(HNM) - Mấy năm gần đây với tốc độ đô thị hóa nhanh, làng nghề kim khí Thanh Thùy (Thanh Oai) phát triển khá nhanh, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện.
Phó Chủ tịch UBND xã Lý Duy Bình cho biết, Thanh Thùy có 6 thôn thì 5 thôn có nghề kim khí và 1 thôn làm nghề điêu khắc gỗ mỹ nghệ. Đây là những nghề truyền thống, chiếm 64% cơ cấu kinh tế của xã với 80% số hộ tham gia. Toàn xã có 40 DN, 1.000 hộ gia đình và cơ sở sản xuất. Không nằm ngoài ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế, làng nghề Thanh Thùy đang đứng trước những khó khăn, số lượng đơn đặt hàng giảm đi khá nhiều.
Nghề cơ, kim khí của làng nghề Thanh Thùy (huyện Thanh Oai) đang đứng trước nỗi lo về tai nạn lao động và ô nhiễm môi trường. |
Trước kia, trung bình một tháng toàn xã Thanh Thùy tiêu thụ khoảng 300-400 tấn sắt, thép, nay lượng hàng đã giảm đi 50%. Số lao động nơi khác đến làng nghề làm thuê cũng giảm 40%. Đến thăm cơ sở sản xuất cơ kim khí của Công ty TNHH một thành viên Thiện Thanh, Giám đốc Nguyễn Thị Cúc cho biết: Hiện các đơn đặt hàng của DN đã giảm 50% so với năm trước, số lao động cũng giảm đi một nửa vì không có việc làm, giá nguyên liệu đầu vào khá cao trong khi giá bán giảm, đó là chưa kể đến việc nợ đọng khiến người làm nghề vô cùng khó khăn.
Phó Chủ tịch UBND xã Lý Duy Bình tâm sự: Trong bối cảnh các làng nghề đều gặp khó khăn, may mắn của Thanh Thùy là người dân vẫn cố gắng bám trụ với nghề và sống được từ nghề truyền thống của ông cha để lại, mỗi năm kinh tế của xã vẫn phát triển bình quân 14%/năm. Tuy nhiên, đằng sau sự thay đổi trong đời sống người dân là những nguy cơ về ô nhiễm môi trường như khói bụi, tiếng ồn, nước thải… đặc biệt là số vụ tai nạn lao động đang có chiều hướng gia tăng. Tuy hiện nay máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất ở làng nghề đã được đầu tư, hiện đại hơn dẫn đến số tai nạn lao động giảm khoảng 60-70% so với trước nhưng mỗi năm Thanh Thùy vẫn xảy ra khoảng 200 trường hợp tai nạn lao động, tính trung bình cứ 10 hộ làm nghề thì tới 8 hộ có người nhà, người làm thuê bị tai nạn lao động. Bên cạnh đó, anh Cao Văn Đàn, cán bộ tài nguyên môi trường của xã cho biết, do làng nghề phát triển tự phát nên hầu hết các xưởng sản xuất đều nằm trong khuôn viên các hộ gia đình, vì thế nước thải, đặc biệt là của 20 hộ chuyên làm nghề mạ kim loại nằm rải rác ở các thôn thải thẳng ra mương, cống tiêu. Mặc dù chính quyền địa phương đã thường xuyên tuyên truyền để người dân thấy rõ nguồn nước giếng khoan đã bị nhiễm asen nặng và hướng dẫn người dân mua thiết bị về lọc nước trước khi sử dụng nhưng số hộ dân thực hiện chỉ được 30%, còn lại đều dùng trực tiếp từ nước giếng khoan. Có lẽ vì thế mà trong mấy năm gần đây, trên địa bàn xã có nhiều người mắc bệnh ung thư. Chị Nguyễn Thị Điệp ở thôn Rùa Hạ than thở, không chỉ nguồn nước nhiễm asen nặng mà nước thải chảy ra ruộng lúa gây ô nhiễm nên việc sản xuất nông nghiệp cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. "Ruộng nào tốt thì được 1 tạ/sào, còn nếu không chỉ được 20-30kg/sào, có ruộng còn không được thu hoạch" - chị Điệp nói.
Phó Chủ tịch UBND xã Lý Duy Bình trăn trở: Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, xã mong muốn huyện và thành phố tạo điều kiện cho địa phương xây dựng tiếp cụm công nghiệp rộng 10ha, quy hoạch 100 hộ sản xuất, còn lại để tiện cho việc quản lý và kinh doanh. Thành phố cũng cần tạo điều kiện cho địa phương mở các lớp bồi dưỡng để người làm nghề nâng cao trình độ và kiến thức trong việc phòng chống ô nhiễm môi trường, bảo đảm an toàn lao động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.