(HNM) - Năm 2020, lượng việc và tiền phải thi hành án xếp thứ hai cả nước, song hệ thống thi hành án dân sự thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh giao ban trực tuyến, tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc... Nhờ vậy, thành phố đã duy trì được nhịp độ thi hành án.
Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội Vũ Hồng Dương cho biết, năm 2020, mặc dù phải hoàn thành công việc trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song hệ thống thi hành án dân sự thành phố đã chủ động ứng phó, đẩy mạnh giao ban trực tuyến, tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nên kết quả thi hành án duy trì được nhịp độ, đạt 80,64% về việc, 38,54% về tiền. Trong đó, 21 chi cục thuộc Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội đã hoàn thành cả hai chỉ tiêu về việc và về tiền.
Thông tin thêm về kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm ngay từ giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội Trần Quốc Thái cho biết, năm 2020, hệ thống thi hành án dân sự thành phố đã giải quyết xong 136 việc/1.218 tỷ đồng. Một số vụ “đại án” liên quan đến Dương Chí Dũng, Hà Văn Thắm, Đinh La Thăng, Phan Văn Anh Vũ… đang được các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn thành phố tích cực phối hợp với các cơ quan nội chính triển khai.
Tuy nhiên, theo ông Trần Quốc Thái, quá trình xác minh điều kiện thi hành án gặp khó khăn. Có vụ người phải thi hành án không có tài sản hoặc có nhưng giá trị rất nhỏ so với khoản phải thi hành. Ví dụ như trường hợp Dương Chí Dũng, Bùi Thị Bích Loan, Mai Văn Phúc… trong vụ án Vinalines đa số không còn tài sản. Ngoài ra, công tác thi hành án dân sự còn vấp phải những “bức chắn” do một số quyết định, bản án của tòa án tuyên không rõ, có sai sót nhưng chậm giải thích, nên không thể tổ chức thi hành ngay được.
Trong bối cảnh trên, cùng với triển khai giải pháp khắc phục khó khăn, Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội đã chú trọng đôn đốc tiến độ thi hành án của từng chấp hành viên, tăng cường xác minh, phân loại án, hướng dẫn một số chi cục có kết quả thấp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn. Dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, vì vậy việc sử dụng phần mềm hỗ trợ trực tuyến thi hành án, tiếp nhận đơn yêu cầu thi hành án, đơn khiếu nại, tố cáo và xác nhận kết quả thi hành án qua dịch vụ bưu chính viễn thông đang được đẩy mạnh, không chỉ tại địa bàn có dịch mà phải trên phạm vi toàn ngành, toàn quốc. Người dân và doanh nghiệp có thể truy cập vào địa chỉ http://htttthads.moj.gov.vn để gửi các yêu cầu hỗ trợ và tra cứu thông tin trực tuyến về thi hành án dân sự, qua đó hạn chế phải đi lại nhiều lần.
Ở chiều ngược lại, lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội kiểm soát thường xuyên việc tiếp nhận, xử lý thông tin và yêu cầu các chi cục phải thực hiện nghiêm việc đăng tải công khai thông tin về bán đấu giá tài sản trên Cổng thông tin điện tử quốc gia, tạo sự minh bạch, góp phần đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân và doanh nghiệp thúc đẩy hoàn thành tốt chỉ tiêu về án có điều kiện thi hành.
Trong khi chờ chỉ tiêu Bộ Tư pháp giao năm 2021, Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị trực thuộc ra quyết định thi hành án đúng quy định của pháp luật đối với 100% bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực pháp luật. Phấn đấu nâng cao chất lượng, tỷ lệ thi hành án dân sự xong trên 81% về việc và trên 40% về tiền trên tổng số có điều kiện thi hành. Thực hiện việc theo dõi thi hành án đối với 100% bản án, quyết định đã có quyết định buộc thi hành án hành chính của tòa án…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.