Nơi bốn phương tụ về
45 năm qua, kể từ khi công trình Lăng được khánh thành, trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, ngôi nhà vĩnh hằng của Người là nơi bốn phương tụ về với lòng thành kính thiêng liêng.
Nước mắt ngày về thăm Bác
7h30 phút ngày 17-5, nắng sớm chan hòa trên Quảng trường Ba Đình. Làn gió trong lành thổi vẩn bay thảm lá vàng dọc phố Ngọc Hà. Trên hè phố, hòa trong dòng người tấp nập về viếng Bác, ông Vũ Kim Lưu (nhà ở 46 phố Trúc Bạch, quận Ba Đình) rảo nhanh chân cùng đồng đội. Ít ai ngờ người đàn ông quắc thước, rắn rỏi và nhanh nhẹn này đã ở vào tuổi 80.
Ông Vũ Kim Lưu.
Sáng 17-5, ông Lưu cùng với 300 đại biểu thuộc Hội Cựu chiến binh quận Ba Đình vinh dự làm lễ báo công và vào Lăng viếng Bác. Mặc dù đã không ít lần được vào thăm Người nhưng mỗi lần, người đàn ông đã ở vào tuổi xưa nay hiếm cùng những đồng đội của mình vẫn dâng trào cảm xúc.
“Bác Hồ là một lãnh tụ thiên tài, cũng là người cha thân yêu của lực lượng vũ trang. Những ngày, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta long trọng kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Người có ý nghĩa đặc biệt thiêng liêng với các cựu chiến binh của quận Ba Đình, nơi vinh dự có cụm di tích công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vào thăm Bác, càng yêu quý Bác bao nhiêu thì từ trong tim càng nhớ Người bấy nhiêu…”, ông Lưu xúc động bày tỏ.
Cùng thời gian ấy, trong phòng khách số 1, Nhà khách số 8 đường Hùng Vương (Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh), bà Nguyễn Thị Mai, bà Trần Thị Bốn cùng hơn 40 hội viên phụ nữ xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai cũng rưng rưng nước mắt khi nghe chị Hoàng Thị Xuân, là cán bộ đón tiếp, giới thiệu vắn tắt về nhiệm vụ giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, công trình Lăng; và xem phim tư liệu “Những giờ phút cuối đời Bác Hồ”. Những người phụ nữ thôn quê, vốn quanh năm tần tảo, nay một lần thỏa lòng mong ước tới viếng thăm Người nên đã chọn mặc bộ áo dài truyền thống trang trọng, đẹp đẽ.
Vào Lăng viếng Bác, đối với mỗi người dân Việt Nam là nhu cầu thiết tha hướng về cội nguồn, gốc rễ. Từ người Hà Nội “Thủ đô ta” đến đồng bào từ “miền Nam ruột thịt” và khắp mọi miền Tổ quốc; từ cụ già đến các cháu thiếu nhi; từ người dân bình thường đến người có chức vị, dù mang trong mình những cảm xúc riêng, song đều có Bác trong tim, gần gũi và thiết tha như tình thân ruột thịt.
Sau gần 51 năm Ngày Bác đi xa, thi hài Bác được gìn giữ lâu dài, tuyệt đối an toàn là quyết định mang tính lịch sử để tên tuổi, hình ảnh, sự nghiệp vĩ đại và công lao to lớn của Người mãi mãi khắc ghi vào con tim, khối óc của mỗi người dân đất Việt.
Bác ơi! Các con từ Tây Nguyên Đắk Lắk
Nơi rừng xanh thăm thẳm điệp trùng
Nơi đất đỏ Bazan màu mỡ
Có cà phê xum xuê hoa trái
Và cao su kết dải một vùng
Được vinh dự ra thăm Hà Nội
Trái tim của Tổ quốc thân yêu
Ai nấy đều ao ước một điều
May mắn được vào Lăng viếng Bác…
Những vần thơ mộc mạc nhưng chan chứa cảm xúc của ông Nguyễn Đức Thứ (Đắk Lắk) ghi lại vào ngày 9-5-2009 trong cuốn sổ lưu niệm đang được lưu giữ tại Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những cuốn sổ bọc bìa nhung đỏ dày lên theo năm tháng với “sức nặng” không gì đong đếm được từ tình cảm của người dân Việt yêu kính Bác.
