Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗ lực cho sự phát triển của Thủ đô

Nhóm phóng viên| 31/10/2015 06:45

(HNM) - Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2010-2020 nêu rõ: Phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt để phát triển giáo dục.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại:
Phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục

Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2010-2020 nêu rõ: Phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt để phát triển giáo dục. Điều này khẳng định đây là lực lượng đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển giáo dục. Nhận thức được điều đó, những năm gần đây, Hà Nội luôn quan tâm đến công tác phát triển đội ngũ này, nhằm thực hiện tốt chiến lược phát triển giáo dục của đất nước. Trong tiến trình đưa Thủ đô trở thành trung tâm hàng đầu về giáo dục, thực hiện tốt Nghị quyết 29-NQ/TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, giáo dục Hà Nội có nhiều thuận lợi cơ bản, song cũng đang đứng trước một số thách thức, trong đó có tình trạng một bộ phận đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục.

Nhằm giải quyết tình trạng "xôi đỗ" về chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ở các trường học khu vực thành thị và nông thôn, trong những năm gần đây, UBND thành phố đã ban hành nhiều đề án, kế hoạch có quy mô lớn và toàn diện như: Đề án 106/ĐA-UBND với giáo dục mầm non; Kế hoạch 111/KH-UB về nâng cao chất lượng nhà giáo và cán bộ quản lý ngành giai đoạn 2011-2016; Kế hoạch 90/KH-UBND về nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ; Kế hoạch 83/KH-UBND về đẩy mạnh ứng dụng CNTT... Nguồn kinh phí thành phố cấp cho công tác bồi dưỡng hằng năm ngày càng tăng (năm 2013: 10 tỷ đồng, năm 2015: 13 tỷ đồng), tăng chỉ tiêu cấp kinh phí đi học sau đại học bằng nguồn ngân sách...

Một trong những giải pháp mà Hà Nội kiên trì triển khai là nghiên cứu về cơ cấu đội ngũ giáo viên từng môn. Trên cơ sở định mức biên chế của Bộ GD-ĐT để thực hiện việc giao biên chế đối với từng môn học, nhằm khắc phục tình trạng không đồng bộ về cơ cấu giữa các bộ môn trong cùng một trường. Việc làm này cũng góp phần hạn chế tình trạng vừa thừa, vừa thiếu giáo viên tại các nhà trường. Để nâng cao chất lượng nhà giáo, Hà Nội cũng đã đổi mới hình thức tuyển dụng bằng cách xét tuyển, theo đó ngoài việc xét kết quả học tập của thí sinh trong quá trình đào tạo, thí sinh còn phải làm bài kiểm tra năng lực, kỹ năng thực hành sư phạm.

Những năm qua, ngành Y tế Thủ đô luôn chú trọng đầu tư trang thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Ảnh: Tuấn Vũ


Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Lưu Thị Liên:
Vì sự hài lòng của người bệnh

Nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân Thủ đô và thực hiện quy hoạch phát triển ngành Y tế, Sở Y tế Hà Nội đã xây dựng kế hoạch phát triển dịch vụ kỹ thuật cao tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của thành phố, tập trung vào một số lĩnh vực như: Ghép tạng, tim mạch, sản khoa, nhi khoa, ngoại khoa, mắt, răng hàm mặt, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, ung bướu. Thời gian qua, các cơ sở khám, chữa bệnh thuộc tuyến thành phố gồm 23 chuyên khoa đầu ngành đã triển khai nhiều kỹ thuật cao, dịch vụ chất lượng cao ngang tầm với các bệnh viện (BV) trung ương và các BV trong khu vực Đông Nam Á. Một số BV đã chủ động ứng dụng, phát triển các kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân. Ngoài kỹ thuật ngoại khoa, kỹ thuật ghép thận được áp dụng thành công ở BV Đa khoa Xanh Pôn, các kỹ thuật phức tạp về tim mạch can thiệp cũng được triển khai thành công tại BV Tim Hà Nội; kỹ thuật xét nghiệm đột biến gen trong ung thư phổi, nút mạch hóa dầu trong điều trị ung thư gan nguyên phát tại BV Ung bướu; phẫu thuật sàn chậu, kỹ thuật sàng lọc trước, sau sinh tại BV Phụ sản Hà Nội; kỹ thuật siêu âm qua thóp, siêu âm cơ quan vận động, kỹ thuật sinh thiết dưới hướng dẫn của siêu âm với các khối u vú, u gan, các tạng trong ổ bụng, sinh thiết dưới hướng dẫn của cắt lớp vi tính, siêu âm ống tiêu hóa...

