(HNM) - Ngày 10-10-2003, nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, UBND TP Hà Nội đã khai trương Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội (Hanoi Portal) địa chỉ www.hanoi.gov.vn.
Trải qua 10 năm hoạt động (2003-2013), đội ngũ cán bộ, nhân viên không ngừng nỗ lực để Hanoi Portal trở thành địa chỉ tin cậy của cơ quan nhà nước (CQNN), người dân và DN…
Trở lại với thời điểm năm 2003, sau khi khai trương hoạt động, Hanoi Portal có thời gian thử nghiệm 1 năm. Dưới sự quản lý của Ban quản lý dự án công nghệ thông tin TP, cổng đã có những phân mục chính giới thiệu về điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa, kinh tế; hệ thống chính trị; quy hoạch và phát triển; các đơn vị hành chính. Tháng 10-2004, cổng chính thức hoạt động. Bên cạnh việc cung cấp thông tin về hoạt động của CQNN TP, hệ thống các văn bản pháp quy của các lĩnh vực, cổng bắt đầu cung cấp các thủ tục hành chính (TTHC), dịch vụ công trực tuyến... Nhưng, phải đến năm 2009, sau khi UBND TP quyết định kiện toàn lại bộ máy hoạt động, đồng thời giao Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Hà Nội trực tiếp quản lý, hoạt động của Hanoi Portal thực sự có diện mạo mới. Đến nay, Hanoi Portal đã đăng hơn 54.000 tin, bài cập nhật thông tin về hoạt động của các CQNN, DN… trên địa bàn; riêng hai năm trở lại đây trung bình mỗi năm đăng tải hơn 10.000 tin, bài, ảnh.
Cổng đã tiên phong trong việc phản ánh các thông tin, sự kiện lớn của Hà Nội hoặc diễn ra trên địa bàn như: Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (năm 2010), Đại hội Đảng toàn quốc, Đại hội Đảng của TP và các cấp, bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp (năm 2011)… Cổng đã tập trung tuyên truyền việc thực hiện Nghị quyết TƯ 4 khóa XI về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay; các hoạt động kỷ niệm 40 năm chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không; tuyên truyền tích cực về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; 9 chương trình công tác lớn của Thành ủy; các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông; chương trình xây dựng nông thôn mới; xây dựng nền hành chính điện tử; cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; tuyên truyền "Năm kỷ cương hành chính - 2013"... Hiện nay, trung bình mỗi ngày cổng đăng khoảng 20-25 tin, bài về các hoạt động chỉ đạo, điều hành của TP, sở, ngành, quận, huyện; hơn 100 tin thông báo của DN. Từ năm 2011, cổng xây dựng được 250 video clip giải đáp pháp luật về các lĩnh vực. Năm 2012, cổng đã tập trung xây dựng trang tin tiếng Anh, đang trình TP cho phép biên dịch sang tiếng Trung.
Trong 10 năm qua, với mong muốn giúp người dân nắm bắt kịp thời các thông tin cần thiết liên quan đến cuộc sống hằng ngày, Hanoi Portal thường xuyên cập nhật, bổ sung các TTHC. Đến nay, cổng đã đăng tải hơn 2.300 TTHC của các sở, ban, ngành; quận, huyện; phường, xã, thị trấn và hơn 600 TTHC của các ngành công an, hải quan, thuế, ngân hàng, đăng tải 2.100 văn bản quy phạm pháp luật, 3.000 văn bản chỉ đạo điều hành của TP. Ngoài ra, cổng cũng đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên kết cung cấp hơn 60 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Không chỉ cung cấp thông tin cho người dân, Hanoi Portal còn là nơi tiếp nhận phản ánh từ gần 800 cuộc điện thoại (qua tổng đài 04.35123123) của người dân, hướng dẫn đến đầu mối giải quyết các vấn đề về chuyển nhượng nhà ở, đăng ký hộ khẩu, mua nhà có thu nhập thấp, kê khai thuế, đăng ký xe máy, đăng ký kinh doanh, khai sinh, đăng ký kết hôn, khiếu nại về hành chính; tiếp nhận, trả lời 1.100 câu hỏi của công dân qua chuyên mục hỏi đáp trực tuyến và qua hộp thư congdan@hanoi.gov.vn; đăng tải hơn 1.000 câu hỏi - trả lời qua chuyên mục Dân hỏi - UBND TP trả lời. Có thể nói, hanoi.gov.vn là đơn vị tiên phong, góp phần quan trọng trong thực hiện cải cách hành chính, tiến tới xây dựng nền hành chính điện tử. Đó cũng là lý do mà năm 2012, ở tiêu chí cung cấp dịch vụ công trực tuyến qua website trong Báo cáo xếp hạng về mức độ ứng dụng CNTT của các bộ, ngành, địa phương do Bộ TT-TT thực hiện, Hanoi Portal đã đứng vị trí thứ 2, xếp thứ 5 trong cả nước về cung cấp thông tin…
Mặc dù cổng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận (lượng bạn đọc truy cập ngày càng tăng: 80 vạn lượt người truy cập/ngày; trở lại bảng thứ hạng cao theo đánh giá của Bộ TT-TT), nhưng số người thực hiện các giao dịch trực tiếp qua mạng lại chưa được như mong muốn. Có nhiều nguyên nhân khiến các giao dịch qua mạng này chưa phát triển, một phần là do người dân chưa được truyền thông để hiểu về sự tiện lợi khi thực hiện. Vì thế, thời gian tới, các đơn vị liên quan cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu vấn đề này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.