(HNM) - Ngày 1-4, sau khi di chuyển vào vùng bờ biển các tỉnh Bình Thuận - Bà Rịa Vũng Tàu, bão số 1 nhanh chóng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Rạng sáng nay (2-4), vị trí trung tâm của áp thấp nhiệt đới đã sang địa phận Campuchia.
Theo báo cáo nhanh của Trung tâm Phòng, chống lụt bão khu vực miền Nam, đã có ít nhất gần 1.000 ngôi nhà, trường học bị sập đổ, tốc mái, hư hỏng, 2 người bị chết, hàng nghìn hécta lúa, hoa màu bị ngập úng, do ảnh hưởng của bão lũ. Thiệt hại về kinh tế đối với người dân Nam Trung bộ chưa được thống kê.
Tại tỉnh Ninh Thuận, mưa to gió lớn đã khiến một người bị cuốn trôi. Sóng lớn cũng đã đánh chìm tàu cá số hiệu NT 90434TS do ông Phạm Văn Nhiên, thôn Lạc Nghiệp 1, xã Cà Ná, huyện Thuận Nam, khi đang neo đậu tránh trú bão tại cảng cá Cà Ná. Hiện Ninh Thuận chưa thống kê được thiệt hại về kinh tế do bão lũ gây nên.
Tại tỉnh Bạc Liêu, mưa to mấy ngày qua đã nhấn chìm gần 10 nghìn hécta lúa đông xuân chuẩn bị thu hoạch của các huyện Hồng Dân, Phước Long, Giá Rai, Vĩnh Lợi. Ngoài thiệt hại về lúa, mưa lớn kéo dài còn làm mất trắng hơn 3.000ha muối đang trong giai đoạn kết tinh, 24 ngôi nhà của dân cũng bị tốc mái, một người dân bị sét đánh chết. Tổng thiệt hại do ảnh hưởng bão số 1 tại Bạc Liêu ước tính lên đến hàng chục tỷ đồng…
Thông tin từ Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Bình Thuận, trong ngày 1-4, sóng lớn gây sạt lở tạo hàm ếch tại tuyến đường Trần Lê (phường Đức Long, TP Phan Thiết). UBND TP Phan Thiết đã điều động lực lượng và vật tư (300 bao cát và 4 xe đá) để khắc phục. Tại thị xã La Gi, gió giật làm tốc mái 4 trường học. Tại Phú Yên, lốc xoáy xảy ra sáng 1-4 tại xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa, làm tốc mái và hư hỏng 3 ngôi nhà ở thôn Phú Thọ 2 nhưng không có người thương vong. Đến 17h cùng ngày, hơn 2.000ha lúa đông xuân chuẩn bị thu hoạch đã bị ngập úng. Mưa lớn cũng gây ngập úng cục bộ một số nơi ở tỉnh Khánh Hòa. Tại thị xã Ninh Hòa, mưa to đã làm gần 1.000ha lúa ngã đổ.
*Tại TP Hồ Chí Minh đến 19h ngày 1-4 đã có mưa vừa đến mưa to. Đến đầu giờ chiều 1-4, các lực lượng bộ đội, dân quân, đơn vị cứu nạn cứu hộ, thanh niên xung phong đã chuyển hàng trăm bao cát, dây thừng xuống các khu vực ven biển như bến Cầu Đò, Cầu Đen, bãi tắm 30-4, chợ thị trấn và công viên huyện Cần Giờ để gia cố nhà cửa, biển báo. Tại xã đảo Thạnh An, phần lớn người dân đã được di dời vào nhà thiếu nhi, trung tâm văn hóa, nhà thi đấu… của huyện, chỉ còn lực lượng bộ đội, dân quân, cảnh sát và một số đoàn viên thanh niên ở lại trông coi tài sản và tiếp tục che chắn nhà cửa, cầu cảng. UBND huyện Cần Giờ đã chuẩn bị hơn 800 thùng mì, 1.500 bình nước uống, 50 thùng xúc xích và 500 chăn ấm và gần 7.000 suất ăn trong ngày bão đổ bộ để cứu trợ cho người dân.
Trong ngày 1-4, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN TP đã kiểm tra, đôn đốc công tác ứng phó bão tại các quận, huyện xung yếu ở các quận 2, quận 4, quận 7, quận 8, quận 9, quận Bình Thạnh, quận Bình Tân, quận Thủ Đức, huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè. Do ảnh hưởng của gió kèm theo mưa lớn, lúc 13h ngày 1-4, khung giàn giáo của công trình xây dựng thang máy tại trung tâm mua sắm cao 7 tầng trên đường Võ Văn Ngân (phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức) đã bất ngờ đổ ập xuống, nhưng không có thương vong. Lãnh đạo UBND phường và lực lượng công an, dân phòng, bảo vệ khu phố đã có mặt tại hiện trường khắc phục hậu quả.
Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ dự báo đợt mưa tại TP Hồ Chí Minh và các địa phương chịu ảnh hưởng của bão sẽ tương đối lớn, phổ biến từ 50-70 mm, ở vùng tâm mưa có thể lên đến trên dưới 200mm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.