với thời gian dài hơn; đồng thời giao việc mua cồng chiêng cho người am hiểu về chiêng.

Tin vui cho những người yêu nghệ thuật cồng chiêng trước thềm xuân mới là huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức - nơi có nghệ thuật cồng chiêng sẽ dành nguồn kinh phí thích đáng để mua sắm “nhạc cụ” và “đào tạo” người chơi chiêng đúng bài bản trong năm 2012 và những năm tiếp theo. Hi vọng một ngày, cồng chiêng sẽ tìm lại được sự “hưng thịnh” của một thời chưa xa, để bản Mường vang ca: “Mặt Klơi moọc lêêng tang rang; mặt kháng moọc lêêng tiềng riêng; moọc pớ khu táng má… ” (Chiêng như mặt trời rạng rỡ; chiêng như mặt trăng thiêng liêng; chiêng mọc từ triền nghiêng nghiêng, dậy đi chiêng…).

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nổi cồng lên cho Mường ta mở hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.