Nắm bắt tình trạng nhiều người mắc bệnh trầm cảm, tổn thương tinh thần hiện nay, gần đây không ít cá nhân, tổ chức đã mở các khóa học để “chữa lành” tâm hồn, "chữa lành" trái tim, "chữa lành" tự kỷ… Cơ quan chức năng cảnh báo, người dân cần thận trọng với những khóa học này, đừng để tiền mất, tật mang. Thực tế, nhiều người do tin tưởng và không tìm hiểu kỹ đã phải mất tiền cho những khóa học “chữa lành”...
"Chữa lành" nhưng không lành
Tại website “chữa lành”, phóng viên Báo Hànộimới đăng ký tham gia khóa học trực tuyến 28 ngày chữa lành nỗi đau, với giá gần 2 triệu đồng/khóa. Theo giới thiệu, tham gia khóa học, các học viên sẽ hiểu được quy luật nhân quả, luân hồi trong hôn nhân để thấu hiểu nguyên nhân gốc rễ. Sau khi đăng ký, phóng viên xác nhận thông tin, rồi chuyển khoản để được cung cấp mã học trực tuyến mà không cần phải thăm khám tình trạng tâm lý...
Nhóm “Cộng đồng khoa học chữa lành” trên Zalo cũng cập nhật rất nhiều khóa học. Trong đó, khóa học Tarot chuyên sâu kéo dài 8 buổi, ưu đãi 35% học phí, giảm từ 6 triệu đồng xuống còn 3,9 triệu đồng được giới thiệu là nhằm giúp học viên hiểu và áp dụng được sự vận hành của vũ trụ vào Tarot và đời sống để giúp mình, giúp người, nâng cao tri thức và thay đổi tầm nhận thức, qua đó nâng cấp bản thân và bình an hơn. Đặc biệt, lớp học kỹ thuật thôi miên hồi quy được giới thiệu nhằm “chữa lành” nỗi sợ vô cớ, dạy kỹ thuật thôi miên trong việc “chữa lành” sâu các vấn đề thể chất, tinh thần, mối quan hệ, tâm thức, học phí là 20 triệu đồng cho 5 buổi học.
Vì lợi nhuận, nhiều “chuyên gia tâm lý” bất chấp mối quan hệ thân quen hay không đều tìm mọi cách lôi kéo người học. Chị Hà Thu (phường Bạch Đằng, quận Hoàn Kiếm) cho biết, chị được người bạn cùng lớp thời trung học phổ thông mời đến công ty ở phố Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) chơi. Những tưởng bạn bè lâu ngày gặp nhau để chia sẻ về cuộc sống, gia đình, ôn lại thời học sinh... nào ngờ, sau khi ngồi nói chuyện và thử tập thiền với bạn để cân bằng cảm xúc, chị ra về và bị nhân viên công ty thu số tiền 500.000 đồng do vừa “chữa lành” với chuyên gia tâm lý.
Về hiệu quả sau khi “chữa lành”, phóng viên nhận được nhiều phản hồi tiêu cực. Cụ thể, chị Thanh Trúc (quận Thanh Xuân) cho biết, chị đã tìm đến hình thức thôi miên hồi quy do từng có nhiều giấc mơ lạ. Tuy nhiên, sau khi tham gia khóa học, chị không thấy có chuyển biến tích cực nào. Còn chị Lê Thúy (quận Đống Đa) lại thấy mệt mỏi kéo dài, người lạnh, buồn nôn sau khi tham gia khóa học "chữa lành". Mất số tiền không nhỏ để thôi miên hồi quy tiền kiếp nhưng thứ mà chị nhận lại là tâm hồn không hề được “chữa lành”.
Cần giám sát và quản lý chặt chẽ
Xét dưới góc độ tâm lý học, Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Vũ Long, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học (Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Nội) cho biết, để chữa bệnh cho một người sang chấn tâm lý, lo âu, mất ngủ, bệnh lý về thần kinh… bắt buộc phải có bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán bệnh, kết hợp sự thăm khám của bác sĩ tâm lý có bằng cấp, từ đó đưa ra bảng biểu chấm điểm để xác định bệnh và tiến hành điều trị theo phác đồ. Việc rầm rộ quảng cáo chữa bệnh bằng cách “chữa lành” hiện có thể gây hại cho người bệnh nếu không kịp thời tìm ra căn nguyên bệnh, để quá thời gian quan trọng chữa bệnh thì có thể không can thiệp chữa trị được. Bác sĩ Hoàng Vũ Long đề nghị, các cơ quan chức năng cần giám sát, quản lý chặt chẽ hoạt động này, nếu không sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho người bệnh.
Theo Bộ Y tế, hiện cả nước chỉ có 143 nhà tâm lý lâm sàng và tâm lý trị liệu. Chỉ các tuyến tỉnh và trung ương mới có các chuyên khoa tâm thần cung cấp dịch vụ chăm sóc, điều trị lĩnh vực tâm thần. Người dân cần hết sức thận trọng với những chuyên gia tâm lý tự xưng trên mạng xã hội bởi rất nhiều trường hợp là giả mạo. Đơn cử năm 2023, trên mạng xã hội, một người tự xưng là bác sĩ quân y Phạm Văn Chơn, làm việc tại Bệnh viện trung ương Quân đội 108. Đối tượng này thường xuyên chia sẻ liệu pháp ăn chay tự chữa lành mọi bệnh. Bệnh viện trung ương Quân đội 108 đã khẳng định, Phạm Văn Chơn không phải là người công tác tại bệnh viện...
Thực tế, “chữa lành” cảm xúc bằng các bài tập thiền, yoga, hoặc tự thân mỗi cá nhân kiểm soát tâm trạng của mình ít nhiều mang lại giá trị tích cực. Tuy nhiên, hiện có nhiều đối tượng lợi dụng các khóa học “chữa lành” để trục lợi bất chính với những chiêu thức tinh vi gây bức xúc dư luận. Do đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát, quản lý, xác định hoạt động “chữa lành” này mang lại hiệu quả tích cực hay tiêu cực để từ đó có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.