Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nợ công: Quan trọng là chất lượng đầu tư của khoản vay

Theo VGP News| 22/10/2011 13:23

Xác định khái niệm nợ công, mức an toàn, nguy cơ đối với nợ công được bàn thảo nhiều trong thời gian qua. Theo nhiều ý kiến, bản chất của sự an toàn hay nguy hiểm của nợ công nằm ở chất lượng đầu tư của khoản vay này.


Tuần qua, 2 diễn đàn tầm cỡ đã được tổ chức về chủ đề này, qua đó cung cấp cái nhìn chân thực hơn về tình hình nợ công của Việt Nam.

Tọa đàm về “Quản lý nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia” do Bộ Tài chính, Ngân hàng Thế giới và Diễn đàn Liên Hợp Quốc về thương mại và phát triển tổ chức trong 2 ngày 17-18/10 với sự tham gia của đại diện các cơ quan chính phủ, các ngân hàng thương mại, tập đoàn lớn, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các chuyên gia về quản lý nợ của các tổ chức quốc tế, một số nước như Brazil, Thụy sĩ, Thái Lan và Indonesia.

Hội thảo “Triển vọng kinh tế thế giới và chính sách ứng phó của VN”, do Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia,Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đồng tổ chức ngày 18/10 lại có sự tham gia của các chuyên gia kinh tế – tài chính trong nước và quốc tế.

Nợ công của Việt Nam và xu thế nợ công toàn cầu

Nợ công là một khái niệm tương đối phức tạp, hiện vẫn còn một số cách hiểu.

Theo cách tiếp cận của Ngân hàng Thế giới, nợ công được hiểu là nghĩa vụ nợ của bốn nhóm chủ thể bao gồm: nợ của Chính phủ trung ương và các Bộ, ban, ngành trung ương; nợ của các cấp chính quyền địa phương; nợ của Ngân hàng Trung ương; và nợ của các tổ chức độc lập mà Chính phủ sở hữu trên 50% vốn, hoặc việc quyết lập ngân sách phải được sự phê duyệt của Chính phủ hoặc Chính phủ là người chịu trách nhiệm trả nợ trong trường hợp tổ chức đó vỡ nợ.

Quan niệm về nợ công như vậy cũng tương tự như của Hệ thống quản lý nợ và phân tích tài chính của Hội nghị của Liên Hợp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD).

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, nợ công được hiểu bao gồm ba nhóm là nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương.

Khái niệm về nợ công theo quy định của pháp luật Việt Nam được đánh giá là “hẹp” hơn so với thông lệ quốc tế.

Thống kê của Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) cho thấy, dù tiếp cận theo định nghĩa “hẹp” hay “rộng”, nợ công của các nước giàu đã tăng liên tục so với GDP trong nhiều năm qua. Đặc biệt, nợ công đã tăng mạnh sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2009. Đến cuối năm 2010, tỉ lệ nợ công/GDP tính bình quân cho nhóm này lên tới 100%, trong khi tỉ lệ này trước năm 2009 là 73%.

Trong khi đó, tỉ lệ nợ công/ GDP của các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi lại có xu hướng giảm. Cuối năm 2010, tỉ lệ bình quân là 39% và theo dự đoán của IMF, có thể giảm xuống 30% vào năm 2015-2016.

Nguyên nhân giải thích cho xu hướng này là do GDP của các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi liên tục tăng nhanh, do vậy mặc dù giá trị tuyệt đối của nợ công tăng, nhưng tỉ lệ nợ công/GDP sẽ giảm. Bên cạnh đó, cân đối ngân sách của nhóm các quốc gia này cũng được cải thiện theo hướng giảm thâm hụt, đầu tư tư nhân (trong nước và nước ngoài) đang dần thay thế cho đầu tư công.

Theo công bố mới nhất của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại - Bộ Tài chính, tỉ lệ nợ công/GDP của Việt Nam tính đến 31/12/2010 là 57,3%, trong đó 80% là nợ Chính phủ, 19% là nợ Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương chiếm 1%.

