Để khán giả tương tác và trở thành một phần của tác phẩm là xu hướng nghệ thuật xuất hiện khá nhiều trong thời gian gần đây.
Là một yếu tố của nghệ thuật đương đại, nghệ thuật tương tác phá bỏ được ranh giới giữa hàn lâm và đời sống, giữa người sáng tạo và người thụ hưởng, thúc đẩy tinh thần sáng tạo và làm đẹp thêm cho Hà Nội, không gian mà nó đang hiện hữu.
Mở ra cách tiếp cận mới
Một ngày áp Tết, tác phẩm “Phở gánh”, bức tượng đồng nặng gần 400kg của nhà điêu khắc Trần Quốc Thịnh đặt ngay trên tuyến phố ẩm thực Tống Duy Tân được khánh thành cùng dự án chỉnh trang tuyến phố ẩm thực này. Đây chính là điểm nhấn nghệ thuật giàu tính tương tác với một không gian kinh tế, văn hóa của khu vực ẩm thực truyền thống của Hà Nội.
Không chỉ dự án trên, những năm gần đây, Hà Nội chứng kiến sự xuất hiện của nhiều tác phẩm nghệ thuật nhấn mạnh yếu tố tương tác với khán giả. Những tác phẩm này không chỉ đóng vai trò là cầu nối, mà còn “lôi kéo” người xem tham gia vào một “cuộc chơi” nghệ thuật, mà ở đó chính người chơi khiến tác phẩm trở nên hoàn thiện theo phiên bản riêng của từng người.
Tháng 1-2024, triển lãm ảnh kết hợp công nghệ đa phương tiện mang tên “Stream of Hà Nội” xuất hiện tại Thủ đô. Tái hiện trọn vẹn hình ảnh về Hà Nội cũ - mới trong cùng một không gian, thông qua ngôn ngữ kể chuyện Interactive Project Mapping hiện đại, triển lãm đã mang tới cho khán giả Hà Nội cơ hội được chiêm ngưỡng, thưởng thức không gian nghệ thuật và màn trình diễn ánh sáng mãn nhãn, bắt kịp xu hướng triển lãm công nghệ cao trên thế giới.
“Xuyên không” về quá khứ, triển lãm khắc họa một cách rõ nét hình ảnh Hà Nội xưa với vẻ cổ kính, nơi nhịp sống diễn ra an yên, chậm rãi trong những con ngõ nhỏ, phố nhỏ, yên bình; những gia đình tứ đại đồng đường quây quần, những mái ngói rêu phong...
Tiếp nối những ký ức đầy hoài cổ, triển lãm còn đưa đến một Hà Nội hiện đại, với sự chuyển mình của những đại lộ thênh thang, đại đô thị lấp lánh ánh đèn và chân dung thế hệ người Hà Nội mới, đa sắc.
Đến triển lãm, bất cứ ai cũng có thể “chạm” vào Hà Nội với đủ hình hài, đọc những câu chuyện về các nhân vật, ngắm nhìn những khung cảnh tưởng xa lạ mà rất đỗi thân quen rồi bất chợt tìm thấy mình trong đó...
Mới đây, trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, triển lãm nghệ thuật “Cảm thức Đông Dương” cũng gợi mở cho khán giả những cảm thức xưa cũ về kiến trúc và mỹ thuật Đông Dương, thông qua các tác phẩm của những kiến trúc sư, họa sĩ và nghệ sĩ đương đại.
Điểm gây ấn tượng của triển lãm là sự sắp đặt ánh lên các tác phẩm điêu khắc, hội họa bằng việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số, tạo nên sự giao hòa ánh sáng và trải nghiệm tương tác độc đáo cho người xem. Khán giả gọi đây là cuộc “đối thoại” với lịch sử bởi lần đầu tiên quá khứ với họ lại trở nên gần gũi đến thế.
Trở lại với bức tượng đồng nặng gần 400kg của nhà điêu khắc Trần Quốc Thịnh được thực hiện trong suốt hai tháng, qua nhiều công đoạn. Bức tượng được đúc tỉ lệ 1:1, tái hiện lại hình ảnh quen thuộc một thời, không chỉ tôn vinh nghề bán phở - một phần không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực Hà Nội, mà còn giúp du khách nước ngoài hiểu hơn về cuộc sống và truyền thống của người dân địa phương.
Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn chia sẻ: “Tác phẩm “Phở gánh” đã “xóa nhòa khoảng cách” với người xem, khiến bất cứ ai cũng có thể ngắm nhìn, tương tác bất kể thời gian. Bức tượng khi được đặt trong không gian phố ẩm thực sẽ hòa quyện thành một thể thống nhất, gắn kết chặt chẽ với bối cảnh xung quanh, bởi nơi đây chứa đựng câu chuyện về phố ẩm thực, về phở bò, đường tàu... Đặc biệt, chúng tôi cố tình đặt bức tượng sát mặt đất, khéo léo giấu toàn bộ khối đế bằng inox dưới nền đá lát đường để tạo cảm giác gần gũi, khiến bất cứ ai cũng có thể tương tác với nó, “mời gọi” mọi người cùng tham gia vào không gian ấy để hiểu hơn về lịch sử và văn hóa của phố ẩm thực”.
