(HNM) - Hiện nay, gia cầm nhập lậu từ các tỉnh biên giới về tiêu thụ tại thị trường Hà Nội đang trở nên hết sức nóng bỏng, gây hoang mang cho người tiêu dùng.
Mặc dù, các ngành chức năng đã tăng cường kiểm soát, nhưng bằng mọi thủ đoạn tinh vi, gia cầm lậu vẫn len lỏi khắp các chợ trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt là chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ. Để ngăn chặn tận gốc vấn đề này, Hà Nội đang chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với các địa phương ra quân ráo riết ngăn chặn gia cầm lậu tiêu thụ trên địa bàn.
Gà thương phẩm tại chợ gia cầm Hà Vỹ (Thường Tín). |
Theo Chi cục Thú y Hà Nội, hiện nay tại khu vực chợ Hà Vỹ (huyện Thường Tín) và chợ gia cầm giống thuộc huyện Phú Xuyên vẫn xuất hiện gia cầm thải loại, gia cầm giống nhập lậu. Từ nay đến cuối năm là thời điểm nhu cầu sử dụng gia cầm tăng lên, nếu tại các tỉnh biên giới phía Bắc không kiểm soát chặt chẽ, gà thải loại sẽ tiếp tục tràn về Hà Nội và khó kiểm soát. Trước tình trạng nhập gia cầm không rõ nguồn gốc, Chi cục Thú y đã báo cáo Sở NN&PTNT đề xuất UBND thành phố Hà Nội ban hành văn bản yêu cầu UBND các quận, huyện tăng cường chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, các ngành công an, quản lý thị trường kiểm tra, kiên quyết xử lý vi phạm. Trên địa bàn hai huyện Thường Tín và huyện Phú Xuyên đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra xử lý vi phạm. Tuy nhiên, trong thực tế, gia cầm nhập lậu vẫn diễn biến khá phức tạp ở Hà Nội. Từ đầu năm đến nay, các đoàn kiểm tra liên ngành của Hà Nội đã xử lý và tiêu hủy trên 60 tấn gia cầm nhập lậu. Trong đó, riêng chợ gia cầm Hà Vỹ đã tiêu hủy khoảng 28 tấn. Ông Vũ Văn Dũng - Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Thường Tín cho biết, trong tuần đầu tháng 10, Đoàn kiểm tra liên ngành Thường Tín đã bắt giữ xe ô tô biển kiểm soát 34L-4504 chở 3.700kg gia cầm thải loại từ Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) về chợ Hà Vỹ tiêu thụ. Cùng trong tháng 10, tại Phú Xuyên, Đoàn kiểm tra liên ngành cũng đã xử lý tiêu hủy trên 1.000 con gia cầm một ngày tuổi không rõ nguồn gốc nhập về tiêu thụ. Việc gia cầm nhập lậu về nội địa không những ảnh hưởng tới người chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay Hà Nội đã phải chi phí tới hơn 1 tỷ đồng cho việc tiêu hủy gà nhập lậu.
Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội Cấn Xuân Bình khẳng định, hiện việc kiểm tra và xử lý gia cầm không rõ nguồn gốc tại Hà Nội mới chỉ giải quyết được phần ngọn, không xử lý được dứt điểm. Tình trạng nhập lậu gia cầm từ Trung Quốc vào thị trường nội địa chỉ được xử lý tận gốc khi các tỉnh biên giới quyết liệt vào cuộc. Thực tế việc bắt giữ, xử lý tiêu hủy gia cầm nhập lậu chỉ giải quyết được vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Còn vấn đề kiểm soát dịch bệnh, các chủng vi rút cúm gia cầm từ Trung Quốc vào Việt Nam khó có thể giải quyết triệt để bởi nếu có dịch bệnh, các chủng vi rút mới theo chất thải của gia cầm sẽ gieo rắc ra nhiều địa phương trên đường vận chuyển. Do đó, nếu không kiểm soát chặt chẽ tại các cửa khẩu, thì vấn đề phòng bệnh tại các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng là khó khăn, nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm rất cao. Ông Cấn Xuân Bình đề nghị, các cơ quan liên ngành Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương và Bộ Công an cần phối hợp vào cuộc thường xuyên. Hà Nội cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các tỉnh tăng cường công tác kiểm tra việc nhập gia cầm về Hà Nội.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, qua việc giám sát tại khu vực chợ gia cầm Hà Vỹ hiện Cục đã nắm bắt được hàng loạt các biển số xe chở gà thải loại và gia cầm giống nhập lậu về đây. Cục Chăn nuôi đã cung cấp các biển số xe này cho lực lượng Cảnh sát Kinh tế (Bộ Công an) để vào cuộc điều tra. Đồng thời, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cũng đã nắm bắt và xác định được hàng loạt các địa điểm và tuyến đường vận chuyển gia cầm lậu từ biên giới Trung Quốc về Hà Nội và các tỉnh Bắc Trung bộ trở ra để có hướng ngăn chặn kịp thời khi thương lái ồ ạt nhập về tiêu thụ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.