(HNM) - Những ngày cuối của năm Kỷ Sửu vùn vụt trôi qua để lại đằng sau bao vất vả, lo toan trong năm con Trâu đầy nhọc nhằn! Năm mới Canh Dần - năm con Hổ đang tới rất gần, mang theo kỳ vọng về sự mạnh mẽ, quả cảm vốn là đặc tính riêng của Chúa tể rừng xanh. Vậy mà, nếu không có lòng yêu nghề, sự tận tình chăm sóc của những con người chúng tôi đã gặp thì sự sống của nhiều Chúa tể rừng xanh đã trở nên rất mong manh. Và biết đâu đấy...
Lý lịch... trích ngang
Tận mắt được chiêm ngưỡng ba chú hổ Đông Dương hiện đang được chăm sóc tại Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Sóc Sơn mới thấy loài hổ được ngưỡng mộ là không hề ngoa ngôn chút nào. Mặc dù được "an dưỡng" trong "căn phòng" khá kiên cố, chắc chắn bởi tường xây, song sắt bao quanh, nhưng những chú hổ vừa may mắn thoát khỏi kiếp nạn… hóa cao, vẫn toát lên vẻ uy nghi, dũng mãnh của loài vốn được mệnh danh là Chúa sơn lâm…
Ông Ngô Bá Oanh bên con hổ được chăm sóc tại Trung tâm. |
"Để những con hổ được như bây giờ, chúng tôi đã cố gắng rất nhiều trong việc cứu sống chúng. Có thể nói một cách đơn giản là chúng từ cõi chết trở về…" - Giám đốc Trung tâm Ngô Bá Oanh bộc bạch như vậy. Và câu chuyện về những chú hổ… chết hụt giữa ông và các đồng nghiệp trong Trung tâm với chúng tôi diễn ra thật tự nhiên, cởi mở, chân tình.
Dành nhiều sự quan tâm, ưu ái pha chút xót xa là chuyện về chú hổ được tiếp nhận từ UBND tỉnh Đồng Nai. Đây là con hổ Đông Dương với "trích ngang" rất đáng thương. Chú hổ này được lực lượng chức năng phát hiện khi đang ở cùng hai "bạn" khác trong tình trạng… bảo quản lạnh (tháng 12-2006). Nếu những người có trách nhiệm chỉ chậm chân một chút thôi thì tại cái trang trại thuộc xã Phước Tân (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), chú cũng sẽ chung kết cục bi thảm như hai "bạn" xấu số kia. Sau khi ướp đá, người ta sẽ tìm khách mua rồi pha nhỏ ra cho vào từng hộp xốp để vận chuyển cho dễ về những "địa chỉ" chuyên nấu cao. Mà giờ này, khi đời sống khá giả hơn trước rất nhiều, nghe có thuốc gì bổ, lợi cho sức khỏe là người ta lùng mua bằng được. Sợ mua phải cao hổ cốt rởm, nên nhiều "quý tộc" còn chung tiền với nhau, mua cả con về rồi thuê người nấu và giám sát tận mắt việc nấu cao cho chắc ăn, bảo đảm hàng xịn 100%.
Hai "bạn" của chú coi như vô phương cứu chữa nên UBND tỉnh Đồng Nai đã tịch thu rồi chuyển qua cho bên bảo tàng để họ xử lý và trưng bày dưới dạng tiêu bản. Còn với chú, suy đi tính lại chán rồi người ta đành "alô" cho Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Sóc Sơn. Phải chuyển đi một Chúa sơn lâm giá trị như thế cũng tiếc lắm, nhưng cũng chả còn cách nào. Hồi 2004-2005 những "địa chỉ đỏ" được phép cứu hộ, chăm sóc các động vật hoang dã thật hiếm, có thể đếm ra trên đầu ngón tay, không phải địa phương nào cũng có. Vậy là chú có điều kiện chu du hàng nghìn cây số để về với mảnh đất Thủ đô.
