Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những thời khắc của lịch sử trong “Ði tìm một vì sao"

Trần Bảo Ðịnh| 17/04/2023 06:30

(HNNN) - Giữa lúc kháng chiến chống Mỹ đang hồi ác liệt, tác giả Phạm Quang Nghị (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội) rời giảng đường đại học vào chiến trường. Với nhiệt huyết tuổi thanh xuân và ngòi bút giàu cảm xúc, ông đã ghi lại những bước thăng trầm đời người cùng những năm tháng sống, chiến đấu của mình. “Đi tìm một vì sao” (NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2022) là ký ức sống động, hào hùng, vừa có giá trị tư liệu vừa có giá trị văn chương, thật đáng trân quý.

”Bìa cuốn sách “Đi tìm một vì sao”.

Tình nhà, nghĩa nước

Lớn lên ở một làng quê bên dòng sông Mã, quê nhà trong tâm tưởng Phạm Quang Nghị rất đỗi thân thương, bình dị. Những điều tưởng chừng đơn sơ, mộc mạc nhưng đọng lại trong tâm hồn suốt cuộc đời: “Từ giây phút đầu tiên cất tiếng khóc chào đời, chúng ta đã được hít căng lồng ngực những hương vị không thể nào quên của bầu không khí làng quê, phảng phất hương cau, hương bưởi; của mùi rạ mùi rơm được nắng; được lắng nghe những bản nhạc vô cùng thân thiết của làng quê qua tiếng gà gáy, tiếng chim hót rộn rã sớm mai; tiếng trâu bò lộc cộc về chuồng buổi tối và tiếng người gọi nhau ngoài ngõ xóm mỗi ngày”.

Những ai từng nếm trải cảnh bom đạn cày xới quê hương chắc sẽ hiểu nỗi lòng rỉ máu trước cảnh làng quê tang tóc, đổ nát: “Đi giữa ngôi làng thân thuộc của mình mà cứ ngỡ như tôi đang bước vào một nơi xa lạ... Cây cối gãy đổ ngổn ngang. Nhiều ngôi nhà đổ sập hoặc bị tốc mái. Những hố bom sâu hoắm cùng với bùn đất, gạch ngói vương vãi khắp nơi. Dọc triền đê người chết, người bị thương cùng với trâu, bò, lợn, gà chết la liệt”.

Qua những trang viết, người đọc thấm thía sự khốc liệt của chiến tranh và giá trị của hòa bình. Cũng bởi vậy, từ khi còn cắp sách đến trường, tác giả đã ý thức sâu sắc về vận mệnh quê hương đất nước, về nghĩa vụ và trách nhiệm “nam nhi vị liễu công danh trái”. Tình nhà, nghĩa nước kết tạo nhận thức thời đại ở tâm hồn ông. Phạm Quang Nghị quyết tâm lựa chọn chốn sa trường để được trọn nghĩa với đất nước.

Đất nước gian lao mà anh dũng

Đi vào cuộc chiến ở tuổi đôi mươi, tâm hồn Phạm Quang Nghị sục sôi nhiệt huyết và sự quyết tâm. Nhưng “chiến tranh không phải trò đùa”! Chiến tranh thực sự “đã khiến con người ta dạn dĩ, can đảm và tháo vát hơn”. Trui rèn qua bom đạn chiến trường, tâm hồn người trai trẻ như thép đã tôi, trưởng thành và dày dạn.

Qua lời kể, bạn đọc trẻ hôm nay phần nào hình dung được sự khốc liệt của chiến tranh. “Chiến tranh vô vàn tình huống khốc liệt, dù ai đó có giàu trí tưởng tượng đến đâu cũng không thể lường hết được những nỗi thống khổ kinh hoàng... Những cái chết luôn đến một cách bất ngờ, người sống và người chết đều không ai biết là sẽ chết”.

Thế nhưng, chiến tranh khốc liệt không làm người lính Phạm Quang Nghị sợ hãi, mà chỉ thổi bùng lên khát vọng hòa bình trong ông. Thường trực ở lằn ranh sống - chết, ông vẫn nhìn thấy hình ảnh đàn chim câu bay dưới bầu trời xanh nghiêng bóng nắng chiến hào: “Bầy chim nhởn nhơ chạy tung tăng trên con đường đỏ thẫm, theo bước những người chiến sĩ, vai vác súng, lưng mang bồng”.

