Theo dõi Báo Hànộimới trên

Niềm tự hào mang tên HQ 182 - Hà Nội

Lê Hương| 11/01/2014 07:14

(HNM) -


Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nói với cán bộ, chiến sĩ tàu ngầm HQ 182 - Hà Nội (ngày 9-1-2014) tại Quân cảng Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa). Sự hiện diện của "quả đấm thép" mang tên HQ 182 - Hà Nội không chỉ đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam mà còn khẳng định ý nghĩa thiêng liêng, thể hiện sự tiếp nối truyền thống hào hùng cùng những chiến công hiển hách của Thăng Long - Hà Nội.

Có một Hà Nội vững chãi, kiên cường giữa Biển Đông

Khác với bất cứ chuyến công tác nào, chuyến thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn tàu ngầm 189 và thị sát chiếc tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam mang tên Hà Nội có ý nghĩa đặc biệt. Với Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, cảm nhận về chuyến công tác này càng đặc biệt hơn khi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô được đón nhận niềm vinh dự lớn: Trong đội tàu ngầm gồm 6 chiếc của Việt Nam, chiếc tàu đầu tiên mang tên Hà Nội. Bí thư Phạm Quang Nghị khẳng định, điều đó đã nói lên ý chí, quyết tâm, sức mạnh không chỉ của bộ đội hải quân, của bộ đội tàu ngầm mà là ý chí, sức mạnh của cả nước, được tập trung, tụ hội ở Thủ đô của Việt Nam là Hà Nội.

Lãnh đạo TP Hà Nội thăm tàu ngầm HQ 182 - Hà Nội. Ảnh: Quang Tiến



Hơn 20h ngày 8-1-2014, máy bay đáp xuống sân bay Cam Ranh. Thượng tá Trần Thanh Nghiêm, Lữ đoàn trưởng và cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 189 (Bộ Tư lệnh Hải quân vùng 4) chào đón đoàn bằng một tin vui: Chuyến đi biển đầu tiên của tàu ngầm Hà Nội (vào ngày 8-1) đã thành công; các chiến sĩ, thủy thủ tàu đã làm chủ phương tiện chiến đấu hiện đại. Tin vui đó đã xua tan mệt mỏi, nhân lên niềm háo hức trong mỗi thành viên. Trải qua một đêm trong tiếng thì thầm của biển, tiếng lao xao của rặng phi lao giăng đầy Quân cảng Cam Ranh, đúng 7h15 sáng hôm sau (9-1), mọi người trong đoàn đã tề tựu, sẵn sàng đến địa điểm tập kết. Sau khi trò chuyện, thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 189, cả đoàn bước nhanh để tận mắt thấy tàu ngầm Hà Nội. Dẫu đã nghe, đã xem trên các phương tiện thông tin đại chúng, song khi được mục sở thị chiếc tàu ngầm được mệnh danh là "hố đen của đại dương" với khả năng tàng hình và trang thiết bị hiện đại, có thể tìm mục tiêu và tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết, sẵn sàng để bảo vệ vững chắc lãnh hải Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, thực hiện thành công chiến lược biển Việt Nam trong mỗi người đều trào dâng niềm tự hào.

Bí thư Phạm Quang Nghị khẳng định, điểm lại quá trình chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam thì sự hiện diện của tàu ngầm Hà Nội đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng. Từ kháng chiến chống thực dân Pháp, với tên nỏ, tên tre, với Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến; bước vào trận Điện Biên Phủ, quân đội ta mới có dàn pháo, có súng phòng không 37 ly; đến kháng chiến chống đế quốc Mỹ, ta có xe tăng, đại bác, tên lửa SAM, máy bay MIC. Và nay, để từng bước xây dựng lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam chính quy, hiện đại, Đảng, Nhà nước, Chính phủ quyết định trang bị tàu ngầm để nâng cao năng lực bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn vùng biển của Tổ quốc. Tàu ngầm Hà Nội - chiếc tàu đầu tiên gia nhập lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam sẽ gia tăng đáng kể sức mạnh phòng thủ, tấn công; cùng với các tàu chiến mặt nước, các máy bay chiến đấu hiện đại của không quân, lực lượng canh giữ bờ biển... bảo đảm thế trận trên không - mặt biển - dưới nước, giữ vai trò trụ cột cho sức mạnh quân sự Việt Nam trong tình hình mới.