Khi "về" với Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Sóc Sơn, chú hổ này chỉ nặng khoảng 40kg, rất yếu ớt… Bác sĩ thú y Nguyễn Thị Huy Hinh nhớ lại: Hồi ấy, con hổ này rất sợ người, lông rụng xơ xác, chỉ còn da bọc xương, toàn thân sần sùi… Khi lấy mẫu đưa đi xét nghiệm thì một vài nơi kết luận rằng con hổ bị ghẻ, thế là cả Trung tâm xúm lại chăm sóc chữa chạy, vừa uống thuốc tây y, vừa tắm bằng các loại thuốc nam mà một thời gian dài bệnh vẫn không thuyên chuyển. Sức lực con hổ ngày càng yếu dần. Cả Trung tâm nháo nhác. Giám đốc Trung tâm Ngô Bá Oanh trầm ngâm: "Thú thật khi thú bị bệnh, chúng tôi rất lo, có khi còn lo hơn cả lúc người nhà trái nắng trở trời! Nói dại đổ đi, nhỡ ra con thú bị chết (mà lại giá trị như loài hổ) ở một trung tâm cứu hộ động vật hoang dã thì nhiều vấn đề nhạy cảm lắm và chắc chắn sẽ có không ít ánh mắt hoài nghi dồn vào mình... Mặc định trong suy nghĩ của người ta là khi gửi được đến đây thì chúng phải được nuôi sống". Trở lại chuyện con hổ Đồng Nai (những người ở đây quen gọi theo lý lịch trích ngang như vậy), may mắn thế nào lại có mấy chuyên gia quốc tế đến thăm Trung tâm, biết chuyện họ lấy mẫu gửi đi Hồng Công (Trung Quốc) để xét nghiệm và được kết luận là con hổ mắc bệnh nấm. Đúng bệnh, đúng thuốc, chỉ trong vài tuần sức lực con mãnh thú hồi phục rất nhanh, lớp lông mới bắt đầu mọc mượt mà trở lại, đến giờ phổng phao, nặng ngót 2 tạ, không ai nhận ra chú hổ ấy từng chẳng còn mảng lông nào trên mình...
Chỉ vào một con hổ khác đang nuôi tại Trung tâm, dễ thường phải nặng khoảng 2,5 tạ, ông Oanh bảo, con hổ này được lực lượng cảnh sát môi trường Hà Nội tịch thu, bàn giao cho chúng tôi đầu năm 2008. Cả năm nuôi ngon lành, lớn nhanh như thổi, thế mà cuối năm, đùng một cái xảy ra chuyện. Buổi trưa nhân viên cho ăn nó còn đùa giỡn, đến chiều thì bị cảm gió, đột qụy tưởng mất rồi, nằm quay đơ ra sàn, mắt đã giãn đồng tử, toàn thân mềm nhũn như bún... Xác định "còn nước còn tát", bác sĩ thú y cấp cứu, tiêm đủ các loại thuốc trợ lực mà không ăn thua, cả Trung tâm xúm vào đốt bồ kết, phân gà để giải cảm cho hổ… Thấy không hiệu nghiệm, trong lúc rối trí, ông Oanh chợt nhớ ra phương pháp giải cảm các cụ thường nói là dùng nước tiểu của người… Thế là từng người dồn sức "tưới" trực tiếp lên mình con hổ bị cảm! Có vậy thôi mà cuối cùng con hổ đã dần dần tỉnh trở lại và được cứu sống. Theo ông Oanh, chuyện xảy ra trong ba bốn ngày đêm mà toàn Trung tâm mất ăn mất ngủ, ai cũng sọp đi trông thấy. Riêng chuyện giấy tờ, ngày nào cũng phải làm văn bản hỏa tốc gửi Chi cục Thú y Hà Nội để báo cáo về tiến triển bệnh tình của Chúa sơn lâm. Cũng qua vụ ấy, Trung
tâm tích lũy được thêm vô số kinh nghiệm, cả kết hợp kinh nghiệm dân gian trong chữa trị cho các loài thú hoang dã, cả trình tự thủ tục hành chính cũng như "quen biết" thêm khối nhà báo… Ở Trung tâm, chẳng riêng loài hổ, bất kể một động vật nào cũng đều là tài sản của Nhà nước, chẳng may xảy ra chuyện gì rắc rối lắm. Một con chim nhỏ bị chết cũng phải cho vào kho đông lạnh bảo quản, rồi báo cáo cấp trên, thành lập hội đồng giám định trước khi tiêu hủy, ba bề bốn bên ký vào văn bản rồi mới được đem chôn. Như thế mới được coi là đủ hồ sơ.