Ý nghĩa hai chữ “gian lao”, “hy sinh” kỳ thực còn lớn hơn nội hàm vốn có của nó. Và, những khi lời nói không thể lột tả hết hình tượng đất nước trong chiến tranh, Phạm Quang Nghị đã cất lên tiếng thơ. Lời tự thuật xen lẫn nhiều bài thơ khiến cho câu chuyện vừa cụ thể vừa hàm súc, tái hiện một thời oanh liệt của một thế hệ đã cống hiến tuổi xuân cho đất nước: “Chiều về/ Khẩu AK nhấp nhô trên vai người chiến sĩ/ Bụi chiến trường nhuộm mỗi bước đi/ Từng khuôn mặt lấm lem đất đỏ/ Bộ đội trở về hăm hở/ Dắt theo lũ tù binh cúi mặt, cúi đầu/ Mặt trận ở phía sau/ Là đường về chiến thắng!” (“Phía sau mặt trận”).

Trực tiếp sống, chiến đấu giữa những năm tháng ác liệt, đất nước trong thơ của Phạm Quang Nghị (được ghi lại dưới hình thức nhật ký) hẳn nhiên không thiếu khí thế hào hùng, bất khuất. Song, điều đáng chú ý hơn chính là những mầm xanh trong tâm hồn thi ca Phạm Quang Nghị. Giữa cảnh bom đạn chết chóc, niềm tin mãnh liệt, yêu đời vẫn cháy bỏng. Có thể nói, bài thơ mở đầu với câu “Ơi dòng sông Bé miền Đông” là một bài thơ chân thực, xúc động và đẹp đẽ về mảnh đất Đông Nam Bộ “gian lao mà anh dũng”: “Ơi dòng sông Bé miền Đông/ Một dải xanh trong chảy qua miền thương nhớ.../ Đất giải phóng con sóng reo hớn hở/ Một dòng trôi lấp lánh nắng hè/ Thắng trận về lớp lớp quân đi/ Nao nức cả bờ tre xanh mát...”.

Một đặc điểm nổi bật trong nhật ký bằng thơ của Phạm Quang Nghị chính là không gian nghệ thuật khoáng đạt, tươi tắn, trong lành, gợi cảm thức náo nức, tin tưởng. Chẳng hạn như bài thơ “Lộc Ninh ta đó” tác giả viết sau khi rời Lộc Ninh về R: “... Giải phóng rồi/ Lộc Ninh giải phóng/ Mùng bảy tháng tư phố xá sáng màu cờ/ Nắng rất vàng cờ đẹp ngỡ trong mơ... /Bộ đội của mình chân đi dép lốp/ Súng trong tay/ Nụ cười nở trên môi/ Gương mặt trẻ trung/ Ánh mắt sáng ngời/ Thật đáng yêu và bình dị...”.

Mỗi nơi từng sống và chiến đấu đều lưu dấu ấn trong Phạm Quang Nghị. Những mảnh ghép đó hợp thành hình tượng đất nước rộng lớn. Trong đó, dấu ấn Đồng Tháp Mười chiếm dung lượng không nhỏ: “Mùa này đường dây băng qua Đồng Tháp Mười nước ngập trên dưới đầu gối... Máy bay địch nhằm vào những lối mòn mà xối đạn. Những khóm tràm bị bật gốc, đất đen bị cày nát, lội vào là thụt sâu”.

Tác giả không khỏi đau xót trước tình cảnh đất nước bị bom đạn tàn phá: “Mảnh đất vùng ven lộ 4 của Mỹ Tho tươi mát, màu mỡ là vậy mà giờ đây, người dân Tân Hội khó kiếm ra một thân cây trâm bầu dựng chòi hoặc bắc làm cầu ngang qua con mương nhỏ. Đêm về khuya, sâu thẳm, không một tiếng gà định khoảng thời gian. Quân thù đã bao lần vặn cổ những con gà cuối cùng trong xóm ấp. Chỉ có những ngọn đèn soi lối vào hầm tránh pháo thao thức trong đêm. Những quầng sáng lặng im đó nói với những người lần đầu về vùng ven bao điều sâu thẳm của sự chịu đựng gian lao và sự hy sinh, gan góc của người dân”.

