Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những vấn đề đặt ra trong bối cảnh truyền thông mới

PGS.TS Đặng Thị Thu Hương| 20/10/2015 06:42

(HNM) - Công nghiệp báo chí truyền thông (BCTT) Việt Nam đang chuyển mình, phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh hội nhập quốc tế của kỷ nguyên kỹ thuật số. Tư duy đổi mới, xã hội hóa trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm truyền thông cũng đang tạo ra diện mạo mới, đồng thời là thách thức mới


Bùng nổ truyền thông mạng xã hội

Trong bối cảnh bùng nổ truyền thông mạng xã hội (MXH) như hiện nay, áp lực cạnh tranh thông tin không chỉ có giữa các cơ quan báo chí với nhau, mà còn giữa báo chí với MXH. Ở Mỹ, Liên minh Châu Âu, một số nước Châu Á, có hơn 50% số dân và gần như toàn bộ giới trẻ thường xuyên dùng MXH.

Sinh viên Khoa Báo chí - Truyền thông thường xuyên được tiếp cận với công nghệ làm báo hiện đại.



Nếu như năm 1987, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh viết loạt bài "Những việc cần làm ngay" đăng trên Báo Nhân Dân, ký tên N.V.L., với mục đích sử dụng sức mạnh của báo chí, sử dụng sức mạnh của dư luận xã hội để thúc đẩy các cơ quan công quyền thực hiện tốt hơn chức năng nhiệm vụ, giải quyết những vấn đề bức xúc của đời sống, thì đến năm 2015, một số sai phạm về trật tự xây dựng tại tòa nhà số 8B Lê Trực (Hà Nội) bắt đầu được đăng trên các trang MXH. Câu chuyện được tiếp diễn và bùng nổ cả trên các phương tiện truyền thông đại chúng (TTĐC), tạo nên dư luận mạnh mẽ và Thủ tướng yêu cầu làm rõ sự việc. Sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc, phát hiện chủ đầu tư tòa nhà 8B Lê Trực đã xây dựng công trình sai phép và bị buộc phá dỡ phần xây dựng sai. Đây là một ví dụ điển hình về sức mạnh của TTĐC đối với việc tạo dựng và hình thành dư luận xã hội.

Với số người dùng internet ở Việt Nam lên đến 35 triệu người, gần như tờ báo nào cũng có định hướng chiến lược xây dựng phiên bản báo điện tử song song với báo giấy. Nhiều tòa soạn đã lập trang thông tin riêng của mình trên MXH. Truyền thông xã hội có tính tương tác cao, cho phép người sử dụng đồng thời là người sản xuất tin, thực hiện chia sẻ, trao đổi thông tin và ý tưởng thông qua các quan hệ ảo và cộng đồng ảo. Tuy nhiên, chất lượng thông tin là vấn đề lớn nhất của truyền thông xã hội. Một trong những nguyên tắc và cam kết của báo chí đối với công chúng là thông tin nhanh chóng, chính xác, khách quan. Trong khi đó, thông tin trên MXH có sự đa dạng, thậm chí là thông tin đã cố tình bị làm sai lệch, được phát tán trên MXH nhằm gây nhiễu loạn trong cộng đồng người tiếp nhận. Do đó, giảng dạy về truyền thông mới, về truyền thông hội tụ và đa phương tiện, về truyền thông xã hội, về thách thức của báo chí trong môi trường truyền thông mới,… đang là các nội dung quan trọng cần được đưa vào chương trình đào tạo báo chí.

Đào tạo gắn liền với nghiên cứu

Một trong những vấn đề quan trọng để có thể định hướng sự phát triển của báo chí Việt Nam và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự phát triển của báo chí nước nhà là phải gắn đào tạo với nghiên cứu phát triển báo chí. Sự phát triển của ngành Công nghiệp BCTT chỉ đạt hiệu quả cao nhất khi người làm việc trong lĩnh vực này nắm vững kiến thức lý luận về truyền thông và TTĐC, hiểu rõ quy luật phát triển của TTĐC trong xã hội, nắm vững được nguyên tắc hình thành, cơ chế tác động của TTĐC đối với xã hội, cũng như mô hình hoạt động kinh tế của ngành công nghiệp này.

Sau đổi mới, báo chí Việt Nam là mô hình truyền thông kết hợp giữa nguyên tắc bất di bất dịch - "báo chí đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước" - với những nguyên tắc vận hành của cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Báo chí Việt Nam không chỉ tập trung tuyên truyền chính trị, mà còn là cầu nối, là kênh phản biện xã hội, tạo ra dòng chảy liền mạch trong xã hội, tạo nên mối kết dính chặt chẽ gắn bó về thông tin giữa Đảng, Chính phủ và nhân dân; đồng thời mở ra hướng phát triển kinh tế truyền thông, gắn kết giữa doanh nghiệp với công chúng, giữa sản xuất kinh doanh với phân phối, tiêu dùng. Sự kết hợp đó không làm suy yếu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với báo chí, mà ngược lại, là động lực để báo chí phát triển.

Nghiên cứu BCTT phải thực sự đóng góp giải pháp giúp cho ngành Công nghiệp BCTT phát triển. Tuy nhiên, nhiều nội dung nghiên cứu về mô hình phát triển, chức năng nhiệm vụ, quản lý báo chí, cơ chế và hiệu quả tác động đến dư luận xã hội, kinh tế BCTT, xu hướng phát triển của BCTT hiện đại... chưa được quan tâm đúng mức, chưa tạo nên định hướng cho sự phát triển của ngành Công nghiệp truyền thông, và cũng chưa đóng góp hiệu quả cho việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp này.

Điểm cơ bản, mấu chốt nhất trong việc đào tạo BCTT là phải "cho ra lò" những người "thạo việc", có kỹ năng săn tin, viết bài... Cũng chính bởi vậy, rèn luyện kỹ năng làm báo luôn là ưu tiên số một trong các trường đào tạo BCTT nước ngoài. Tại Trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội), với dự án được đầu tư 2 giai đoạn với tổng trị giá gần 60 tỷ đồng, trong 5 năm qua, sinh viên báo chí đã có nhiều điều kiện được học tập, tác nghiệp, rèn nghề trong môi trường "tòa soạn thu nhỏ", "đài PT-TH thu nhỏ"… với mục đích rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo với thực tiễn sôi động của đời sống báo chí. Tuy nhiên, đây cũng mới là những nỗ lực đơn lẻ của một đơn vị đào tạo về BCTT.

Bởi vậy, đẩy mạnh nghiên cứu BCTT, với tư cách là một ngành khoa học, có nền tảng lý luận, có đối tượng nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu đặc thù là yếu tố quan trọng, là động lực nâng cao chất lượng đào tạo về BCTT một cách bài bản và chuyên nghiệp. Đồng thời, quan trọng hơn là tạo lập nền tảng lý luận vững chắc, tạo tiền đề, định hướng cho sự phát triển đúng đắn của nền báo chí cách mạng và chuyên nghiệp ở Việt Nam hiện nay là rất cần thiết và cấp thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những vấn đề đặt ra trong bối cảnh truyền thông mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.