Có thể nói, ba con hổ đang nuôi dưỡng ở Trung tâm là ba số phận đặc biệt may mắn so với nhiều Chúa tể rừng xanh khác. Dù lý lịch "trích ngang" mỗi con một vẻ, nhưng âu đấy cũng là có cơ duyên để đến được nơi này.
Nỗi niềm người trong nghề
Nhìn ông Oanh hay các nhân viên trong Trung tâm cứu hộ vui đùa thân thiết với những con hổ, đàn khỉ, rồi gấu, báo, beo lửa... ai cũng phải ghen tị. Ông Oanh bảo, nhìn thì vậy chứ cũng phải có những giới hạn nhất định để bảo đảm cho sự an toàn. Các chuồng sắt nuôi thú dữ nhất thiết phải thiết kế 2 ngăn, hằng ngày chúng được lùa qua từng ngăn để nhân viên thực hiện các công việc như vệ sinh chuồng trại, cho ăn, thuốc men... theo quy trình nghiêm ngặt. Bản chất của loài thú săn mồi là rất nhạy cảm với mùi vị, do đó thái độ của chúng thể hiện với những người lạ như chúng tôi rất rõ, muốn tiếp cận gần một chút để chụp được bức ảnh cũng không đơn giản. Theo anh em công nhân ở đây kể lại, hôm nào lỡ để một mùi lạ vương trên người thì ngay lập tức con hổ, con gấu... đều gầm gừ, có biểu hiện tự vệ khác thường, mặc dù hằng ngày chúng khá thân thiện với người trực tiếp chăm sóc…
Có một điều trái ngược, khi nào những con thú từng hoang dã kia càng xa lánh con người, càng "sống lại" những bản năng hung dữ vốn có thì cũng là lúc chúng chuẩn bị "cắt khẩu" tại Trung tâm để về với tự nhiên. Thực lòng thì những người làm ở đây đều không mong chờ gì giờ phút đó, dù tới bữa ăn hằng ngày vẫn phải thả vào chuồng nuôi hổ, gấu, beo lửa... những động vật sống để "đánh thức" bản năng săn mồi của chúng.
