Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những trang sách gọi “lên đường”

Hạ Yến| 27/03/2020 15:44

(HNMCT) - “Chống dịch như chống giặc” - những ngày vừa qua, câu chuyện của hàng trăm bác sĩ, y tá đã nghỉ hưu cùng đông đảo sinh viên các trường y tình nguyện tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã thực sự gây xúc động trong cộng đồng. Cũng giống như bao lớp cha anh đi trước, bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng lên tuyến đầu khi Tổ quốc cần, hình ảnh của những anh hùng thầm lặng như thế luôn là tấm gương cho các thế hệ sau mà rất nhiều trang sách đã kể lại...

Năm 2015, một cuộc vận động bình chọn “Những quyển sách sống cùng tuổi trẻ” đã được tổ chức, thu hút gần chục nghìn phiếu bình chọn và tham gia giới thiệu của các bạn trẻ. Sau đó, 100 đầu sách có số lượng đề cử cao nhất đã được công bố để giới thiệu rộng rãi đến tuổi trẻ Việt Nam. Trong số đó có rất nhiều cuốn sách giàu ý nghĩa, chứa đựng lý tưởng cao đẹp, góp phần hình thành nhân cách, rèn giũa đạo đức, lối sống và truyền ngọn lửa lý tưởng cách mạng, truyền thống đất nước quê hương mà Thép đã tôi thế đấy là cuốn sách không thể thiếu trong danh sách.

Sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người ở đâu cũng giống nhau, đòi hỏi từng người chung niềm yêu Tổ quốc, thương đồng bào. Cho nên, lý tưởng sống mà “tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người” của nhân vật Pavel Corsaghin trong Thép đã tôi thế đấy (Nikolai Ostrovsky) đã trở thành mong muốn của nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam. Bởi với họ, đời người chỉ sống một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí.

Trong cuốn nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi, liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc đã ví “cuộc sống của Paven là một dòng mùa xuân bất tận giữa cuộc đời. Đó là cuộc sống của người đảng viên trẻ tuổi, cuộc sống của một chiến sĩ hồng quân”, và anh ước mong được sống như thế: “Sống vững vàng trước những cơn bão táp của cách mạng và của cuộc đời riêng...”.

Có lẽ, nhiều lớp thanh niên Việt Nam đã lên đường theo tiếng gọi non sông trên từng trang sách như Nguyễn Văn Thạc. Hai chữ “lên đường” không gợi cảm hứng xê dịch như những cuốn sách du ký “dậy sóng” mấy năm vừa qua, mà thể hiện khát vọng và quyết tâm được sống vì Tổ quốc, vì đồng bào của một thế hệ thanh niên Việt Nam. Không ngại nguy nan, không nề gian khó, biết bao nhiêu con người đã sẵn sàng “Chúng tôi đi không tiếc đời mình”, “Tổ quốc gọi, chúng tôi lên đường”, “Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau”...

Hành động cao cả của họ đã đi vào trang sách, vần thơ, trở thành tấm gương cho các thế hệ tiếp nối. 

Văn học thời kỳ kháng chiến bung nở hàng loạt tác phẩm nổi bật trên nhiều thể loại như truyện ngắn, ký, tiểu thuyết..., như Xung kích (Nguyễn Đình Thi), Sống mãi với Thủ đô (Nguyễn Huy Tưởng), Trận phố Ràng (Trần Đăng), Vùng mỏ (Võ Huy Tâm), Vượt Côn Đảo (Phùng Quán), Người mẹ cầm súng (Nguyễn Thi), Dấu chân người lính (Nguyễn Minh Châu), Hòn Đất (Anh Đức), Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng), Cao điểm cuối cùng (Hữu Mai), Mẫn và tôi (Phan Tứ), Chúng tôi ở Cồn Cỏ (Hồ Phương)... 

Nhiều nhân vật văn học thời kỳ kháng chiến như chị Sứ, chị Tư Hậu, Anh hùng Núp, cụ Mết đã là những hình ảnh bất tử của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong lòng nhiều thế hệ bạn đọc. Ngay cả những nhân vật thiếu niên du kích cũng có sức hút mạnh đối với độc giả, và những trang sách viết về các anh hùng nhỏ tuổi như Tuổi thơ dữ dội, Đội thiếu niên du kích Đình Bảng, Cát cháy… được đón nhận vô cùng nồng nhiệt, thể hiện qua số lượt tái bản liên tục trong nhiều năm ròng.

Ít có sự trau chuốt về ngôn ngữ hay thủ pháp xây dựng hình tượng nhân vật như các tác phẩm văn học, song các cuốn hồi ký, nhật ký lại có sức hút riêng. Mỗi dòng chữ thấm đẫm hiện thực của các liệt sĩ - nhà văn không chuyên có sức lay động khôn cùng. Họ đã sống một cuộc đời không dài nhưng lại làm được quá nhiều cho đất nước, cho dân tộc, khiến độc giả thời nay thường tự vấn: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”.

Những cuốn hồi ký nổi bật như Sống như anh, Người bị CIA cưa chân 6 lần, Chuyện kể Lý Tự Trọng, đặc biệt là sự thành công của hai cuốn sách Mãi mãi tuổi hai mươi và Nhật ký Đặng Thùy Trâm đã góp phần mang lại một “thư viện” nhật ký, hồi ký chiến trường hết sức phong phú trong những năm vừa qua. Có thể thấy ở đó Nhật ký Vũ Xuân, Tài hoa ra trận, Nhật ký chiến tranh, Bão lửa cầu vồng, Những tấm ảnh trở về, Sống để yêu thương và dâng hiến,  Những bức thư gửi mai sau, Trở về trong giấc mơ, Trời xanh không biên giới...

Song, những cuốn sách gọi “lên đường” không chỉ dừng ở các tác phẩm viết về chiến tranh và viết trong chiến tranh. Ngay giữa thời bình, có rất nhiều tác giả vẫn đang nhìn lại quá khứ để đánh giá chiến tranh từ những góc độ mới, đó là Tàn đen đốm đỏ (Phạm Ngọc Tiến), Mình và họ (Nguyễn Bình Phương), Mùa linh cảm, Một trăm ngày trước tuổi hai mươi (Đoàn Tuấn), Mùa xa nhà (Nguyễn Thành Nhân)...

Và, ngay giữa thời bình, có rất nhiều tấm gương thầm lặng nhưng dường như vẫn chỉ “đứng” trên mặt báo chứ chưa được khai thác nhiều trong văn học, như cặp vợ chồng nuôi hàng trăm trẻ mồ côi, bà giáo già mang chữ đến cho trẻ thiểu năng, tự kỷ... Đó còn là câu chuyện trong mùa dịch Covid-19 đang hoành hành, các chiến sĩ bộ đội vào rừng ở để nhường doanh trại cho người cần cách ly, những bác sĩ vất vả căng mình nơi tuyến đầu chống dịch... Càng nhiều hình ảnh đẹp đi vào văn học và được giới thiệu rộng rãi với công chúng, sẽ càng bớt đi những kẻ vị kỷ, hẹp hòi, nhân lên số người sống yêu thương, trách nhiệm với tập thể, với cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những trang sách gọi “lên đường”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.