Dòng người xếp hàng vào Lăng viếng Bác.
“Hôm nay, tuy không phải là lần đầu con đến thăm Bác, nhưng những cảm xúc trong lòng con vẫn như ngày đầu vào viếng Bác. Con rất xúc động trước hình ảnh Bác, vị lãnh tụ kính yêu, vị cha già đáng kính của toàn dân tộc. Con chỉ biết mỗi ngày sẽ sống thật xứng đáng với Bác, với công ơn to lớn của Người”, ngày 9-9-2007, chị Bạch Thị Thu Hương (phường Tiền An, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) xúc động ghi.
“Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn”, để hứa với Bác sẽ sống xứng đáng, tốt đẹp là cảm xúc thường gặp nhất ở những dòng cảm tưởng. Chị Đỗ Thị Ngọc Diễm thay mặt cho đoàn đại biểu lực lượng vũ trang Quân khu 7 từ miền Nam trong một lần về thăm Lăng đã kính cẩn nghiêng mình trước anh linh Người, xúc động ghi: “Chúng con vẫn luôn hướng về Thủ đô, hướng về Bác để vươn lên, để vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ… Lần đầu viếng Bác, chúng con như được tiếp thêm bao sức mạnh, niềm tin trong cuộc sống và công tác”.
Và biết bao dấu chấm lặng còn bỏ ngỏ vì cảm xúc dâng trào khó nói lên lời. Năm 2010, ông Trần Cúc (58 tuổi, quê Quảng Nam) được thỏa ước mơ thăm Thủ đô. “Từ ngày giải phóng đất nước năm 1975 đến nay, trong lòng cháu luôn mơ ước làm sao được đến viếng thăm Bác Hồ một lần nhưng điều kiện chưa cho phép. Hôm nay, cũng gần cuối đời, ước mong đã thành sự thật. Khi xem xong phim tư liệu về Bác, vì quá xúc động nên cháu không viết được nữa…”.
Tuổi đời ít hơn ông Cúc nhiều, vào ngày 16-12-2009, Trung úy Trần Lệnh An, giảng viên Trường Sĩ quan Lục quân 1 (Long Thành, Đồng Nai) đã viết: “27 tuổi đời con chưa một lần ra viếng Bác. Là chiến sĩ chân đồng vai sắt vậy mà xem phim tư liệu những phút giây cuối đời của Bác, con đã không cầm được nước mắt. Con không thể nói gì hơn là chỉ biết gửi tới Người niềm yêu thương, kính trọng vô vàn”.
Chứng kiến, chia sẻ cùng những cảm xúc chân thành, chan chứa yêu thương ấy, 5 ngày đều đặn mỗi tuần của 10 tháng trong năm, những cô gái trẻ làm nhiệm vụ đón khách tại Nhà khách số 8 Hùng Vương đều coi đây là may mắn và vinh dự của bản thân.
Thay Bác Hồ đón khách của Người
Từ đầu tháng 5 này, khi các đoàn khách trong và ngoài nước vào Lăng viếng Bác đông hơn, chị Hoàng Thị Xuân (34 tuổi), cán bộ Ban Đón tiếp tuyên truyền (Văn phòng Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã chủ động thu xếp việc gia đình để có thể dành nhiều thời gian hơn cho công việc. Có ngày chị rời nhà từ 5h sáng để kịp có mặt tại Nhà khách số 8 đường Hùng Vương, ân cần đón tiếp các đoàn khách tới sớm.
Chị Hoàng Thị Xuân đón khách tới Lăng viếng Bác.
