(HNM) - Mỗi khi thu hoạch gặp phải những đợt mưa triền miên, lò sấy nông sản của gia đình chị Đào Thị Thủy (thôn Ngọc Động, xã Phương Tú, Ứng Hòa, Hà Nội) lại hoạt động hết công suất. Ai cũng gọi vui lò sấy của gia đình chị Thủy là
Bây giờ, khi những cây lúa xuân mới cấy đã lên xanh, người dân ở 6 thôn của xã Phương Tú, Ứng Hòa vẫn chưa quên tình cảnh cuối năm 2011, khi đợt mưa kéo dài hơn 10 ngày mà phần lớn các ruộng lúa mùa đều đã chín rục, buộc phải thu hoạch gấp. ''Xanh nhà hơn già đồng'', nhiều gia đình gặt lúa về chỉ biết đắp đống chờ mọc mầm vì không có nắng để phơi. Đang hoang mang không biết bảo quản hạt thóc bằng cách nào thì bà con nhận được tin vui là lò sấy gia đình chị Đào Thị Thủy sẵn sàng nhận sấy tất cả số thóc bị ướt. Vậy là nông dân cả 6 thôn ùn ùn chở thóc đến, chất đầy 500m2 diện tích nhà xưởng mới xây của gia đình chị Thủy. Toàn bộ công nhân lò sấy được huy động để "cấp cứu" hạt thóc cho bà con.
Đến thăm lò sấy của gia đình chị Đào Thị Thủy, chúng tôi thấy cảm phục tinh thần dám nghĩ, dám làm của chị. Xuất thân từ nông dân, bên cạnh việc làm kinh tế, lúc nào người phụ nữ ấy cũng đặt lợi ích của người nông dân lên hàng đầu. Chị nói, bây giờ bà con ở quê 100% làm nông nghiệp, mỗi khi thu hoạch, lại phải chở thóc đi xa tiêu thụ, rất tốn công sức. Thêm nữa, mỗi vụ thu hoạch mà thời tiết không ủng hộ, bà con lại lao đao. Cũng vì vậy, chị Thủy mạnh dạn mở xưởng sấy thóc, ngô, đỗ tương, kết hợp với chế biến, thu mua, xay xát thóc gạo, nông sản các loại. Sau nhiều lần thất bại, năm 2008, chị cất công đi hết các xã lân cận để học hỏi kinh nghiệm, dần dần chị nắm bắt được điều gì người nông dân cần trong và sau mỗi vụ thu hoạch nông sản.
Năm 2011, vay thêm ngân hàng 1 tỷ đồng, chị mạnh dạn mua thêm một giàn sấy nông sản, dàn máy xay xát, mở rộng nhà xưởng để đáp ứng nhu cầu của bà con mỗi vụ thu hoạch. Ngoài sấy "cấp cứu" nông sản theo mùa vụ, trung bình mỗi ngày, xưởng của gia đình chị Thủy xát 15 tấn thóc, thái, sấy và xay 7 tấn sắn... Sau khi đã trừ tất cả chi phí, trung bình mỗi tháng, xưởng chế biến nông sản của gia đình chị Thủy thu lãi 10-15 triệu đồng, ngoài ra còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 30 nhân công.
Mong muốn mô hình phơi sấy, xay xát, chế biến nông sản sẽ được mở rộng ở nhiều địa phương, chị Đào Thị Thủy cho biết trong tương lai sẽ mở rộng hơn nữa quy mô xưởng sấy, xay xát thóc gạo, chế biến lương thực nhằm tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho bà con trong làng, ngoài xóm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.