Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nơi ấy, cuối trời…

Đức Hải| 17/01/2011 14:20

(HNMCT) - Vùng cao, với những bếp lửa bập bùng nơi xó núi của giáo viên “cắm bản” thường như “bỏ bùa”, để lâu lâu tôi lại thèm một chuyến lên mạn ngược.



Điểm trường Lẻo Chá Phìn B.


Từ xóm Lũng Làn trung tâm xã đến xóm Lẻo Chá Phìn B ngồi xe máy chỉ mười lăm phút đã hết đường. Thầy Nguyễn Văn Đức, Hiệu phó trường Tiểu học, dẫn tôi leo dốc, đi bộ qua mấy thửa ruộng ngô rồi dừng lại, bảo: “Hết cái dốc 3 thang này là đến Lẻo B. Nhà báo phải bò bằng cả bốn chân đấy!”. Trèo qua 3 bậc thang gỗ bám vào vách đá dựng ngược, tôi đứng thở, túa mồ hôi dù trời khá lạnh. Chợt nghe tiếng trẻ đồng thanh từ đâu đó vọng lại: “Hôm nay đến lớp/ Thấy vắng thỏ nâu/ Các bạn hỏi nhau/ Thỏ đi đâu thế?”. Âm thanh trong trẻo ngân vang giữa đại ngàn...

Điểm trường Lẻo Chá Phìn B nằm lắt lẻo bên sườn núi, mái phibrô xi măng, vách gỗ hở toác. Lớp 1 có 14 học sinh ngồi trong, lớp mầm non 21 cháu học ngay ngoài hiên. Một góc lán quây lại, chắc là chỗ giáo viên nghỉ ngơi, đun nấu. Thầy Đức giới thiệu cô Trần Thị Na chủ nhiệm lớp 1, đứng lớp mầm non là cô Triệu Thị Hương. Các cô lúng túng mời khách ngồi, dù chẳng có chiếc ghế trống nào. Cô Na người Chiêm Hóa (Tuyên Quang), đã 35 tuổi nhưng ngoại hình vẫn tố giác gốc “miền gái đẹp”. Lên Hà Giang đã 15 năm thì 7 năm cô công tác ở Sơn Vĩ. Chồng cô trước cũng dạy ở xã này, mới chuyển ra trường Dân tộc nội trú Mèo Vạc. Cứ chiều thứ Sáu cô lại tất tả ra thị trấn, ở với chồng con mấy ngày cuối tuần. Cô Hương 24 tuổi người thị xã Hà Giang, da trắng hồng, thấy bảo mới lấy thầy Điệp nguyên Hiệu phó trường PTCS Sơn Vĩ, đầu năm học này đã chuyển sang Thượng Phùng (một trong 3 xã biên giới của huyện Mèo Vạc, gồm Sơn Vĩ, Thượng Phùng, Xín Cái). Hàng ngày, các cô vượt dốc từ mờ sáng đến lớp. Trưa, mình cô Na cuốc bộ về Lũng Làn, lớp mầm non học cả ngày nên cuối chiều cô Hương mới ra. Tiếng là lớp mầm non mà chẳng thấy bất cứ giáo cụ hay đồ chơi nào, ngay cái bảng để viết chữ cái cho các con tập đọc cũng không nốt. Những đứa trẻ Mông quần áo, mặt mũi nhem nhếch, lạ lẫm nhìn khách miền xuôi quên cả đọc theo cô bài thơ “Tình bạn”.

Sáng hôm trước, mấy gã xe ôm ngoài thị trấn đòi những 400 nghìn đồng/chuyến, để vào Sơn Vĩ phải mất 800 nghìn, chưa tính lúc quay ra. Hỏi “chưa đến 50 cây số mà đắt thế?”, họ chỉ cười, quay đi. Bữa đó là Chủ nhật, ngày chợ phiên Mèo Vạc. Đang ngồi chợ nhâm nhi bát rượu ngô cho vơi nỗi lo đi đứng cách nào thì người quen cũ gọi điện. Thầy Nguyễn Văn Lưu sinh năm 1976, nhà ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội), lên Mèo Vạc dạy học năm 2001. Hồi 2004 tôi vào xã Lũng Chinh “ba cùng” với giáo viên, có ngủ một đêm chỗ Lưu “cắm bản” tại điểm trường Sùng Khể- Há Đề. Tưởng cống hiến ít năm lại về đất thánh, vậy mà… Nghe nói Lưu được rút ra Phòng Giáo dục huyện mấy năm nay, đã có vợ con, “bén rễ” cao nguyên đá mất rồi. Biết tôi lên Mèo Vạc, Lưu hẹn buổi trưa đón về nhà chơi. Sau cuộc “giao lưu” với giáo viên trường PTCS xã Sủng Máng- nơi vợ Lưu công tác, cách trung tâm huyện dăm cây số- chúng tôi lên đường vào Sơn Vĩ, bằng chiếc xe máy của Lưu.