Nhà khách số 8 Hùng Vương là nơi tiếp đón các đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên thủ quốc gia các nước, khách ngoại giao, người có công với cách mạng, các tổ chức chính trị - xã hội… đến viếng Bác. Các đoàn khách này sẽ được nghe giới thiệu về nhiệm vụ giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, công trình Lăng và xem phim tư liệu về những giờ phút cuối đời của Bác Hồ.
Kể về công việc thường nhật, chị Xuân cho biết, từ 6h30 hằng ngày, các cán bộ, nhân viên Ban Đón tiếp tuyên truyền đã bắt đầu công việc như đón tiếp các đoàn khách, chuẩn bị vòng hoa viếng, tiếp nhận đăng ký của các đoàn, cấp giấy hẹn... Buổi chiều, khi không tổ chức lễ viếng, họ phối hợp cùng các lực lượng hướng dẫn cho các đoàn đăng ký báo công, sinh hoạt chính trị tại Lăng.
“Được gần Bác, giúp Bác đón khách mỗi ngày là một vinh dự tuyệt vời không phải ai cũng có được. Dù bản thân có nhiều cơ hội để thay đổi công việc nhưng tôi nguyện gắn bó lâu dài ở vị trí này. Tất cả xuất phát từ tình yêu với Bác. Được đứng vào hàng ngũ của Đảng ngay từ khi còn học đại học, học theo Bác, tôi tâm niệm luôn vượt qua khó khăn để kiên định với lựa chọn mình cho là đúng đắn nhất”, chị Xuân chia sẻ.
Năm 2010, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm khoa tiếng Nga, đọc được thông tin tuyển dụng từ Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, chị Xuân vui mừng nắm lấy cơ hội, vì từ lâu chị ao ước được tiếp nối truyền thống gia đình, làm việc trong môi trường quân đội. Bảy năm liên tiếp sau đó, chị Xuân được giao nhiệm vụ làm hướng dẫn viên chính tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông, huyện Ba Vì, Hà Nội (K9), nơi giữ gìn thi hài Bác trước khi có công trình Lăng tại Ba Đình. Thời gian đầu bỡ ngỡ do những đòi hỏi của công việc vượt ra khỏi sách vở nhà trường, chị Xuân may mắn được các anh chị hướng dẫn viên lớp trước truyền kinh nghiệm và bản thân chị tích cực tự học hỏi để tích lũy thêm kỹ năng, kiến thức cần thiết cho công việc.
Với chất giọng nhẹ nhàng, truyền cảm và trên hết là xuất phát từ tình yêu thiết tha với Bác kính yêu, chị Xuân dần biết cách truyền cảm xúc cho tất cả các đoàn khách đến thăm. Với mỗi đoàn khách, chị lại tìm những cách giới thiệu khác nhau hoặc thay đổi lời chúc, lời cảm ơn để mọi người đều cảm nhận được tình cảm ấm áp tại những nơi Bác đã sống và làm việc.
Từ ngày 1-3-2017, được điều động về Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, một lần nữa, bằng tất cả tình yêu với Bác, Hoàng Thị Xuân cũng như các nữ cán bộ, nhân viên khác tại đây, mỗi khi khoác lên mình bộ áo dài màu cánh sen, là một lần ý thức người cán bộ đón tiếp phải thể hiện, dù qua từng lời nói, nụ cười, cử chỉ, hành động nhỏ nhưng để mỗi người dân về với Bác đều cảm thấy thân thiện, gần gũi.
Càng làm việc, những nữ cán bộ tại bộ phận tiếp đón như chị Xuân hay chị Cao Thị Hải Yến, chị Bùi Thị Hoa… càng cảm nhận được sự kính trọng và tình cảm của bạn bè quốc tế và nhân dân trong nước dành cho Bác.
