Giao thông

Nỗ lực tháo gỡ khó khăn dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô

Tuấn Lương thực hiện 04/01/2024 06:25

“Thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tiến độ triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là việc thi công trong điều kiện giải phóng mặt bằng “xôi đỗ” và xử lý nền đất yếu…”, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới.

vung-thu-do.jpg
Thi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội tại huyện Mê Linh. Ảnh: Tuấn Khải

Cơ bản đáp ứng đủ vật liệu thi công

- Ông có thể đánh giá khái quát về tiến độ triển khai dự án từ khi khởi công đến nay?

- Dự án được khởi công vào ngày 25-6-2023. Ngay sau lễ khởi công, chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, nhà thầu đã quyết liệt triển khai nhiệm vụ. Được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, sự phối hợp, giúp đỡ của các sở, ngành, đơn vị và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị thành phố, Ban Quản lý dự án và các quận, huyện nơi dự án đi qua, đến nay, dự án đã cơ bản bám sát tiến độ đề ra.

- Có một thực tế là, không ít dự án chậm tiến độ do ách tắc trong công tác giải phóng mặt bằng, với dự án này thì sao, thưa ông?

- Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đoạn qua Hà Nội có tổng chiều dài 58,2km đi qua 7 quận, huyện của thành phố, bao gồm Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Thanh Oai, Thường Tín, Hoài Đức và Hà Đông. Đến nay, các quận, huyện đã phê duyệt và thu hồi đất được 763,86/791,21ha, đạt 96,54%. Ban Quản lý dự án tiếp nhận 714,15/763,86ha, đạt 93,49% so với diện tích đất đã giải phóng mặt bằng để tổ chức rà phá bom mìn và bàn giao cho các nhà thầu thi công xây dựng.

Trong tổng số 13 khu tái định cư với tổng diện tích 32,5ha, có 12 khu đang được xây dựng. Trong đó, phần lớn dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 3-2024. Khả quan nhất là cả 4/4 khu tái định cư tại huyện Thường Tín đã cơ bản hoàn thành. Huyện vừa tổ chức bốc thăm cho 137 hộ dân đủ điều kiện. Công tác xây dựng các khu tái định cư đáp ứng yêu cầu tiến độ.

- Ông có thể cho biết công tác thi công tại hiện trường dự án đang triển khai như thế nào?

- Tại Dự án thành phần 2.1 xây dựng đường song hành (đường đô thị) đoạn thuộc địa phận Hà Nội, các nhà thầu đã huy động khoảng 600 kỹ sư, công nhân và hàng trăm máy móc các loại…, tổ chức 32 mũi thi công gồm 23 mũi thi công đường và 9 mũi thi công cầu. Sản lượng thi công đến nay đạt khoảng 8% giá trị hợp đồng. Đặc biệt, vấn đề về vật liệu đất, cát phục vụ thi công cơ bản được tháo gỡ, hiện không gặp khó khăn gì.

Dự kiến, đoạn 13km phía Bắc sông Hồng sẽ hoàn thành vào cuối năm 2024; đoạn 19km thuộc địa bàn huyện Hoài Đức đến giữa năm 2025 cũng sẽ xong đường song hành. Các nhà thầu thi công đoạn khác cũng phấn đấu tiến độ tương tự.

Riêng Dự án thành phần 3 đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công - tư (PPP), mới đây, UBND thành phố đã phê duyệt dự án và Ban Quản lý dự án đang triển khai các bước để hoàn thiện thủ tục đầu tư, phấn đấu đến cuối quý III-2024 hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư.

- Cố gắng khắc phục khó khăn trong giải phóng mặt bằng - Còn công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư thì sao?

- Kế hoạch vốn đã bố trí cho dự án đến nay là hơn 9.281 tỷ đồng; trong đó Ban Quản lý dự án hơn 1.361 tỷ đồng; các quận, huyện hơn 7.920 tỷ đồng. Dự án đã giải ngân 7.456 tỷ đồng, đạt 80,34%. Ban Quản lý dự án đã giải ngân được hơn 1.359 tỷ đồng, đạt 99,83%; các quận, huyện là hơn 6.097 tỷ đồng, đạt 76,99%. Theo đánh giá của thành phố, kết quả như vậy là tích cực.

- Vậy ông có thể cho biết, còn khó khăn nào có thể ảnh hưởng tới tiến độ chung của dự án?

- Khó khăn lớn nhất vẫn là công tác giải phóng mặt bằng còn vướng mắc. Điển hình tại Dự án thành phần 2.1, các nhà thầu đang tổ chức 32 mũi thi công nhưng còn tình trạng “xôi đỗ”, không liên tục do vướng đất thổ cư chưa giải phóng.

Tuyến đường song hành chủ yếu đi qua nền đất yếu, thời gian xử lý nền, đắp gia tải và thời gian chờ lún mất từ 8 đến 10 tháng. Mặt khác, từ tháng 6 đến tháng 10 hằng năm là mùa mưa dẫn tới ngập úng khiến nhà thầu không thể thi công.

Xác định đây là “đường găng” tiến độ của dự án, chúng tôi đã đề nghị các quận, huyện (Hà Đông, Thanh Oai) hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trước ngày 30-4-2024 để nhà thầu xử lý nền đất yếu. Nếu không bàn giao mặt bằng vào thời điểm trên thì tuyến đường song hành sẽ khó hoàn thành trước 31-12-2025.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực tháo gỡ khó khăn dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.