Theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF), nợ thế giới gần đạt mức cao kỷ lục trong quý 1/2023, với mức tăng mạnh ở các thị trường trưởng thành.
Nợ toàn cầu đạt mức cao kỷ lục trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về việc chính phủ Mỹ đứng trước nguy cơ vỡ nợ và có thể gây ra tình trạng hỗn loạn tài chính toàn cầu.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), đánh giá này cũng là một cảnh báo mới đối với Trung Quốc - quốc gia đã chứng kiến tỷ lệ nợ trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng hàng quý và có mức độ rủi ro lớn đối với trái phiếu kho bạc Mỹ.
Trong một báo cáo ngày 17-5, IIF cho biết nợ toàn cầu đã tăng 8.300 tỷ USD lên 304.900 tỷ USD trong ba tháng đầu năm nay. Kỷ lục đã được thiết lập một năm trước đó, khi nợ toàn cầu đạt 306,3 nghìn tỷ USD trong quý đầu tiên của năm 2022.
Tại các thị trường mới nổi, tổng nợ tăng từ 75.000 tỷ USD đạt mức cao kỷ lục 100,7 nghìn tỷ USD - tương đương 250% GDP, đánh dấu mức tăng 34%.
“Mức tăng còn rõ ràng hơn ở các thị trường trưởng thành, chủ yếu là Nhật Bản, Mỹ, Pháp và Anh. Trong số các thị trường mới nổi, mức tăng lớn nhất được ghi nhận ở Trung Quốc, Mexico, Brazil, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ”, IIF cho biết khi đánh giá tình hình nợ toàn cầu.
Theo Viện Tài chính và Phát triển Quốc gia (NIFD) - một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Bắc Kinh, đòn bẩy tài chính vĩ mô của Trung Quốc đang tăng lên, chủ yếu là do sự suy giảm của nền kinh tế. Dữ liệu của NIFD cho thấy tỷ lệ nợ trên GDP của Trung Quốc đã tăng đáng kể lên 281,8% trong quý đầu tiên của năm nay từ mức 273,2% vào cuối năm 2022.
Báo cáo của IIF cũng nêu bật đòn bẩy trong hệ thống tài chính, chi phí nợ dịch vụ ngày càng tăng do lãi suất tăng và các vấn đề về thanh khoản do các chính sách thắt chặt tiền tệ.
Trong tháng này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã thông qua lần tăng lãi suất thứ 10 chỉ trong hơn một năm và ngầm ám chỉ chu kỳ thắt chặt tiền tệ hiện tại đã kết thúc.
Trong khi đó, các quan chức cấp cao của Ngân hàng trung ương và Bộ tài chính Trung Quốc đã nhấn mạnh những lo ngại về dòng vốn chảy ra khỏi các thị trường mới nổi do lãi suất cao và khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ.
Dữ liệu của IIF cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã ghi nhận dòng vốn đầu tư ròng kỷ lục 80 tỷ USD vào năm 2022. Tính đến tháng 3, các chính phủ nước ngoài sở hữu khoảng 3,57% nợ bằng đồng nhân dân tệ ở Trung Quốc, giảm so với mức 4,22% một năm trước đó.
Trên toàn cầu, các nhà đầu tư vẫn lo ngại về việc liệu kết quả của các cuộc đàm phán về trần nợ của Mỹ có giúp tránh được tình trạng vỡ nợ hay không. Nếu thỏa thuận không đạt được, Mỹ có thể rơi vào tình trạng vỡ nợ nghiêm trọng đối với khoản nợ 31,4 nghìn tỷ USD ngay sau ngày 1-6.
Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn thứ hai của chính phủ Mỹ, sau Nhật Bản. Theo dữ liệu từ Bộ Tài chính Mỹ, Trung Quốc đang nắm giữ khoản nợ trị giá 869,3 tỷ USD trong tháng 3, tăng từ 848,8 tỷ USD trong tháng 2.
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc tăng nắm giữ nợ của Mỹ sau 7 tháng giảm liên tiếp khiến tỷ lệ nắm giữ của quốc gia châu Á này giảm xuống mức thấp nhất trong gần 13 năm.
Hu Jie, cựu chuyên gia kinh tế tài chính cấp cao tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ ở Atlanta và hiện là giáo sư tại Đại học Jiao Tong Thượng Hải, cho biết các nhà quản lý dự trữ ngoại hối như Nhật Bản và Trung Quốc đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ dường như không quá lo ngại về một kịch bản vỡ nợ.
“Có thể thấy một số áp lực về giá trên thị trường trái phiếu và có thể xảy ra cái gọi là bán tháo trái phiếu Mỹ ở một mức độ nhất định. Nhưng nếu bạn xem xét vấn đề này một cách bao quát hơn, thì những biến động trên thị trường hiện này giống như một phản ứng cảm xúc”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.