“Khi nghe giới thiệu về công tác bảo quản thi hài Bác hay xem phim tư liệu “Những giờ phút cuối đời Bác Hồ”, ai nấy đều rưng rưng xúc động. Đặc biệt khi gần về những thước phim cuối, khi Bác ra đi trong niềm tiếc thương vô hạn của người dân cả nước..., ai nấy đều khóc. Tôi luôn phải kìm nén cảm xúc để có thể tiếp tục hoàn thành việc đón khách của mình”, chị Cao Thị Hải Yến kể. Với các đoàn có nhiều người già, trẻ nhỏ, đặc biệt là người có công với cách mạng, các chị đều tự nhủ việc tiếp khách phải tận tình hơn bởi với nhiều người, về với Bác là ước mơ của cả đời người.
Và tình cảm của những đoàn khách tới viếng Bác dành cho đội ngũ đón tiếp chính là “món quà” quý giá họ nhận lại mỗi ngày. Các chị hạnh phúc khi vào mỗi dịp lễ, tết lại nhận được những cuộc gọi thăm hỏi, động viên của những vị khách dù chỉ được các chị đón tiếp một lần.
Người cảnh vệ đặc biệt cùng ký ức về tờ 200 đồng
Nếu như nhiệm vụ được giao các chị Xuân, chị Yến chỉ dừng lại ở việc đón khách, giới thiệu ban đầu ở Nhà khách số 8 Hùng Vương thì trọng trách tiếp theo, bắt đầu ở mép Tây đường Hùng Vương, tức thềm sỏi trước Lăng là vinh dự thuộc về Đội Cảnh vệ đặc biệt.
Bước sang tuổi 48, với hơn 30 năm gắn bó với công việc tại Đoàn 275, Trung tá Phạm Đức Trịnh, Đội trưởng Đội Cảnh vệ đặc biệt xúc động nhớ lại ký ức về một ngày cuối tháng 5-1991, khi vừa bước sang tuổi 18, anh lần đầu vào Lăng viếng Bác.
Trung tá Phạm Đức Trịnh thực hiện nhiệm vụ dẫn đoàn vào Lăng viếng Bác.
Tiếp nối truyền thống gia đình khi cả 3 anh chị ruột đều làm việc và cống hiến trong môi trường quân đội, học hết lớp 10, chàng thanh niên quê huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên tình nguyện đăng ký thực hiện nghĩa vụ quân sự. Kết thúc huấn luyện tân binh, anh Trịnh được phân công thực hiện nhiệm vụ tại Đội 1, Đoàn 275. Cuối tháng 5-1991, sau huấn luyện nghiệp vụ, tân binh Phạm Đức Trịnh được dẫn vào Lăng tham quan, hướng dẫn các vị trí thực hiện nhiệm vụ.
“Đó là lần đầu tiên tôi được vào Lăng thăm Bác và bắt đầu thực hiện nhiệm vụ bên Người nên vừa xúc động, vừa tự hào vô cùng. Cũng từ đó, tôi nguyện sẽ làm hết sức mình để xứng đáng với công lao trời biển của Bác, với truyền thống quê hương và gia đình”, người Đội trưởng Đội Cảnh vệ đặc biệt nhớ lại.
Sau nhiều năm trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tiêu binh cũng như cảnh vệ ở các vị trí khác nhau và trên cương vị Đội trưởng Đội Cảnh vệ đặc biệt, Trung tá Trịnh đang truyền lại cho nhiều lớp chiến sĩ vốn kinh nghiệm đã tích lũy.
“Yêu cầu đầu tiên với người chiến sĩ cảnh vệ là phải nhanh nhạy và liên tục quan sát, phát hiện, nắm bắt thông tin. Bởi chỉ cần thiếu chú ý quan sát trong chốc lát thì những người già yếu về viếng Lăng, gặp lúc thời tiết bất lợi như có mưa sẽ dễ bị trượt ngã. Trên thực tế cũng đã có trường hợp như vậy nên tôi liên tục lưu ý anh em phải để tâm, hướng dẫn các cụ đi đứng cẩn thận, có người dìu bên cạnh. Nhiều cụ già khi được gặp Bác là nghẹn ngào khóc. Khi ấy, các chiến sĩ cảnh vệ lập tức ra đỡ, đặt tay lên vai để các cụ bình tĩnh lại, tiếp tục đi vòng quanh thi hài Bác, không làm chậm lại hành trình của cả đoàn.
