Văn nghệ

Những vần thơ về ơn nghĩa sinh thành

Mai Bá Ấn 16/08/2024 - 07:56

Ngày lễ Vu Lan báo hiếu đến gần, đọc văn chương về ơn nghĩa sinh thành, ta chợt nhận ra rằng: Hầu như tất cả các tôn giáo trên toàn thế giới đều lấy đức hiếu thảo với các đấng sinh thành, đặc biệt là người mẹ, làm trọng.

z5284562765232_a78546b37c76beb5c6bddc8bf939c854.jpg
Đức hiếu thảo với các đấng sinh thành ở bất cứ dân tộc nào, tôn giáo nào đều là điều quan trọng. Ảnh: Lê Bích

Từ xưa, nếu Nho giáo quan niệm: “Thiên địa tứ thời, xuân tại thủ/ Nhân sinh bách hạnh, hiếu vi tiên” ("Trời đất có bốn mùa, mùa xuân đứng đầu/ Con người có trăm hạnh, hạnh hiếu là trên hết"), thì Đạo giáo dạy rằng: “Bách thiện, hiếu vi tiên” ("Trong một trăm điều thiện, hiếu là trên hết"). Trong “thập giới” (10 điều răn dạy) của Thiên Chúa giáo thì “Điều răn thứ tư là: Thảo kính cha mẹ”... Còn ngày lễ Vu Lan báo hiếu xuất phát từ Phật tích “Mục Liên tìm mẹ”. Trong kinh "Nhẫn nhục” của đạo Phật, hiếu được xem là hạnh giới cao nhất trong tất cả các điều thiện, và tất nhiên, bất hiếu được xem là điều ác lớn nhất của con người: “Điều thiện tối cao không gì hơn hiếu/ Điều ác, ác nhất không gì hơn bất hiếu”.

Việt Nam với gốc văn hóa nông nghiệp điển hình trọng tình, trọng đức... gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu truyền thống, vì vậy, hiếu hạnh được người Việt tôn thờ: “Tu đâu cho bằng tu nhà/ Thờ cha, kính mẹ, ấy là chân tu” (ca dao). Và cũng như Phật giáo, người Việt xem mẹ cha là hai vị “Phật sống” của chính gia đình mình. Ai bỏ bê cha mẹ, chỉ siêng năng đi lễ chùa luôn bị nhân dân ta phê phán. Lòng hiếu để trở thành “đạo Hiếu” trong những người con Việt như một phẩm hạnh tự nhiên. Vì lẽ đó, thơ ca Việt Nam từ ca dao cho đến hôm nay có rất nhiều những câu thơ hay về đạo hiếu và ơn đức sinh thành: "Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ mẹ, kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con" (ca dao).

Từ thế kỷ XV, nhà thơ, danh nhân, anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi cũng đã từng nói về ơn sinh thành của mẹ cha trong tác phẩm “Gia huấn ca” nổi tiếng: “Khi ấm lạnh ta hầu săn sóc/ Xem cháo cơm thay thế mọi bề/ Ra vào thăm hỏi từng khi/ Người đà vô sự ta thì an tâm”. Đến thế kỷ XVIII, nàng Kiều trong 15 năm lưu lạc, bị cuộc sống dập vùi, nhưng lúc nào cũng canh cánh bên lòng chữ hiếu với mẹ cha: “Vẻ chi một mảnh hồng nhan/ Tóc tơ chưa chút đền ơn sinh thành” (Nguyễn Du - “Truyện Kiều”). Đến thế kỷ XIX, trên đường ra kinh ứng thí, nghe tin mẹ mất Lục Vân Tiên đã bỏ thi, tức tốc quay về: “Nhớ câu dưỡng dục, lo ơn sinh thành/ Mang câu bất hiếu đã đành/ Nghĩ mình mà thẹn cho mình làm con (Nguyễn Đình Chiểu - “Lục Vân Tiên”)...

