Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nơi ấy có một mái ấm

Quỳnh Anh| 28/09/2010 07:31

(HNM) - Ngày ông trưng tấm biển khám chữa bệnh, dạy chữ, dạy nghề miễn phí trước cổng nhà, nhiều người xì xào, bàn tán bảo ông hâm. Nhưng mặc kệ dư luận, ông cứ âm thầm, lặng lẽ thực hiện ước nguyện của mình.

Để rồi hôm nay, sau gần 10 năm hoạt động, trung tâm của ông đã trở thành địa chỉ tin cậy, nơi sưởi ấm trẻ nhiễm chất độc da cam, trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi không nơi nương tựa.

Sau nhiều năm cống hiến sức lực, trí tuệ cho nghề Đông y, ông Nguyễn Đình Chiến về nghỉ ở ngôi nhà của mình tại số 9 La Thành, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Mang tiếng là về hưu, nhưng mới được vài tháng, ông đã cùng với vợ và các con chung tay góp sức, dùng chính ngôi nhà của mình làm địa chỉ khám chữa bệnh, phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật. Đến năm 2001 Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật Sơn Tây đã ra đời, tập hợp các thầy thuốc, thầy giáo có tấm lòng nhân ái, tự nguyện góp công sức, tiền của để chữa trị bệnh, giúp đỡ trẻ khuyết tật.

Ông Chiến bộc bạch, trước khi về nghỉ hưu, đi nhiều nơi cứu chữa người bệnh, ông đã chứng kiến rất nhiều mảnh đời bất hạnh. Có em ban đầu chỉ bị cảm sốt, nhưng vì gia đình quá nghèo không đưa sớm đến bệnh viện, để rồi bệnh biến chứng gây teo cơ, liệt hai chân. Có em khuyết tật, muốn được đến trường như các bạn nhưng gia đình không lo nổi học phí... Mỗi lần như vậy, ông thấy thật thương cảm và tâm niệm phải làm một điều gì đó cho các em. "Ngày mới thành lập, trung tâm gặp muôn vàn khó khăn, kinh phí hạn hẹp, trang thiết bị thiếu thốn, hơn thế lại còn phải lo chỗ ăn, chỗ nghỉ cho các em. Sau một thời gian hoạt động khám chữa bệnh miễn phí, Trung tâm đã nhận được sự tin tưởng, ủng hộ, giúp đỡ của rất nhiều người nên nguồn kinh phí hoạt động đã dồi dào hơn", ông Chiến tâm sự.

Ở trung tâm, trẻ được chữa trị bệnh, được học nghề và được dạy cách sống, cách đối nhân xử thế. Em nào không có nơi nương tựa, Trung tâm thu xếp chỗ ở, lo ăn uống cho các em.

Sau gần 10 năm hoạt động, Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật Sơn Tây đã khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng cho hàng trăm trẻ khuyết tật ở độ tuổi từ 1-14. Nhiều em sau khi chữa khỏi bệnh tiếp tục được học chữ, học nghề đã trưởng thành, không những tự nuôi sống được bản thân mà còn hỗ trợ, giúp đỡ gia đình bớt khỏi cảnh khó khăn. Hiện trung tâm đang chăm sóc, chữa trị bệnh, phục hồi chức năng cho 200 trẻ khuyết tật; thường xuyên duy trì dạy chữ cho 18 trẻ em. Trung tâm còn thường xuyên tổ chức tặng quà cho các em nhỏ vào các dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán, Ngày Người khuyết tật Việt Nam; tiến hành các hoạt động khám và phát thuốc miễn phí cho các Bà mẹ VNAH; trao tặng xe lăn cho người khuyết tật...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nơi ấy có một mái ấm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.