Một cảm nhận nữa của chúng tôi khi có may mắn được mời dùng bữa cơm "tập thể" với anh em ở đây là thu nhập và đời sống của mọi người trong Trung tâm còn khá khiêm tốn. Không hiểu vì "nhà có khách" hay vì là bữa trưa chủ nhật ngày cuối năm mà mâm cơm có khá nhiều "đồ ăn tươi" nhưng toàn thuộc dạng cây nhà lá vườn, từ rau sạch tự trồng đến thịt gà, trứng gà... đều không phải đi mua. Nghe đâu, sát Tết, Trung tâm còn ngả lợn tăng gia được để chia cho mọi người về gói bánh chưng... Lương tháng bình quân của 24 người ở đây chỉ ngót 2 triệu đồng, đấy là "diện" trong biên chế, còn nhân viên hợp đồng thì chỉ khoảng 1 triệu đồng, với số tiền ấy cũng phải suy nghĩ, tính toán nát đầu, có lo thêm được đồng nào cho anh em thì cuộc sống cũng đỡ hơn - Giám đốc Ngô Bá Oanh tâm sự như vậy. Và cách lo duy nhất cho tới thời điểm này là tăng gia cải thiện đời sống…
Nhưng theo ông Oanh, sự băn khoăn nhất đối với Trung tâm lại là vấn đề khác. Thành lập từ năm 2006, là một trong những Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã đầu tiên của toàn quốc nhưng cơ sở vật chất ở đây quá khiêm tốn. Trong diện tích vỏn vẹn khoảng một hécta, cơ ngơi của Trung tâm chỉ lèo tèo ba khu chuồng trại, mỗi chuồng nuôi nhốt thú dữ cũng chỉ rộng mấy chục mét vuông. Với những loài như nhím, dúi, rắn, chim... sau một thời gian chăm sóc là có thể thả vào rừng, nhưng còn các loại thú hoang dã lớn thì cần phải có môi trường bán hoang dã để chúng làm quen với các phản xạ tự nhiên, nếu không khi thả vào rừng sẽ cầm chắc cái chết do không thích nghi hoặc bị săn bắt trở lại. Ông Oanh kể, như đã nói ở trên, qua vài vụ việc Trung tâm "quen biết" thêm nhiều nhà báo, nhưng cũng chịu không ít vạ lây vì chuyện đó. Hàng loạt vấn đề của Trung tâm được "trưng" lên công luận, nào là chuồng trại không đủ điều kiện, quy mô diện tích không đủ tiêu chuẩn, điều kiện cứu hộ như hiện tại liệu có đủ độ tin cậy… Thế là lại phải tiếp thêm các đoàn kiểm tra và giải trình. Ngay như Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng đã trực tiếp xuống Trung tâm thị sát. Nhìn chung mọi người đều ghi nhận rằng, trong điều kiện như vậy, chúng tôi làm được như vậy là cả một sự cố gắng. Sự thực là vậy, chuyện là vậy nhưng… quá mệt mỏi!
Thực ra cũng đang có một dự án mở rộng diện tích của Trung tâm lên 13ha, bao trùm cả sườn quả núi phía trước mặt. Nhưng có lẽ còn nhiều chuyện cần kíp hơn nên dự án này được cơ quan chức năng triển khai rất chậm. Những gì thuộc về phần việc cần phải làm, Trung tâm cũng đã hoàn thành, nhưng để dự án đó trở thành hiện thực thì cũng còn phải chờ và cũng không rõ sẽ chờ trong bao lâu... Cũng đành kiên trì, nhẫn nại, chịu đựng vậy. May mà những đức tính này cán bộ, công nhân viên làm việc tại đây đã quá quen khi hằng ngày phải tiếp xúc, chăm sóc những loài động vật hoang dã, động vật cần phải bảo tồn. Rồi như lảng tránh những sâu thẳm trong nỗi niềm của người trong nghề, ông Oanh nhỏ nhẹ: "Những ngày cuối năm rồi, chuyện gì qua thì cũng đã qua, mong rằng năm Hổ, mọi chuyện sẽ mạnh mẽ hơn, nhanh nhẹn hơn...".
Chia tay những con người hồn hậu, mến khách; tạm biệt những chú hổ đang vào độ tràn căng sức sống và đàn thú ở đây, chúng tôi hiểu ra một điều, làm công việc này, sự tận tụy, lòng tâm huyết với nghề mới chỉ là "điều kiện cần", còn "điều kiện đủ" nhiều khi họ không là người quyết định. Hy vọng năm Canh Dần những nỗi niềm của người trong nghề được tháo gỡ, đó cũng là điều may mắn cho các Chúa tể rừng xanh nói riêng và những loài thú hoang dã nói chung từng có cơ duyên được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã Sóc Sơn (Hà Nội).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.