(HNM) - Từ tháng 1-2012, các đơn vị Thành đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP cùng Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) và Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đã phối hợp triển khai mạng lưới phân phối thực hiện chương trình bình ổn thị trường.
Hàng bình ổn giá tại siêu thị.
Theo Sở Công thương TP, tính đến nay, tổng số điểm bán hàng bình ổn giá trên toàn TP là 3.501, tăng 3.253 điểm so năm 2008. Chương trình cũng đã thực hiện được 377 chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng hóa đến với người tiêu dùng ở vùng sâu, vùng xa. Theo bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TP, điểm mới của việc triển khai thực hiện chương trình bình ổn giá năm 2012 là đưa hàng hóa vào các khu dân cư, khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN) sao cho người tiêu dùng được hưởng lợi. Để tạo điều kiện cho đông đảo thanh niên tham gia vào việc phát triển mạng lưới cung ứng hàng bình ổn, Thành đoàn TP đã trích quỹ hỗ trợ cho mỗi hồ sơ mở cửa hàng thanh niên tại một số quận, huyện với số tiền 60 triệu đồng. Ngoài ra, hơn 200 đoàn viên, thanh niên tại các quận, huyện còn được tập huấn kiến thức kinh doanh bán lẻ. Đến nay, Đoàn Thanh niên TP đã mở được gần 10 cửa hàng tiện ích Co.op Food do Liên hiệp HTX Thương mại TP quản lý. Đồng thời, tại các quận 6, 8, Tân Phú và huyện Nhà Bè cũng có 6 cửa hàng thanh niên do đoàn viên tại các quận, huyện liên kết với Saigon Co.op đi vào hoạt động. Hội phụ nữ các quận, huyện đã phối hợp với Saigon Co.op, phòng kinh tế các quận, huyện, ban quản lý các chợ và các HTX thương mại mở rộng 135 điểm bán trong các chợ truyền thống và 448 điểm bán trên địa bàn dân cư, KCX-KCN và các huyện ngoại thành. Chương trình cũng đã vận động hơn 100 hội viên hội phụ nữ các quận, huyện đăng ký mở cửa hàng bán lẻ. Hội viên đầu tư mở điểm bán được hỗ trợ vay 90 triệu đồng, đồng thời mỗi cửa hàng liên kết với Saigon Co.op đều được hỗ trợ đầu tư quầy kệ, hướng dẫn nghiệp vụ kinh doanh và được nợ tiền hàng 10 - 15 triệu đồng.
Không chỉ có vậy, Sở Công thương cũng đã chỉ đạo tập trung đưa hàng bình ổn giá vào các bếp ăn tập thể tại các KCX-KCN, doanh nghiệp có số lượng lao động lớn. Kết quả, đã có 7 bếp ăn tập thể (phục vụ 37.500 công nhân) tiếp nhận hàng bình ổn thị trường. Hiện tại đã có 13 điểm bán tại 10/14 KCX-KCN; Saigon Co.op đang làm thủ tục đầu tư xây dựng cửa hàng tiện lợi tại KCN Tây Bắc - Củ Chi; Công ty TNHH MTV Thời trang dệt may Việt Nam (Vinatex) đầu tư, xây dựng 3 cửa hàng bình ổn thị trường tại các nhà máy, xí nghiệp có số lượng công nhân lớn (Công ty May Bình Minh, Công ty May Nhà Bè, KCN Bình Chiểu) để phục vụ người lao động và nhân dân địa phương…
Nhiều doanh nghiệp tham gia bán hàng bình ổn giá cho rằng, thị trường biến động mạnh, đặc biệt là chi phí vận tải tăng cao theo giá xăng dầu đã gây khó khăn cho việc thực hiện chương trình, doanh nghiệp gặp bất lợi, ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả hàng hóa. Mạng lưới phân phối hàng bình ổn giá tại các quận, huyện ngoại thành, các KCX-KCN gặp khó do quy định mới về cấp giấy phép cho xe tải nên nhiều doanh nghiệp trong chương trình chưa được cấp giấy phép cho xe tải lưu thông vào giờ cao điểm, nên khó đưa hàng đến điểm bán đúng hẹn... Công tác bán hàng lưu động, tổ chức các phiên chợ công nhân tại địa bàn xa, khu công nhân lao động gặp nhiều khó khăn do chi phí vận chuyển tăng cao, sức mua hạn chế nên chủ yếu doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ chính trị, bảo đảm an sinh xã hội thay vì mục đích lợi nhuận.
Để làm tốt khâu đưa hàng bình ổn giá đến tay người tiêu dùng, các doanh nghiệp đề nghị ngành công thương sớm giải ngân để doanh nghiệp làm tốt hơn khâu sản xuất, tạo nguồn hàng và cung cấp hàng hóa. Đồng thời, các cơ quan chức năng của thành phố cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp thương mại, đầu mối ngành hàng làm tốt khâu phân phối, lưu thông thì người tiêu dùng mới dễ tiếp cận các mặt hàng bình ổn giá.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.