Trong thơ thời hiện đại, những người con từ biệt gia đình, lên đường kháng chiến chống Pháp, nhưng bên cạnh lòng yêu nước, căm thù giặc, nỗi nhớ đấng sinh thành vẫn thao thức mãi trong tim: “Bên kia sông Đuống/ Mẹ già nua còm cõi gánh hàng rong/ Dăm miếng cau khô/ Mấy lọ phẩm hồng/ Vài thếp giấy đầm hoen sương sớm" (Hoàng Cầm - “Bên kia sông Đuống”). Chính người mẹ là điểm tựa tinh thần không gì lay chuyển nổi của những người chiến sĩ Giải phóng quân khi nghĩ về những ngày nấu cơm “giấu khói” giữa Trường Sơn đánh Mỹ: “Xin mẹ lại cho con nấu bữa cơm mà không cần giấu khói/ để con được cảm ơn ngọn lửa nhà ta/ ngọn lửa biết thay con tìm lời an ủi mẹ” (Hữu Thỉnh - “Ngôi nhà của mẹ”). Lặng lẽ nhớ về công đức của cha những tháng năm mình còn thơ ấu, nhà thơ Trần Anh Thái viết: “Ngôi nhà cha xây bằng gạch ba phân nung từ đất sét/ Trước sân nhà giàn bí nở đầy hoa/ Ngày tôi sinh trận đói năm nào cha không nhắc đến/ Người lặng lẽ gói chiếc rìu và con dao rựa kê dưới đầu tôi” (“Đổ bóng xuống mặt trời”).

Đến thời bình, người chiến sĩ năm xưa về quê chạp mả (tảo mộ), lại mang hương hoa ra ngồi bên mộ mẹ, nghĩ về những năm tháng đã qua: “Ngày Chạp sắp tới rồi, má ạ/ con lại mang hương hoa về thăm má/ lại ngồi lâu lâu bên mộ/ nghĩ vẩn vơ những gì/ khi vòng khói hương tan đi” (Thanh Thảo - “Đã lâu má không về thăm con”). Mỗi dịp Vu Lan về, nhà thơ như một đứa con trẻ, vin theo chân Tôn giả Mục Kiền Liên (vị tôn giả nổi tiếng với các sự tích, điển tích trong Phật giáo và hình tượng cứu mẹ của Ngài chính là cảm hứng ra đời cho ngày lễ Vu Lan báo hiếu), để lần tìm “thăm mẹ” nơi chốn cửu tuyền: “Con lần thăm Mẹ, Mẹ ơi!/ Con qua được tám suối rồi, mừng ghê/ Vui cười quên hết nhiêu khê/ Chỉ còn một suối là về đến nơi" (Hà Huy Hoàng - “Thăm mẹ”).

Bên cạnh hình ảnh người mẹ là những vần thơ về đức hy sinh thầm lặng của người cha, dâng chén trà thơm nhân ngày giỗ cha với lòng ăn năn, lâm râm lời nguyện cầu nhòa trong hương khói: “Thưa cha/ nắng xế chiều thu/ trà thơm quyện khói sương mù tỏa hương/ cha dù giận, cha dù thương/ nhấp môi gọi chút vô thường lên môi” (Nguyễn Ngọc Hưng - “Dâng trà”). Tình yêu của cha vốn kiệm lời, nhưng những người cha can trường ấy, vẫn có phút mềm lòng, “rợn người” vì mẹ đã đi xa: “đối mặt với cả một cuộc chiến tranh/ cha không rợn bằng ngôi nhà không còn mẹ nữa/ ngôi nhà ấy từng thắp lên niềm tin” (Phạm Đương - “Ngôi nhà ấy”).

Cho đến mãi bây giờ, mỗi mùa Vu Lan, vào đêm Rằm tháng Bảy, nhân dân ta vẫn thường đến các chùa dự lễ Báo hiếu và thực hiện nghi thức cài hoa trên ngực áo để tri ân và tưởng nhớ đấng sinh thành. Trong giờ phút thiêng liêng ấy, bài ca nổi tiếng “Bông hồng cài áo” của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ lại vang vang trong đêm đầy xúc cảm: “Một bông Hồng cho em/ Một bông Hồng cho anh/ Và một bông Hồng cho những ai/ Cho những ai đang còn Mẹ/ Đang còn Mẹ để lòng vui sướng hơn...”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những vần thơ về ơn nghĩa sinh thành

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.