Ngày 9-1, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2023; triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Toàn quốc xảy ra 22.067 vụ tai nạn giao thông
Năm 2023, lực lượng cảnh sát giao thông đã kiểm tra, xử lý gần 3,5 triệu trường hợp vi phạm, phạt tiền trên 6.500 tỷ đồng, tước hơn 664 nghìn giấy phép lái xe… Đáng chú ý, vẫn còn tình trạng người lái xe có sử dụng ma túy, vi phạm quy định về nồng độ cồn gây tai nạn.
Năm 2023, toàn quốc xảy ra 22.067 vụ tai nạn giao thông, làm chết 11.628 người, bị thương 15.292 người. So với năm 2022, giảm 5,5% về số vụ tai nạn, giảm 14,18% về số người chết và tăng 4,51% về số người bị thương.
Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai 8 nội dung kiểm tra, thanh tra, gồm: Kiểm tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; kiểm tra việc chấp hành quy định về quản lý và cung cấp dịch vụ nhà ga hàng hóa, kho cảng; kiểm tra công tác quản lý, điều phối giờ cất, hạ cánh máy bay; kiểm tra công tác bảo trì kết cấu hạ tầng, tài sản đường sắt; quản lý cấp giấy chứng nhận đăng ký phương tiện vận tải đường sắt; quản lý hoạt động vận tải bằng ô tô trên toàn quốc; đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái tàu. Các cục quản lý chuyên ngành và Sở Giao thông Vận tải địa phương đã thực hiện trên 60 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra.
Năm 2024, có 2 mục tiêu lớn, bao trùm để phấn đấu thực hiện. Một là, tiếp tục kiềm chế và kéo giảm tai nạn giao thông, cả về số vụ, số người chết và người bị thương. Hai là, khắc phục tình trạng ùn ứ trên các trục giao thông chính, đầu mối giao thông trọng điểm tại các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.
Ủy ban ATGT quốc gia đưa ra 8 nhóm nhiệm vụ gồm: Nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện Chỉ thị số 23 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới. Xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật và các quy định liên quan đến TTATGT. Bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông gắn với rà soát, xử lý dứt điểm các "điểm đen" tiềm ẩn tai nạn. Nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông vận tải, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn cho các phương tiện. Tái cơ cấu vận tải, nâng cao thị phần của vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không và giảm dần phụ thuộc vào đường bộ. Kiên trì xây dựng văn hóa giao thông, công tác tuyên truyền, nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật về bảo đảm ATGT. Nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn..
Tiến tới xây dựng văn minh giao thông
Phát biểu chỉ đạo, ghi nhận những kết quả tích cực trong phòng, chống tai nạn giao thông năm qua, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang lưu ý, cần phát huy, tạo chuyển biến tích cực hơn trong năm 2024. Trên thực tế, cần kịp thời nắm thông tin, phân tích tình hình và kết quả bảo đảm ATGT tại các địa phương để tìm cách khắc phục các hạn chế.
Đánh giá tình hình tai nạn giao thông vẫn phức tạp, đặc biệt là tình trạng vi phạm của thanh niên, sinh viên, học sinh, Phó Thủ tướng yêu cầu có biện pháp giáo dục phù hợp để vừa kéo giảm tai nạn. vừa góp phần hình thành nhân cách, lối sống biết tôn trọng pháp luật trong giới trẻ.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo, thời gian tới cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, quy định về ATGT bằng hình thức phù hợp, hấp dẫn. Ngoài ra, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm cần nghiêm khắc hơn. Bên cạnh việc gia tăng ứng dụng công nghệ thông tin, phương tiện hiện đại để nâng cao hiệu quả quản lý cũng như trong xử lý vi phạm, cơ quan chức năng, các địa phương cần tạo sự chuyển biến trên diện rộng, tiến tới xây dựng văn minh giao thông. Những hoạt động cụ thể cần thể hiện rõ, với nỗ lực cao nhất ngay trong việc phục vụ nhu cầu đi lại an toàn của xã hội dịp Tết Nguyên đán 2024.
Hà Nội: Tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí
Tham luận tại hội nghị, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, trên địa bàn thành phố trong năm 2023, tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí.
Trong năm 2023, Công an thành phố, Thanh tra Sở GTVT đã tiến hành lập biên bản xử phạt hơn 292.000 trường hợp vi phạm, phạt tiền 597 tỷ đồng; tạm giữ hơn 81 nghìn phương tiện…
Bên cạnh đó, thành phố đã điều chỉnh tổ chức giao thông các nút giao, tuyến đường; giải quyết các điểm ùn tắc giao thông, xử lý dứt điểm 7 "điểm đen". UBND thành phố cũng chỉ đạo Sở GTVT phối hợp với các đơn vị, cơ quan tiếp nhận và xử lý 483 kiến nghị liên quan đến công tác tổ chức giao thông như: Bất cập về biển báo giao thông, kẻ vạch sơn, chu kỳ đèn tín hiệu giao thông…
Hà Nội đã hoàn thành, đưa vào khai thác đường Vành đai 2 trên cao, đoạn dưới thấp Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở; cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2. Thời gian tới, Thủ đô tiếp tục đầu tư mạnh cho phát triển hạ tầng, nghiên cứu phát triển giao thông thông minh, đẩy mạnh tiến độ cải tạo, hoàn thiện đường, cầu, hầm chui, đường vành đai để tăng năng lực giao thông phục vụ nhu cầu đi lại…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.