“Với các cháu nhỏ vào viếng Lăng, tôi có “mẹo” bày cho các chiến sĩ phải nhanh trí quan sát. Đó là với các cháu có chiều cao dưới bản dây lưng to đeo phía ngoài áo khoác của lực lượng tiêu binh thì sẽ được hướng dẫn đi lên hành lang riêng, đủ chiều cao để có thể nhìn thấy Bác mà không ảnh hưởng đến tầm nhìn của người đi phía dưới”, Trung tá Trịnh kể về một kinh nghiệm truyền lại cho đồng đội.
Đảm nhiệm cả nhiệm vụ tiêu binh lẫn cảnh vệ đặc biệt ở nhiều vị trí khác nhau, Trung tá Phạm Đức Trịnh không nhớ hết đã bao lần chứng kiến những hình ảnh xúc động. Đặc biệt, một ký ức khó quên là trong ca trực vào năm 1992, khi thấy một cụ bà sau khi thăm Bác, đi xuống cầu thang 33 bậc ra bên ngoài thì dừng lại ở gần bậc cuối, vịn vào lan can khóc, anh vội tiến lại dìu cụ bà đi tiếp.
“Lúc này, cụ run run móc trong túi áo ra tờ 200 đồng, vuốt phẳng phiu, đặt lên tay tôi. Cụ nói đã mãn nguyện khi hôm nay được nhìn thấy Bác nhưng do vội không kịp mua hoa nên nhờ tôi mua hộ dâng lên Người. Cố nén cảm xúc, tôi giải thích cho cụ hiểu mình không được phép nhận tiền. Tôi động viên, mong cụ giữ gìn sức khỏe để lần sau ra thăm Bác, sẽ có bộ phận tiếp đón dâng hoa thay cụ theo ý nguyện. Cụ không khóc nữa và nói sẽ cố gắng sống thật khỏe. Nhưng từ đó về sau, tôi không còn gặp cụ nữa…” Trung tá Trịnh xúc động kể.
30 năm gắn bó với ngôi nhà của Người, quãng đường đón khách về thăm đã nằm lòng trong trí nhớ của Trung tá Trịnh là từ mép Tây đường Hùng Vương, tức thềm sỏi trước Lăng. Qua 3 lần bậc tam cấp dài khoảng 27m, khách được dẫn vào phòng B1, qua 33 bậc cầu thang lên, đi vòng quanh thi hài thăm Bác rồi đi xuống 33 bậc cầu thang để ra khu vực kết thúc lễ viếng. Trong hành trình ấy, mỗi người chiến sĩ cảnh vệ đều đặt trách nhiệm với trọng trách đặc biệt lên trên hết để nhiệm vụ đón tiếp đồng bào vừa ân cần, chu đáo, trọn vẹn song phải bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn đối với thi hài Bác và công trình Lăng.
“Bác nằm đó chỗ Ba Đình khai sáng nước
Người ngủ yên nơi Người đã bắt đầu” (*)
Ngày nối ngày, trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, trên mỗi bước đi của quãng đường ngắn ngủi ấy, là triệu triệu trái tim thổn thức thương nhớ Người vẫn mong giây phút được gặp Bác kéo dài thêm mãi. Bác ra đi, chẳng để lại gì cho riêng mình nhưng Người lại “giàu có” đến muôn vàn. Bởi Người đã để lại muôn vàn tình thương yêu cho tất thảy chúng ta.
(*) Hai câu đầu trong bài thơ “Ta nhận vào ta phẩm chất của Người” của nhà thơ Chế Lan Viên