(HNM) - Hơn 2,2 triệu học sinh các cấp học trên địa bàn thành phố Hà Nội vừa bước vào chương trình học kỳ II năm học 2022-2023 với không ít khó khăn. Dù hoạt động của các trường học trở lại bình thường sau thời kỳ dịch Covid-19, song mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội còn nhiều thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn nữa của thầy, trò từng nhà trường cũng như của toàn ngành từ nay tới cuối năm học.
Bước vào năm học 2022-2023, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xác định đây tiếp tục là năm học có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Trở ngại lớn nhất với hầu hết giáo viên các cấp học là mức độ đáp ứng bài học của học sinh không đồng đều, không ít em bị hổng kiến thức hoặc nền nếp học tập chưa đáp ứng yêu cầu. Nguyên nhân là ảnh hưởng của dịch Covid-19, học sinh phải chuyển trạng thái sang học tập trực tuyến trong thời gian khá dài, kéo theo những tác động tiêu cực về sức khỏe cũng như ý thức học tập.
Theo chia sẻ của nhiều giáo viên, dù cả thầy cô và trò, thậm chí cả phụ huynh học sinh đều rất cố gắng, song việc kiểm soát mức độ đáp ứng của từng học sinh trong mỗi giờ học trực tuyến rất khó khăn. “Một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cũng là giải pháp được nhà trường kiên trì triển khai từ đầu năm học đến nay là vừa dạy bài mới, vừa rà soát, bổ sung nội dung bài cũ hoặc những kiến thức cũ từ năm học trước cho từng học sinh. Việc này đòi hỏi nhiều thời gian và sự kiên trì của cả giáo viên và học sinh, song với sự nỗ lực, kết quả kiểm tra học kỳ I vừa qua cho thấy hầu hết các em đã bắt nhịp tốt với chương trình, kể cả với học sinh lớp 3 đang theo học chương trình, sách giáo khoa mới ở năm đầu tiên.
Với kết quả này, nhà trường tự tin hoàn thành tốt mục tiêu năm học” - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) Nguyễn Phương Hoa nhận định.
Ở cấp trung học phổ thông, mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện được các nhà trường quyết tâm bằng nhiều giải pháp để cải thiện tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023. Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Bất Bạt (huyện Ba Vì) Phan Lạc Dương cho biết, là trường nằm ở địa bàn miền núi, điểm chuẩn tuyển sinh luôn ở tốp cuối của thành phố, nhà trường xác định việc bảo đảm chất lượng giáo dục đại trà là nền tảng. Từ tỷ lệ 80% học sinh tốt nghiệp trong vài năm trước, năm 2022, nhà trường có tỷ lệ tốt nghiệp trên 99%, vượt chỉ tiêu hơn 2%. Để duy trì, phát huy kết quả này, nhà trường có kế hoạch dạy học, ôn luyện cho từng nhóm đối tượng học sinh từ đầu năm học; 100% số giáo viên được quán triệt tinh thần không bỏ rơi một học sinh nào; phong trào đồng hành cùng học sinh thi tốt nghiệp tiếp tục được duy trì...
Với chất lượng “đầu vào” thấp, nhiều học viên lớn tuổi, có học viên vừa đi học, vừa đi làm, ngành học giáo dục thường xuyên của thành phố Hà Nội đang tiếp tục đứng trước nhiều khó khăn khi thời gian năm học 2022-2023 ngày càng ngắn lại. Hà Nội hiện có 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên với tổng số gần 48.000 học viên, bao gồm cả học viên học chương trình trung học cơ sở và trung học phổ thông. Ngoài việc nâng chất lượng giáo dục chung, các trung tâm đều nỗ lực đặt mục tiêu bảo đảm tỷ lệ tốt nghiệp cao và thực chất ở cả khối lớp 9 và lớp 12. Giải pháp căn bản được các đơn vị triển khai đối với hai khối lớp là theo dõi chặt sĩ số học viên hằng ngày; huy động nguồn lực, ưu tiên cao nhất về mọi mặt để kèm cặp, bồi dưỡng học viên không theo kịp chương trình, người có học lực yếu, kém để bảo đảm 100% học viên đủ điều kiện tham dự và đỗ tốt nghiệp.
Nhìn lại những điểm sáng của giáo dục Hà Nội trong năm 2022, ngành học giáo dục thường xuyên có nhiều dấu ấn như có 3 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đạt tỷ lệ tốt nghiệp 100% (năm 2021 không có đơn vị nào); có một học viên lớn tuổi nhất cả nước (sinh năm 1940) dự và đỗ tốt nghiệp.
Sự bứt phá khá rõ nét ở một ngành học có nhiều khó khăn này không chỉ khẳng định sự cố gắng kiên trì của riêng ngành học, mà còn là niềm tin để mỗi thành viên của ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tiếp tục nỗ lực nhằm đạt mục tiêu nâng chất lượng giáo dục toàn diện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.