Khởi hành lúc 3h chiều, tối xẩm chúng tôi mới vào đến Sơn Vĩ, mất hơn 3 tiếng đồng hồ. Nửa hành trình từ trung tâm huyện đến ngã ba biên giới, chỗ dốc Xín Cái, đường nhựa tương đối dễ đi, đèo dốc quanh co ôm lấy dòng sông Nho Quế. Đoạn sau, đường cấp phối lổn nhổn đá cục, trận mưa đêm trước làm sạt lở nhiều chỗ, hàng núi đất đá đổ xuống đường, phải dắt xe men theo bờ vực. Có trải nghiệm mới thấy may là ô tô của Văn phòng Huyện ủy và Ủy ban đều bận công tác cả, chứ đường sá này kể cả xe gầm cao cũng “bó tay”, có khi phải cuốc bộ vài chục cây số, hết đêm chưa chắc tới nơi.

Cầm chén rượu đầy sóng sánh, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Vĩ chơi chữ: “Nhà báo Hà Nội đã vào tận cái chỗ cuối núi này phải uống hết mình nhé”. Nhìn dáng đậm đà xốc vác, nói cười sảng khoái, nhất là cái cách người đàn bà sơn cước này “hết mình” đến chén thứ bao nhiêu mà vẫn nhẹ như không, mới hiểu sao lúc trước đồng nghiệp Hà Giang cứ nắc nỏm nhắc “nữ tướng” Lù Thị Dâu. Ngoài bốn mươi tuổi, trước khi trở thành Bí thư, chị Dâu đã làm Chủ tịch UBND xã một nhiệm kỳ, trước nữa từng nhiều năm làm Chủ tịch Hội phụ nữ. Ở những xã biên giới, vùng sâu vùng xa thế này, cán bộ như chị luôn là “hạt giống” quý.

Đến Sơn Vĩ muộn, ngồi chưa ấm chỗ chủ nhà đã giục ăn cơm. Đãi nhà báo, ngoài giáo viên có cả lãnh đạo xã và Đồn biên phòng. Tình quân dân thật khăng khít, lẽ nào nhà báo không hết mình, nhờ thế cũng nghe được khối chuyện. Xã có 17,75 km đường biên giới, giáp hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây của Trung Quốc; có 19 thôn, xa nhất là Séo Hồ, Lũng Lìn A, Lũng Lìn B, Trù Sán… cách trung tâm xã trên dưới 15 km, mới có đường dân sinh chứ ô tô chưa vào được. Dân số 5.273 người thì người Mông chiếm 76,9% (còn lại là người Xuồng, Giáy, Nùng, Tày, Hoa, Kinh); có 1.021 hộ thì 720 hộ nghèo. Kinh tế chủ yếu trồng lúa 1 vụ, hoa màu và chăn nuôi. Địa hình dốc, rặt núi đá nên mùa khô rất khó khăn về nước, đặc biệt là các xóm Cò Sùng, Tù Lủng, Trù Sán phải đi vài km mới lấy được nước. Bí thư Dâu cho biết: “Trong 10 năm gần đây Sơn Vĩ được đầu tư nhiều về cơ sở hạ tầng, song vẫn còn nhiều khó khăn. Đến nay 15 xóm vẫn chưa hưởng điện lưới quốc gia, 14 xóm thiếu nhà văn hóa…”. Theo Trung tá Hoàng Ngọc Kim, Phó trưởng đồn biên phòng 159 (đồn Lũng Làn), độ chục năm nay giao thông ở Sơn Vĩ đã bớt khó khăn, chứ trước, từ dốc Xín Cái vào phải đi bộ, đoạn qua xã Cán Chu Phìn có dốc “9 thang” (chín cái thang nối bằng cây) phải bò bằng cả “bốn chân”. Gần Sơn Vĩ, chỗ giáp đường biên có dốc Há Mồm (dốc đi qua hai quả núi giống hình cái mồm há to, còn đúng theo nghĩa bóng bởi trèo qua được chỗ này mệt đến nỗi phải thở cả bằng mồm). Từ năm 2001 đã có đường dân sinh, ô tô vào được trung tâm xã và một số xóm, nhưng mỗi tội cứ mưa to là sạt lở. “Cán bộ tỉnh, huyện vào đây công tác thấy cơn mưa là nơm nớp lo, không khéo phải ở lại cả tuần”. Thầy Nguyễn Văn Huấn, Hiệu trưởng trường PTCS Sơn Vĩ, kể: Hè vừa rồi, mấy giáo viên có việc ra thị trấn, gặp hôm trời mưa phải khênh xe máy mới thoát…



Điểm trường Lẻo Chá Phìn B.