Tuy nhiên, do đây là một xu hướng còn mới mẻ nên việc tương tác giữa khán giả và nghệ thuật vẫn đối mặt với không ít rào cản. Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn chia sẻ: “Hiện nay, đa số khán giả Việt Nam chỉ tương tác với các tác phẩm nghệ thuật ở phần “vỏ”, tức là xem, ngắm và chụp ảnh... mà chưa thực sự đi sâu vào việc trải nghiệm hay khám phá ý nghĩa bên trong của các tác phẩm”.
Lấy ví dụ từ tác phẩm sắp đặt "Kim vàng giọt lệ" được trưng bày trên phố Phùng Hưng, ông Sơn chia sẻ rằng trong ý đồ của mình, tác phẩm không chỉ bao gồm chiếc xe máy mà còn có các bộ phận xe được tách rời, đổ composite và gắn lên tường, tạo thành những cấu trúc giống như đường leo núi. Ý tưởng này nhằm kết nối với lịch sử của chợ xe máy đầu tiên ở Hà Nội. Những bộ phận của chiếc xe Honda gợi lên hình ảnh về hành trình mưu sinh vất vả, từng bước tích góp để sở hữu một chiếc xe Honda - biểu tượng của ước mơ và sự phấn đấu trong quá khứ.
“Tuy nhiên, suốt nhiều năm qua, hầu hết những người đi qua đó chỉ dừng lại ở việc chụp ảnh, rất ít người chú ý đến các chi tiết xung quanh, ngồi thử lên chiếc xe máy, hay đọc bảng hướng dẫn để tìm hiểu ý nghĩa của tác phẩm, hoặc biết ai là người sáng tác. Chính những khoảng trống trong văn hóa cảm thụ nghệ thuật đã trở thành rào cản, khiến nhiều tác phẩm chưa được tương tác một cách đúng nghĩa” - ông Sơn nhận định.
Hà Nội - không gian hội tụ và thúc đẩy cảm hứng sáng tạo
Vai trò của nghệ thuật, xét cho cùng vẫn là định hướng thẩm mỹ và mục tiêu những tác phẩm nghệ thuật mang tính tương tác chính là đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng, nâng cao tính dân chủ trong quá trình đối thoại, để không áp đặt khán giả mà để công chúng có thể thỏa sức bày tỏ ý tưởng, cảm xúc đối với tác phẩm và nghệ sĩ.
Theo họa sĩ, nghệ sĩ thị giác Phạm Thủy Tiên: “Các tác phẩm nghệ thuật mang yếu tố tương tác khuyến khích người xem cảm nhận bằng tất cả các giác quan sờ, nắm, ngửi, chạm... Lúc này, khán giả trở thành trung tâm của tác phẩm. Tác phẩm được trình bày như một câu hỏi hoặc một khái niệm dưới nhiều hình thức khác nhau, cho phép người xem tự do trải nghiệm với nhiều giác quan, từ đó mỗi người sẽ có những cảm nhận, cảm xúc và liên tưởng khác nhau thông qua cùng một tác phẩm... Đây là xu hướng tất yếu của nghệ thuật trong tương lai, đặc biệt khi Hà Nội là thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO".
Đối với người dân Hà Nội, các tác phẩm nghệ thuật mang tính tương tác thời gian gần đây có sức hút khá mạnh mẽ. Ngay từ khi xuất hiện, các tác phẩm này đã thu hút một lượng lớn người dân đến thăm thú, nhìn ngắm, vui chơi, chụp ảnh, quay phim, kết hợp trình diễn nghệ thuật...
Từ dự án nghệ thuật công cộng phố Phùng Hưng, dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân, triển lãm “Cảm thức Đông Dương”... nhìn lại quá khứ, có thể nhận thấy một sự chuyển biến rõ rệt trong thực hành nghệ thuật, từ dạng thức ca ngợi, tưởng niệm sang dạng thức trang trí làm đẹp không gian, tiến tới tương tác cộng đồng và can thiệp vào địa điểm. Hiệu ứng xã hội của các tác phẩm này có thể được nhìn nhận từ nhiều chiều cạnh khác nhau, song nhìn từ phía người dân, họ đã được tiếp cận và hưởng thụ những giá trị tinh thần phong phú, tích cực từ những sáng tạo của các nghệ sĩ. Đôi khi những sáng tạo đó làm thay đổi nhận thức của cộng đồng về nghệ thuật cũng như về các giá trị lịch sử, văn hóa.
Đặc biệt, không chỉ giúp người Hà Nội thưởng thức vẻ đẹp của một loại hình nghệ thuật, các tác phẩm này còn tạo ra sinh khí mới cho không gian sống, thúc đẩy tinh thần sáng tạo, hình thành nên những chất liệu cho sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là với một vùng đất đã được định danh là không gian sáng tạo nghệ thuật như Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.