Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗ lực ''cán đích'' các chỉ tiêu thi hành án

Lý Mai - Hà Phong| 03/05/2021 07:51

(HNM) - Những tháng đầu năm 2021, cơ quan thi hành án các tỉnh, thành phố trong cả nước đều nêu cao tinh thần trách nhiệm và nỗ lực trong công việc để “cán đích” các chỉ tiêu thi hành án.

Chi cục Thi hành án dân sự huyện Chương Mỹ (Hà Nội) tổ chức cưỡng chế thu hồi đất để thi hành án trên địa bàn huyện, tháng 7-2020.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thắng Lợi cho biết, những tháng đầu năm 2021, mặc dù lượng việc phải thi hành có giảm nhưng lượng tiền phải thi hành tăng so với cùng kỳ năm 2020 là 10,9%. Số liệu công bố trung tuần tháng 4-2021 cho thấy, kết quả tổ chức thi hành án tương đương so với cùng kỳ năm 2020, toàn ngành đã thực hiện 230.623 việc; về tiền, thi hành xong trên 23.517 tỷ đồng.

Về kết quả theo dõi thi hành án hành chính, tòa án nhân dân các cấp đã chuyển giao cho các cơ quan thi hành án dân sự 1.419 bản án hành chính. Trên cơ sở rà soát, toàn hệ thống đã có 35 văn bản kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với những vụ việc vi phạm nghĩa vụ thi hành án; thi hành xong 203 việc, tăng 65 việc so với cùng kỳ năm 2020.

Liên quan đến vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm là thu hồi tài sản những vụ án lớn cho Nhà nước, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) Nguyễn Văn Sơn cho hay, tổng hợp các vụ án đã có hiệu lực pháp luật liên quan đến ông Đinh La Thăng (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam), bị cáo phải bồi thường 600 tỷ đồng. Qua rà soát, ông Đinh La Thăng chỉ có một căn nhà là tài sản chung của hai vợ chồng. Tài sản này đã được chia đôi để ông Thăng khắc phục hậu quả. Như vậy, đến nay mới thi hành xong hơn 4,5 tỷ đồng. Liên quan đến các vụ án của Trịnh Xuân Thanh (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam), phải bồi thường 122 tỷ đồng, đối tượng này đã thực hiện được hơn 31 tỷ đồng.

“Số tiền phải thi hành án lớn nhưng khi xét xử và tổ chức thực hiện, tài sản xác minh được và kê biên bảo đảm thi hành án thường không nhiều. Trách nhiệm của cơ quan thi hành án là tiếp tục truy tìm tài sản để thu hồi cho Nhà nước”, ông Nguyễn Văn Sơn nói.

Là một trong những địa phương có số việc và tiền phải thi hành khá cao, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội Lê Xuân Hồng cho biết, sắp tới đơn vị sẽ tập trung rà soát các việc tồn đọng trong vòng 3 năm trở lại đây. Đồng thời, lập tổ công tác rà soát án tham nhũng kinh tế do một lãnh đạo Cục phụ trách.

Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh Lê Hữu Hòa cho biết, để tăng tốc thi hành án, Cục đang tập trung xử lý tài sản bảo đảm trong các vụ việc tín dụng, ngân hàng, khẩn trương bàn giao tài sản cho người mua trúng đấu giá. Theo ông Lê Hữu Hòa, thời gian qua, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh nổi lên khó khăn là phát sinh nhiều vấn đề mới như xử lý tài sản là cổ phần, cổ phiếu, tài sản hình thành trong tương lai. Về loại tài sản này, Luật Thi hành án dân sự chưa có cơ chế xử lý dẫn đến không thể kê biên.

Việc ủy thác thi hành án quy định cũng chưa rõ ràng dẫn đến nhiều địa phương cũng phản ánh thực hiện khó khăn, tiến độ thi hành án bị kéo dài.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi nhận định, những vấn đề đặt ra đòi hỏi toàn hệ thống thi hành án dân sự phải nhận thức sâu sắc yêu cầu, nhiệm vụ trong bối cảnh hiện nay để có giải pháp thích hợp, trong đó có việc hoàn thiện thể chế. Lãnh đạo Tổng cục, thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự và thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự các cấp phải phát huy hơn nữa tinh thần, trách nhiệm, vai trò gương mẫu của người đứng đầu đơn vị trong công tác quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thi hành án.

“Tổng cục Thi hành án dân sự phát huy vai trò là cơ quan quản lý, là “đầu tàu” của hệ thống, nâng cao chất lượng công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ. Cần tiến hành rà soát án tín dụng, ngân hàng, khắc phục tình trạng chậm bán đấu giá tài sản, tài sản bán nhiều lần không thành, bán thành nhưng không giao được, ảnh hưởng tới kết quả thi hành án. Các cục thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự phải làm gương cho các chi cục. Nếu để xảy ra tiêu cực, vi phạm trong công tác này, các cục trưởng, chi cục trưởng phải chịu trách nhiệm”, Thứ trưởng Mai Lương Khôi nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực ''cán đích'' các chỉ tiêu thi hành án

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.