Sau bữa tối, thầy Huấn dẫn tôi thăm thổ ngơi. Trường PTCS và Tiểu học cách nhau dãy nhà nội trú giáo viên. PTCS có 11 lớp, 343 học sinh trong đó 226 cháu “nội trú dân nuôi” (thuộc diện nhà xa, ăn ở tại trường, Nhà nước trợ cấp 140 nghìn đồng/học sinh/tháng). Biên chế 25 người chỉ có 2 giáo viên địa phương, chủ yếu ở huyện Mèo Vạc, Quản Bạ, Vị Xuyên… và người Tuyên Quang. Nhân sự kể cũng hơi thiếu, song không lo bằng cơ sở vật chất dù đã được cải thiện nhiều. Tách khỏi Tiểu học từ năm 2006, trường PTCS đã xây dựng 2 tầng, nhưng có phòng Hội đồng mà thiếu phòng Giám hiệu, chỉ có 8 phòng học, thiếu 3 phòng phải ngồi nhờ bên Tiểu học. Cơ sở vật chất của trường Tiểu học thì lúc ăn cơm cô Hiệu trưởng Đặng Thị Lợi đã “kể tội” rồi: Xã có 42 lớp Tiểu học, ngoài 14 lớp ở trường chính còn rải rác nằm ở 19 xóm; 21 điểm trường chủ yếu là nhà tạm, mới có 4 điểm được xây cấp 4…

Nhà tập thể giáo viên có khoảng chục gian, mỗi gian chưa đến 10m2, kê được cái giường với bộ bàn ghế. Nhiều phòng phải bố trí ở ghép. So với số giáo viên đang phải trọ nhà dân thì được ở ghép còn may chán. Đầu dãy là phòng cô Nguyễn Thị Huệ chủ nhiệm lớp 4A kiểu mẫu. Cô Huệ sinh năm 1975, nhà ở phường Xuân Hòa (TP Tuyên Quang). Sau 7 năm dạy học ở huyện Hàm Yên vẫn không được vào biên chế, năm 2000 cô lên Hà Giang xin việc, được điều vào Sơn Vĩ. Chồng cô công tác dưới Tuyên Quang. Con đầu đã 14 tuổi, cháu thứ hai mới 3 tuổi, đều chẳng mấy khi được gần mẹ. Cô than: “Lên đây lương bổng được ưu đãi nhiều khoản, nhưng sinh hoạt lại đắt đỏ. Tiền rau mỗi ngày mất 5.000 đồng. Thịt lợn đắt hơn 15-20.000 đồng một cân so với dưới Tuyên Quang”. Phòng bên cạnh là cô Vũ Thị Minh cũng “gái Tuyên” nhà ở huyện Yên Sơn. Sinh năm 1972, cô Minh lên Mèo Vạc từ năm 1996, có 10 năm dạy học ở xã Khau Vai. Vào đây, năm đầu tiên cô “cắm bản” tại điểm trưởng Nà Lũng, sau chuyển ra trường chính. Chồng con ở dưới Tuyên, vài tháng cô mới về thăm một lần. “Em lấy chồng muộn, con năm nay mới 9 tuổi. May mà có người lấy”- Cô nói đùa mà nghe tồi tội...



Học sinh "Nội trú dân nuôi" ở trường PTCS Sơn Vĩ.


Trước khi vào Sơn Vĩ, cứ nghĩ Mèo Vạc chỉ duy nhất thầy Lưu người Hà Nội, nhưng hóa ra nơi cuối trời này cũng có hai cô giáo Thủ đô theo đuổi sự nghiệp trồng người. Từ điểm trường Lẻo B về trung tâm xã tôi gặp cô Tạ Thị Lư dạy môn Văn cấp 2. Cô Lư 33 tuổi, nhà ở xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Cô dạy học ở quê từ năm 1999, hơn 10 năm vẫn chưa được biên chế. Lương hợp đồng chỉ vài trăm nghìn, trừ bảo hiểm còn được mấy đồng? Nghe trên này tuyển giáo viên, sau một năm hợp đồng sẽ chuyển chính thức, hơn nữa thu nhập giáo viên vùng cao cũng khá, cô bèn quyết định lên Mèo Vạc, để con gái 6 tuổi lại cho chồng chăm sóc. Lên đây từ ngày 1-1-2010, cô được điều về xã Sủng Trà dạy hết năm học, đến ngày 5-7 nhận quyết định vào Sơn Vĩ. Một người Hà Nội nữa là cô Nguyễn Thị Thủy đang “cắm bản” ở xóm Trù Sán. Tiếc là không gặp được đồng hương, bởi Trù Sán cách đó 13 km, đường sá khó khăn, đi bộ mất 4 tiếng. Cô Thủy sinh năm 1970, gia đình ở quận Hà Đông, được cái con lớn đã học lớp 12, bé cũng lớp 8, cũng đỡ “hoàn cảnh” hơn cô Lư. Thì phần lớn giáo viên trên này gia cảnh cũng đều “Ngưu Lang-Chức Nữ” cả. Như thầy Huấn hiệu trưởng, công tác ở Mèo Vạc từ năm 1995 nhưng vợ con vẫn dưới quê Hưng Yên. Mười lăm năm tuổi xuân trôi qua nơi biên ải, kém gì bộ đội? Có đi mới biết hoàn cảnh giáo viên vùng cao, mới thấy sự cống hiến của họ đáng trân trọng, cần được cảm thông, chia xẻ…

Đêm ấy ở đồn biên phòng, tôi nằm trằn trọc không ngủ, nghe gió hun hút thổi trên đại ngàn mà thầm mong trời đừng mưa. Không phải lo đường về, mà mong để đường đến lớp của thầy trò Sơn Vĩ vơi bớt gian nan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nơi ấy, cuối trời…

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.