Các chỉ tiêu về nợ công đều trong ngưỡng an toàn

Theo số liệu của Bộ Tài chính, các chỉ số về nợ công của Việt Nam vẫn trong ngưỡng an toàn. Đây cũng là quan điểm chính thức của Bộ Tài chính về vấn đề này. Cụ thể:

Chỉ tiêu nợ tính đến 31/12/2010

Quy định của Thủ tướng

Nợ công so với GDP

57,3%

Chưa có

- Nợ Chính phủ so với GDP

45,7%

≤ 50%

- Nợ Chính phủ bảo lãnh so với GDP

11,3%

- Nợ Chính quyền địa phương so với GDP

0,3%

Nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP

42,2%

≤ 50%

Nghĩa vụ trả nợ CP so với thu NSNN (bao gồm cả nợ nước ngoài và nợ trong nước)

15%

≤ 30%

Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài trung dài hạn so với XK

3,4%

≤ 25%

(Nguồn:Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại - Bộ Tài chính)

Phần lớn các khoản vay nước ngoài của Chính phủ có kỳ hạn dài, lãi suất cố định và ưu đãi; cơ cấu đồng tiền vay đa dạng; hình thức huy động vốn ngày càng đa dạng và linh hoạt.

Trong những năm tới, giải pháp giảm nợ công được các chuyên gia kiến nghị là cắt giảm mạnh đầu tư công, đầu tư từ khu vực nhà nước, thay thế đầu tư từ nợ công bằng các nguồn vốn khác.

Các chuyên gia từ chương trình Fulbright và Ngân hàng Thế giới kiến nghị cần dựa trên các tiêu chí cụ thể về khả năng trả nợ của dự án, khả năng huy động từ các nguồn vốn khác ngoài đầu tư công để cắt giảm đầu tư công một cách hữu hiệu và chính xác.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tập trung hoàn thiện thể chế chính sách để thực hiện tốt hơn công tác quản lý nợ theo hướng tiếp cận các thông lệ quốc tế.

Theo các chuyên gia từ Thái Lan, Brazil- những nước có tỉ lệ nợ công được kiểm soát tương đối hiệu quả thì yếu tố quan trọng nhất chính là có một Chiến lược quản lý nợ công một cách dài hạn, cùng với đó là những biện pháp đảm bảo chiến lược này được thực thi một cách chặt chẽ.

Tại Việt Nam, Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài quốc gia giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến 2030 đã được xây dựng hoàn chỉnh, hiện đang chờ được Quốc hội phê chuẩn.

Một số rủi ro tiềm ẩn

Tại Tọa đàm và Hội thảo nêu trên, các chuyên gia trong nước, quốc tế đưa ra một số nguy cơ đối với tình trạng nợ công của Việt Nam.

Ông Nguyễn Xuân Thành- Giám đốc Chương trình Thạc sĩ Chính sách công (chương trình Fulbright), thành viên Chương trình Châu Á trường công lập Kennedy- Đại học Havard (Hoa Kỳ) cho rằng tỉ lệ nợ công/GDP hoàn toàn có thể tăng lên trên 70% do mục tiêu tăng trưởng GDP được điều chỉnh thấp hơn trong những năm tới.

Chuyên gia này cũng cho rằng trong trường hợp tăng trưởng được phục hồi, kinh tế vĩ mô được giữ ổn định, tỉ lệ này hoàn toàn có thể giảm xuống và được kiểm soát trong ngưỡng an toàn.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, nợ tư của các doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp nhà nước) nếu không được kiểm soát tốt gây nhiều rủi ro cho nền kinh tế. Nếu các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước gặp khó khăn trong việc trả nợ, thì có trường hợp, Chính phủ sẽ phải đứng ra bảo lãnh nợ.

Bên cạnh đó, việc đầu tư công, đặc biệt các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, có hiệu quả hay không cũng ảnh hưởng đến nợ công.

Các yếu tố lãi suất, tỉ giá, thanh khoản được cho là rủi ro tiềm ẩn đến sự an toàn của nợ công.

Nhìn một cách lạc quan thì còn vay được có nghĩa là vẫn được tín nhiệm. Cũng phải khẳng định là một quốc gia, một doanh nghiệp hay một cá nhân khi đầu tư thì vay nợ là chuyện đương nhiên. Tuy nhiên, vay bao nhiêu, vay nhiều hay ít phải tương ứng với trình độ, năng lực quản lý của mỗi quốc gia. Bên cạnh đó, vấn đề cốt lõi của các khoản vay chính là phân bổ vốn đúng nơi, đúng chỗ và cuối cùng, chất lượng nợ công mới là vấn đề quan trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nợ công: Quan trọng là chất lượng đầu tư của khoản vay

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.