Văn hóa

Giải pháp phát triển kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong nền kinh tế số

Thu Hằng 14/06/2024 - 12:37

Trong bối cảnh phát triển kinh tế số, báo chí Việt Nam có nhiều thời cơ phát triển mạnh mẽ, đồng thời cũng đứng trước những đòi hỏi như phải giữ vững mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin, tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước.

5(2).jpg
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng phát biểu khai mạc. Ảnh: Thu Hằng

Ngày 14-6, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức Hội thảo quốc tế “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số”.

Hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện thường niên “Diễn đàn báo chí tháng Sáu” lần thứ ba.

Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Lê Quốc Minh tham dự.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, hiện nay các cơ quan báo chí đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là nguy cơ sụt giảm doanh thu mạnh mẽ trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội như Facebook hay Google lấy đi khoảng 70% doanh thu quảng cáo của báo chí chính thống. Đó là vướng mắc trong quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP; việc bố trí kinh phí, đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí thực hiện tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu, truyền thông chính sách còn hạn chế. Đó là chính sách về thuế đối với các cơ quan báo chí... Bên cạnh đó, Chiến lược chuyển đổi số báo chí đưa ra mục tiêu đến năm 2025, các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 30% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%...

“Hiện nay, hằng năm, chi thường xuyên cho báo chí dưới 0,5% tổng chi thường xuyên của ngân sách nhà nước. Chi cho đầu tư báo chí cũng thấp, chỉ chiếm khoảng 0,25% tổng chi đầu tư của ngân sách nhà nước. Đặc biệt, một số cơ quan báo chí lớn lại không có hoặc có rất ít hỗ trợ hay đặt hàng từ ngân sách.

Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh trình bày tham luận
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Thu Hằng

Về thu phí nội dung trên báo chí điện tử, hiện có 5 cơ quan báo chí triển khai gồm: Báo điện tử VietnamPlus (năm 2018), Báo điện tử VietnamNet, Tạp chí điện tử Ngày Nay (năm 2021), Báo Người Lao động, Báo Tuổi trẻ (năm 2022)... Tuy nhiên, các cơ quan báo chí này mới chỉ thử nghiệm ở một số chuyên mục, được đầu tư hơn về chất lượng và nội dung. Mô hình thu phí nội dung ở Việt Nam mới chỉ ở bước khởi đầu, chưa tạo ra doanh thu đáng kể cho cơ quan báo chí” - Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng chỉ rõ.

Hội thảo đã nhận được hơn 50 tham luận của các học giả hàng đầu về kinh tế và báo chí, truyền thông của Việt Nam và nhiều nước trên thế giới như: Đức, Áo, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia…, chuyên gia đến từ các tập đoàn Google, Viettel, VieOn, Le Bross… Các tham luận và ý kiến đã tiếp cận phong phú theo nhiều góc độ, nhiều chiều cạnh về vấn đề kinh tế báo chí truyền thông trong bối cảnh kinh tế số.

Theo PGS.TS Bùi Chí Trung, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), kinh tế báo chí truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống báo chí truyền thông hiện đại, bởi đây vừa là nguồn sống cơ bản, vừa là động lực bảo đảm cho sự tồn tại, phát triển. Hoạt động kinh tế báo chí truyền thông chỉ có thể phát triển mạnh và bền vững khi có chiến lược, mô hình đúng đắn và những giải pháp hữu hiệu.

3(2).jpg
Tổng Biên tập báo Nhân Dân Lê Quốc Minh trình bày tham luận. Ảnh: Thu Hằng

Trong tham luận: “Kinh tế báo chí, hành trình đi từ truyền thống tới kỷ nguyên số”, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh đã đưa ra bức tranh với nhiều thông tin sâu sắc và toàn diện về kinh tế báo chí Việt Nam và thế giới. Với báo chí Việt Nam, bên cạnh việc vẫn phải giữ “trận địa”, vẫn phải giữ những yếu tố tạo nên nền tảng phát triển kinh tế báo chí truyền thống như: Quảng cáo, giữ chân người tiêu dùng, thu hút phí từ độc giả, khán giả... tác giả đã gợi mở 8 hướng đi mà báo chí thế giới đang vận dụng và có những thành công bước đầu. Đây cũng là những gợi mở cho báo chí truyền thông Việt Nam. Đó là: Tổ chức sự kiện, thu hút nhà tài trợ, hợp tác với các mạng xã hội cấp phép cho các thương hiệu cung cấp dịch vụ thông tin truyền thông đầu tư, nghiên cứu kinh doanh... Những thử nghiệm ban đầu của Báo Nhân Dân là động lực cho các cơ quan báo chí có mô hình mang tính dẫn dắt để áp dụng triển khai trong thời gian tới.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ lắng nghe, ghi nhận tổng hợp các ý kiến đề xuất và kiến nghị, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ những “nút thắt” để thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp phát triển kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong nền kinh tế số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.