Đất nước Bờ Biển Ngà từng rơi vào cảnh chia cắt hai miền nam - bắc vì cuộc nội chiến đẫm máu đầu những năm 2000. Trong khi mọi nỗ lực đàm phán hòa bình đều bế tắc thì những trận đấu thăng hoa của tuyển bóng đá quốc gia đã trở thành vị cứu tinh khi đem lại hòa bình cho quốc gia Tây Phi này.
Didier Drogba tri ân CĐV sau trận đấu với Madagascar - Ảnh: Reuters |
Tháng 9.2002, Bờ Biển Ngà hứng chịu một cuộc xung đột vũ trang đẫm máu đã chia đất nước thành 2 miền: miền bắc của quân nổi dậy và miền nam là của chính phủ cầm quyền. Nguyên nhân dẫn đến cuộc nội chiến xuất phát từ nghi vấn gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống dẫn đến chiến thắng cho ông Laurent Gbagbo vào cuối năm 2000.
Trong 3 năm sau đó (2002 - 2005), dù đã có những ký kết ngừng bắn nhưng các cuộc giao tranh vẫn tiếp diễn khiến hơn 4.000 người thiệt mạng trong quốc gia hơn 20 triệu dân. Hàng triệu người bỏ chạy khỏi thành phố lớn nhất Abidjan và trốn sang các nước láng giềng vì tình trạng bất ổn. Nỗ lực cho hòa bình gần như bế tắc cho đến khi bóng đá trở thành “vị cứu tinh” được khởi xướng bởi chân sút huyền thoại Didier Drogba.
Tháng 10.2005, tuyển Bờ Biển Ngà làm nên lịch sử khi đánh bại Sudan 3-1 để giành vé dự World Cup 2006. Chiến tích này làm nức lòng người hâm mộ nước nhà khi đây là lần đầu tiên bóng đá Bờ Biển Ngà hiện diện ở đấu trường lớn nhất hành tinh. Tuy nhiên, sau trận đấu, kỳ tích trên hóa thành giai thoại của bóng đá thế giới khi nó làm bàn đạp cho một thông điệp mà các người hùng bóng đá Bờ Biển Ngà gửi đi.
Sau tiếng còi báo trận đấu kết thúc, Drogba tụ tập đồng đội rồi kéo một người quay phim của đài truyền hình quốc gia và gửi đi lời cầu khẩn tha thiết trên một chiếc micro: “Hỡi người dân Bờ Biển Ngà, từ miền nam đến miền bắc, từ miền đông sang miền tây, các bạn đã chứng kiến những điều chúng tôi làm. Chúng tôi đã chứng minh cho các bạn thấy rằng người Bờ Biển Nga có thể sống bên nhau, thi đấu cùng nhau hướng về một mục tiêu: giành vé dự World Cup. Thành công này sẽ giúp người dân cả nước có cơ hội siết chặt tay nhau ăn mừng. Bây giờ chúng tôi quỳ xuống cầu xin hãy để điều này trở thành hiện thực. Xin làm ơn hạ vũ khí, mọi thứ sẽ tốt hơn”.
Lời kêu gọi khẩn thiết và hình ảnh các cầu thủ “thế hệ vàng” của Bờ Biển Ngà được sinh ra ở miền nam (Drogba, Salomon Kalou), miền bắc (anh em Kolo và Yaya Toure), miền đông (Emmanuel Eboue)... quỳ gối lập tức mang lại hiệu ứng khi sự căng thẳng bạo lực dịu đi trên khắp đất nước.
Tại World Cup 2006, tuyển Bờ Biển Ngà không để lại nhiều dấu ấn khi bị loại sớm trong bảng đấu “tử thần” gồm Argentina, Đức và Serbia. Lời kêu gọi ngày nào chưa thể xóa bỏ mâu thuẫn giữa 2 miền bắc - nam, khiến đất nước trì trệ kinh tế, bạo lực vẫn âm ỉ. Và một lần nữa, “Những chú voi rừng” Bờ Biển Ngà tạo nên bước ngoặt mới cho hòa bình trên quê hương. Đó là vào tháng 6.2007, niềm tin vào sức mạnh bóng đá đã giúp Drogba và đồng đội thực hiện một quyết định chấn động thế giới: đề nghị Tổng thống Laurent Gbagbo cho trận đấu với Madagascar ở vòng loại CAN 2008 chuyển từ Abidjan (thành phố thường xuyên tổ chức các trận đấu của tuyển quốc gia) đến thi đấu tại Bouake, đại bản doanh của quân nổi dậy phía bắc.
Trước niềm tin của các tuyển thủ, tổng thống đồng ý và trận đấu sau đó đi vào lịch sử của bóng đá thế giới với chiến thắng 5-0 cho Bờ Biển Ngà. Nhờ trận cầu ấy, lần đầu tiên kể từ khi cuộc nội chiến nổ ra, thành viên quân đội chính phủ tiến vào thành lũy của quân nổi dậy. Hình ảnh binh sĩ chính phủ cùng quân nổi dậy hát vang bài quốc ca L'Abidjanaise thực sự mở ra một bước tiến dài cho sự hòa giải dân tộc ở Bờ Biển Ngà. Bởi sau đó quốc gia Tây Phi đi đến thống nhất 2 miền dưới sự điều hành của một chính phủ mới, đúng như một tiêu đề của báo giới địa phương: Năm bàn thắng xóa bỏ 5 năm chiến tranh.
Trong khi đó, với truyền thông quốc tế, thông điệp của 2 trận cầu lịch sử của tuyển Bờ Biển Ngà không những giúp quốc gia này bỏ lại sau lưng những năm tháng chia cắt đau thương mà còn giúp thế giới có cái nhìn tích cực và thiện chí hơn về châu Phi ở thời điểm lục địa đen lần đầu tiên đăng cai World Cup diễn ra tại Nam Phi vào năm 2010.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.