Tuy nhiên, tâm lý của người bệnh vẫn có xu hướng đổ dồn về các cơ sở tuyến trên. Để khắc phục tình trạng này, Hà Nội đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: Tiếp tục nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất một số BV; tăng cường chất lượng chuyên môn tại các tuyến, nhất là nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tuyến dưới. Được sự hỗ trợ của các BV tuyến thành phố, các BV tuyến huyện đã thực hiện thành công các ca phẫu thuật nội soi về u xơ tiền liệt tuyến, chửa ngoài dạ con, cắt túi mật, ruột thừa… và nhiều phẫu thuật nội soi khác, góp phần giảm tải cho các BV tuyến trên. Để đánh giá chất lượng các BV, thời gian qua, Sở Y tế Hà Nội cũng đã tiến hành kiểm tra các đơn vị trên địa bàn. Qua kiểm tra, các BV từ tuyến thành phố đến tuyến huyện đều đã thực hiện tốt công tác chuyên môn, chăm sóc tận tình, tư vấn chu đáo cho người bệnh. Đặc biệt, các khoa khám bệnh đã có nhiều cố gắng, giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh.

Những thành quả mà ngành Y tế Thủ đô đã đạt được trong thời gian qua đã đem lại những cơ hội cho người bệnh, được nhân dân ghi nhận và tin tưởng.

Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist, Tổng công ty Du lịch Hà Nội Lưu Đức Kế:
Sản phẩm du lịch hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu của khách

Trong những năm qua, du lịch Hà Nội đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ với mức tăng bình quân hơn 10%; riêng năm 2014, Hà Nội đón 15,4 triệu lượt khách nội địa và 3 triệu khách quốc tế, gấp 2 lần so với năm 2010. Tuy nhiên, so với lợi thế vốn có, du lịch của Hà Nội vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng. Để ngành du lịch Thủ đô có những bước phát triển mạnh, ổn định, trước hết, thành phố nên mời các chuyên gia du lịch uy tín trong và ngoài nước tư vấn, xác định lại những thị trường trọng điểm của du lịch Hà Nội, từ đó nghiên cứu, xây dựng và đưa ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu của khách. Thành phố cũng cần có những chính sách khuyến khích, ưu đãi, kêu gọi đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như: Hệ thống giao thông, khách sạn, nhà hàng, phương tiện vận chuyển... Và một điều quan trọng là ngành Du lịch cần phối hợp với các cơ quan công an, môi trường để tạo môi trường an ninh, giao thông an toàn, vệ sinh sạch sẽ và cảnh quan hấp dẫn tại các khu, tuyến điểm du lịch, bởi hiện nay, trong mắt du khách, đặc biệt là khách quốc tế, giao thông và vệ sinh môi trường của thành phố chưa tốt so với các nước trong khu vực. Hà Nội cũng cần có trang web chuyên đề về du lịch Hà Nội; các điểm đến liên kết trong vùng, cung cấp chính xác, đầy đủ và cập nhật thường xuyên những thông tin chương trình tour, khách sạn, nhà hàng, phương tiện vận chuyển, điểm tham quan; số điện thoại tư vấn, hỗ trợ... Trong thời gian xa hơn, có thể tính đến việc quảng bá du lịch Hà Nội trên các kênh truyền hình chuyên về du lịch quốc tế.

Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư công nghệ Nano STV Nguyễn Bình Phương:
Các nhà khoa học phải đồng hành cùng doanh nghiệp

Từ góc nhìn của một doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN), trong thời gian qua, tôi nhận thấy ngành KH&CN đã có một số cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ trong nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng KH&CN, nên xuất hiện ngày càng nhiều đề tài, dự án mang ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn. Giới KH&CN đều ghi nhận tầm nhìn của thành phố khi đặt mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và có vị trí cao về một số lĩnh vực trong khu vực, đẩy mạnh phát triển thị trường KH&CN. Chúng tôi mong rằng các chính sách phát triển KH&CN sẽ tiếp tục được hoàn thiện, nhất là với hoạt động kết nối doanh nghiệp với các nhà khoa học.

Để những kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học được chuyển giao tới doanh nghiệp và đi vào cuộc sống, các doanh nghiệp phải thực sự có tinh thần đổi mới công nghệ, phải mạnh dạn bộc lộ thế mạnh công nghệ của mình. Điều quan trọng nhất là các doanh nghiệp cần chuẩn bị tốt nhất những gì mình có, đồng thời phải luôn rà soát và nhận diện những vấn đề yếu kém cần giải quyết. Bên cạnh đó, các nhà khoa học phải thực sự đồng hành cùng doanh nghiệp. Cụ thể, cần phải tìm hiểu rõ doanh nghiệp và công nghệ của họ, để thấu hiểu nhu cầu và những mục tiêu của doanh nghiệp. Ngoài ra, các nhà khoa học phải có tính định hướng, nắm bắt sự phát triển của KH&CN mới trên thế giới để tư vấn cho doanh nghiệp các hướng đầu tư tiềm năng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực cho sự phát triển của Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.