Cách khắc họa của Phạm Quang Nghị thường xuất phát từ những chi tiết sinh động, tức thời. Rồi sau đó ông tô thắm trang viết bằng rung cảm, xúc động chân thành.

Tình người sâu nặng

Lời tự thuật của Phạm Quang Nghị không chỉ có âm vang hào hùng của chiến trận, mà còn hiện lên một cách bình dị, chân thực hình tượng đất nước, nhất là hiện lên cùng những con người đầy nghị lực và ý chí kiên cường. “Về R, có những phút ngồi trên cánh võng đung đưa, ngước nhìn lên khung trời, với những tán cây nắng loang trên ngọn lá, tôi lại nhớ Bù Đốp, nhớ Lộc Ninh. Nhớ dòng sông Bé miền Đông, nhớ người con gái có tên là Tằm, là y tá nhưng hằng ngày em vẫn băng rừng, vượt suối tham gia đi tải gạo cùng các anh trong đơn vị. Mái tóc xanh dài ướt đẫm mồ hôi. Em bước thoăn thoắt trên con đường rừng quanh co, nhỏ hẹp với chiếc bồng gạo nhấp nhô trên lưng”.

Suốt hành trình kháng chiến, ở mỗi nơi Phạm Quang Nghị lại có kỷ niệm riêng và ghi nhớ đặc trưng vùng đất, con người nơi ấy. Dẫu sức vóc nhỏ bé nhưng họ đã góp phần làm cho hình ảnh đất nước trở nên vĩ đại, lớn lao. Đó là những em giao liên tuổi chừng 15 - 16, là những cán bộ, du kích vùng ven thông minh, gan dạ và rất nhiều những con người bình thường khác đã góp sức vào tượng đài đất nước.

Đất nước thống nhất, Phạm Quang Nghị và những người cùng thế hệ với ông đã hoàn thành trách nhiệm lịch sử - thời đại, trách nhiệm của một thanh niên đối với đất nước. “Hình ảnh ngày đi và ngày về không khác nhau là mấy. Có khác chăng chiếc ba lô của tôi hôm nay nhẹ hơn chiếc ba lô ngày vượt Trường Sơn. Và nó đã bạc màu theo năm tháng”. Và không ai có thể ngờ, trong chiếc ba lô đã bạc màu chiến trận, cái quý giá nhất lại là những cuốn nhật ký chiến trường, là rất nhiều nghĩa tình sâu nặng, vấn vương!

“Tự kể chuyện mình” nhưng thực ra Phạm Quang Nghị đã kể chuyện người, chuyện bạn bè, đồng chí, chuyện người dân miền Nam đánh giặc... Rõ hơn, ông muốn kể lại những năm tháng không thể nào quên trong đời chiến binh, như niềm thôi thúc viết những gì cần phải viết, như chính lời ông tâm sự, mong được phần nào trả nợ ân tình sâu nặng những năm tháng xưa.

Chỉ chiếm một phần nội dung cuốn sách, nhưng ký ức về những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã được ngòi bút Phạm Quang Nghị tái hiện một cách sống động và hào hùng. Và như nhận định của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, cuốn tự truyện như bộ hồ sơ cá nhân của một con người. Là lịch sử của một con người nhưng từ đó người đọc thấy những thời khắc của lịch sử dân tộc. Đồng hành cùng dân tộc trong những biến động lớn của lịch sử, từ những năm tháng chiến tranh cho đến những năm tháng hòa bình, mỗi ngày của ông đều chứa đựng một phần những sự kiện của đất nước và trong những sự kiện của đất nước có đời sống cá nhân ông. Đấy chính là sự hấp dẫn và là giá trị của cuốn tự truyện “Đi tìm một vì sao”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những thời khắc của lịch sử trong “Ði tìm một vì sao"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.