Nông thôn mới

Nỗ lực đạt chuẩn huyện nông thôn mới

Nguyễn Mai 04/08/2023 - 06:15

Sau rất nhiều nỗ lực, cố gắng, quyết tâm, đến nay, thành phố Hà Nội đã hoàn thiện hồ sơ trình Bộ NN&PTNT và Hội đồng thẩm định nông thôn mới trung ương xem xét trình Thủ tướng Chính phủ công nhận 3 huyện: Ứng Hòa, Mỹ Đức, Ba Vì đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới. Với kết quả này, Hà Nội sẽ có 100% huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2023.

nong-thon-moi.jpg
Huyện Ba Vì đã hoàn thành các tiêu chí của huyện nông thôn mới. Ảnh: Ngọc Tú

Đã hoàn thiện hồ sơ

Theo Bí thư Huyện ủy Ba Vì Dương Cao Thanh, thời gian qua, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025" rất quan tâm, dành nhiều ưu tiên hỗ trợ cho các huyện khó khăn xây dựng nông thôn mới, trong đó có huyện Ba Vì. Đặc biệt, thành phố đã phân bổ nguồn vốn rất lớn cho huyện Ba Vì để hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Không những vậy, từ đầu năm 2023 đến nay, các quận: Tây Hồ, Cầu Giấy đã tích cực hỗ trợ để Ba Vì sớm hoàn thiện các tiêu chí về công trình hạ tầng. Sở NN&PTNT cũng đã tổ chức cho Đoàn cán bộ huyện Ba Vì tham quan, học tập mô hình xử lý môi trường trong chăn nuôi ở tỉnh Hòa Bình. Sở Công Thương tổ chức nhiều hội chợ, xúc tiến thương mại cho sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn thành phố, trong đó có huyện Ba Vì... Nhờ đó, huyện đã hoàn thành các tiêu chí của huyện nông thôn mới.

Đối với huyện Mỹ Đức, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đỗ Trung Hai cho biết, đến nay, huyện đã hoàn thiện xong hồ sơ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2023, Mỹ Đức phấn đấu có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (tăng 2 xã so với kế hoạch thành phố giao) và 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (tăng 1 xã so với kế hoạch thành phố giao). Huyện cũng đã cân đối, bố trí hơn 290 tỷ đồng để các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu hoàn thành theo kế hoạch.

Tương tự, theo Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa Bùi Thị Thu Hiền, Ứng Hòa là địa phương có diện tích trồng lúa lớn thứ 3 của thành phố, với hơn 8.300ha, trong đó có 53% diện tích lúa gieo trồng giống J02. Ứng Hòa cũng là huyện đứng thứ 3 thành phố Hà Nội về chăn nuôi, với hơn 100.000 con lợn và hơn 2 triệu gia cầm. Huyện cũng có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất thành phố, với hơn 4.000ha… Sản xuất phát triển, thu nhập của người dân được cải thiện rõ nét.

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, 3 huyện: Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa đã được Đoàn công tác của trung ương tiến hành kiểm tra thực tế và hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ. Trên cơ sở góp ý của Đoàn công tác, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố đã gửi hồ sơ và trình Hội đồng thẩm định nông thôn mới trung ương xem xét công nhận 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Tạo điều kiện để bứt phá

Tuy đã đạt những kết quả nhất định, nhưng 3 huyện: Ứng Hòa, Mỹ Đức và Ba Vì vẫn còn một số khó khăn nhất định. Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mỹ Đức Đỗ Trung Hai, hiện Mỹ Đức vẫn còn Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện chưa đạt chuẩn. “Nhà thi đấu, nhà văn hóa, đài truyền thanh của huyện nhỏ hẹp, lại ở 3 nơi khác nhau, được xây dựng từ lâu, nay đã xuống cấp. Huyện đã bố trí quỹ đất xây dựng 4,45ha, kinh phí dự kiến 393 tỷ đồng. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí lớn, ngân sách huyện rất khó khăn, nên đã đề xuất thành phố hỗ trợ kinh phí đầu tư”, ông Đỗ Trung Hai nói.

Còn theo Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa Bùi Thị Thu Hiền, huyện đang triển khai khoảng 120 dự án hạ tầng khung; trong đó có 12 dự án về giao thông. Riêng tuyến đường 21B qua địa bàn có 4 gói mở rộng, huyện đề nghị thành phố quan tâm, sớm bố trí vốn để huyện thực hiện. Song song với đó, huyện Ứng Hòa đề nghị thành phố đôn đốc chủ đầu tư triển khai đường trục phía Nam (Cienco5) qua địa bàn huyện, tạo điều kiện cho người dân đi lại, phát triển kinh tế - xã hội. Đối với sản xuất nông nghiệp, khó khăn nhất vẫn là tìm đầu ra cho nông sản, Ứng Hòa kiến nghị thành phố có cơ chế đặc thù về giao đất cho các dự án bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch; hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng..., giúp nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho nông dân…

Về khó khăn của các địa phương, phát biểu kết luận tại Hội nghị giao ban quý II-2023, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU Nguyễn Thị Tuyến đề nghị thành phố và các địa phương tập trung chỉ đạo, ưu tiên dành nguồn lực đầu tư để bảo đảm hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết thêm, thành phố đang đặt hàng các nhà khoa học nghiên cứu giống lúa đặc trưng của Thủ đô. Hiện tại, thành phố đang lựa chọn vùng sản xuất thương hiệu gạo này, dự kiến sẽ đặt tại huyện Ứng Hòa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực đạt chuẩn huyện nông thôn mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.