Thế giới

Niger - “Thùng thuốc súng” mới của châu Phi

Quỳnh Dương 14/08/2023 - 07:34

Tròn 1 tuần đã trôi qua kể từ khi tối hậu thư của Cộng đồng kinh tế Tây Phi (ECOWAS) đặt ra cho chính quyền quân sự Niger hết hạn, tình hình liên quan tới quốc gia này vẫn căng như dây đàn.

Nhiều nhận định cho rằng, nếu ECOWAS sử dụng biện pháp vũ lực để khôi phục chức vụ cho Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum và lập lại trật tự hiến pháp tại Niger theo mong muốn của ECOWAS, một cuộc xung đột sẽ bùng phát kéo theo những ảnh hưởng tiêu cực bao trùm Lục địa đen.

luc-luong-dao-chinh-tai-nig.jpg
Lực lượng đảo chính tại Niger từ chối các cuộc tiếp xúc ngoại giao của ECOWAS.

Bỏ qua tối hậu thư của ECOWAS, chính quyền quân sự tự phong của Niger do tướng Abdourahamane Tchiani đứng đầu đã đóng cửa không phận và tuyên bố sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ chế độ. Họ cũng cảnh báo sẽ sát hại tổng thống bị phế truất nếu các lực lượng bên ngoài tiến hành bất kỳ sự can thiệp quân sự nào. Mặc dù ECOWAS đã cử các phái viên đến Niger như một nỗ lực cuối cùng nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình và ngoại giao, song, lực lượng đảo chính vẫn kiên quyết ngăn chặn mọi tiếp xúc và cắt đứt quan hệ với Pháp, Nigeria, Togo, Mỹ.

Khi cánh cửa ngoại giao cho các giải pháp hòa bình đóng lại, khả năng can thiệp quân sự dường như không thể tránh khỏi. Đây cũng không phải là lần đầu tiên ECOWAS có ý định sử dụng vũ lực để khôi phục trật tự một quốc gia trong khu vực. Vào những năm 1990, ECOWAS đã tiến hành can thiệp quân sự vào Liberia và Sierra Leone khi những nước này xảy ra nội chiến. Gần đây nhất, năm 2017, quân đội của các thành viên thuộc ECOWAS đã tiến vào Gambia khi Tổng thống Yahya Jammeh từ chối trao quyền cho người kế nhiệm Adama Barrow sau thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Theo thống kê, từ năm 1990 đến nay, ECOWAS đã có 7 lần tiến hành can thiệp quân sự vào các nước trong khu vực.

Về cơ bản, những lần can thiệp quân sự trước đây đều mang lại hiệu quả tích cực, dẫn đến việc khôi phục hòa bình, an ninh, ổn định ở các quốc gia nói trên và trong toàn khu vực. Quan trọng hơn, họ được chào đón bởi công dân của các quốc gia này, những người coi lực lượng can thiệp là cứu tinh của họ vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, thực tế tại Niger khác với Liberia, Sierra Leone và Gambia. Trở ngại đầu tiên đối với quân đội ECOWAS là không nhận được sự ủng hộ của đa số dân chúng Niger. Suốt 1 tuần qua, trên đường phố thủ đô Niamey, thường xuyên có hàng ngàn người biểu tình ủng hộ tướng Abdourahamane Tchiani và phản đối sự hiện diện quân sự của các lực lượng nước ngoài. Điều này đồng nghĩa với việc quân đội của ECOWAS sẽ vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ từ cả quân đội và người dân Niger.

Trong thập kỷ qua, tình trạng bất ổn ở Sahel, dải đất kéo dài từ Senegal đến Sudan, đã làm suy yếu Niger. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Niger có một nền kinh tế với nông nghiệp chiếm 40% tổng sản phẩm quốc nội. Hơn 10 triệu người, tương đương 40% dân số, sống trong tình trạng cực kỳ nghèo đói vào năm 2021. Hơn nữa, nước này đang phải vật lộn với dòng người tị nạn chạy trốn khỏi các cuộc xung đột ở các nước láng giềng Nigeria và Mali lên tới 250.000 người. Nếu cuộc đảo chính không được giải quyết thỏa đáng sẽ tác động nghiêm trọng đến chính trị, kinh tế và an ninh của Tây Phi.

Khi các bên đều đặt trong tình trạng sẵn sàng giao tranh, khu vực Sahel, vốn đã chìm trong bất ổn, càng gia tăng thêm nhiều nguy cơ. Hậu quả trực tiếp của cuộc xung đột vũ trang sẽ là dòng người tị nạn ồ ạt đổ vào các nước láng giềng trong khu vực. Bất ổn an ninh, xã hội cùng với việc giám sát đường biên giới lỏng lẻo sẽ tạo điều kiện cho các chiến binh khủng bố mở rộng địa bàn hoạt động, từ đó làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh và nhấn chìm toàn bộ khu vực vào bất ổn.

Hơn nữa, một cuộc can thiệp quân sự trong khu vực có thể sẽ tạo ra một cuộc chiến tranh ủy nhiệm kéo theo nhiều bên liên quan. Đáng chú ý Burkina Faso, Mali và Guinea đã cam kết hỗ trợ Niger trong trường hợp nước này bị lực lượng quân sự bên ngoài can thiệp. Thậm chí, Mali và Burkina Faso, hai quốc gia trải qua cuộc đảo chính vào năm 2022 đã cam kết trong một tuyên bố chung tuần trước rằng, bất kỳ sự can thiệp quân sự nào vào Niger đều được coi là “hành động gây chiến” chống lại cả ba nước Mali, Burkina Faso và Niger.

Xét tình hình hiện tại, dù có rất ít cơ hội để giải quyết cuộc khủng hoảng Niger thông qua con đường ngoại giao, nhưng cộng đồng quốc tế vẫn kỳ vọng Liên minh châu Phi và ECOWAS ưu tiên các biện pháp đối thoại hòa bình. Ông Bella Kamano, nhà phân tích chính trị nổi tiếng người Guinea cho rằng, thay vì thiết lập kho vũ khí để giải quyết tình hình ở Niger, sẽ tốt hơn nếu dùng chúng để chống khủng bố trong khu vực. Bởi bất kỳ sự can thiệp quân sự nào cũng sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Niger - “Thùng thuốc súng” mới của châu Phi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.