Dẫn đoàn tham quan con tàu, Thượng tá Trần Thanh Nghiêm, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 189 cho biết, từ khi tàu ngầm Hà Nội cập cảng Cam Ranh (3-1), cán bộ, sĩ quan và chiến sĩ vùng 4 hải quân, Lữ đoàn 189 và đặc biệt là các thủy thủ tàu ngầm Hà Nội vô cùng phấn khởi và tự hào. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, đến nay chúng ta đã có tàu ngầm đầu tiên. Đây là niềm vinh dự cho hải quân nói riêng, quân đội và nhân dân ta nói chung. Càng có ý nghĩa thiêng liêng hơn khi con tàu đầu tiên mang tên Thủ đô Hà Nội - trái tim của cả nước. Để vận hành, khai thác và làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại và có ý nghĩa rất đặc biệt này trên chiến trường biển, thời gian qua cán bộ, thủy thủ của tàu và Lữ đoàn đã nỗ lực học tập, huấn luyện, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Điều đáng nói, 100% cán bộ, thủy thủ tàu ngầm Hà Nội đều viết đơn tình nguyện tham gia học tập, huấn luyện và phục vụ ở tàu ngầm.

Đảm nhận vai trò người chỉ huy - Thuyền trưởng tàu ngầm Hà Nội là Trung tá Nguyễn Văn Quán - 39 tuổi. Anh vừa cùng đồng đội kết thúc đợt huấn luyện với kết quả xuất sắc: "Chúng tôi nhận thức sâu sắc, tàu ngầm Hà Nội là tài sản lớn của Đảng, Nhà nước và quân đội. Trong điều kiện đất nước ta còn khó khăn, Đảng và Nhà nước quyết tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, vì vậy mỗi chiến sĩ hải quân càng phải quyết tâm hơn nữa để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đáp lại sự tin tưởng, kỳ vọng của quân đội, của nhân dân, xứng đáng là những người con của Thủ đô Anh hùng" - Trung tá Nguyễn Văn Quán cho biết.

Như vậy, sự hiện diện của tàu ngầm HQ 182 - Hà Nội tại Quân cảng Cam Ranh đã khẳng định sức mạnh của quân đội Việt Nam, khẳng định có một Hà Nội vững chãi ở Biển Đông.

Thủ đô luôn sát cánh cùng bộ đội hải quân

Trong quá trình xây dựng và phát triển, với ý thức "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội", Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô luôn dành tình cảm, sự quan tâm tới lực lượng hải quân, thể hiện trách nhiệm đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Hằng năm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đều tổ chức đoàn đi thăm, động viên quân, dân huyện đảo Trường Sa. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết TƯ 4 (khóa X) về "Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020", TP Hà Nội đã tăng cường tuyên truyền về biển đảo và tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa vì Trường Sa, vì bộ đội hải quân. Có thể kể tới các hoạt động "Biên cương trong trái tim Thủ đô", "Tuổi trẻ Thủ đô đồng hành với chiến sĩ nơi biên giới hải đảo", "Một triệu lá thư tay tặng cán bộ, chiến sĩ Trường Sa"... Các ban, ngành, đoàn thể, quận, huyện của Hà Nội cũng tổ chức các hoạt động kết nghĩa với đơn vị hải quân, quân và dân huyện đảo Trường Sa; tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, quyên góp ủng hộ... Đặc biệt, tháng 4-2009, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã tặng huyện đảo Trường Sa công trình Nhà khách Thủ đô; tiếp đó là các công trình nhà văn hóa, hệ thống điện năng lượng sạch trên các đảo... Hà Nội cũng đã hỗ trợ Bộ Tư lệnh Hải quân xây dựng hệ thống mô phỏng tàu ngầm Hà Nội...

Tổng các nguồn kinh phí hỗ trợ hơn 54,2 tỷ đồng của Hà Nội đã và đang góp phần xây dựng cơ sở vật chất phục vụ sinh hoạt và huấn luyện cho bộ đội hải quân.

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị khẳng định, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ có nhiều hoạt động thiết thực hướng về bộ đội hải quân và nhân dân các huyện đảo. Trước mắt, TP Hà Nội đề nghị Quân chủng Hải quân chỉ đạo Bộ Tư lệnh vùng 4, Lữ đoàn 189 phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của thành phố động viên, tạo điều kiện cho tàu ngầm HQ 182 - Hà Nội thực hiện nhiệm vụ. Tất cả những việc làm đó nhằm thể hiện tình cảm, trách nhiệm của Hà Nội đối với cả nước, đối với bộ đội hải quân và nhân dân các huyện đảo. Đặc biệt, với sự hiện diện của tàu ngầm HQ 182 - Hà Nội, từ nay Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hà Nội coi đây là một phần thương yêu gắn bó khăng khít với Thủ đô; mỗi cán bộ, thủy thủ là người con yêu quý sẽ tiếp nối các thế hệ cha anh viết tiếp trang sử hào hùng của Thủ đô Anh hùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Niềm tự hào mang tên HQ 182 - Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.