Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những số liệu kinh hoàng

Tùng Linh| 29/04/2011 07:13

(HNM) - Nhóm bác sỹ, chuyên gia của Khoa Thực phẩm - Vệ sinh an toàn thực phẩm (Viện Dinh dưỡng) đã nghiên cứu trên 61 trẻ từ 24 đến 36 tháng tuổi ở 4 phường, thuộc các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Kết quả vừa được công bố ngày 27-4 rất đáng lo ngại.


Bữa ăn của trẻ nhỏ không bảo đảm an toàn do hiện nay thực phẩm bị nhiễm độc tố. Ảnh: Huyền Linh


Nghiên cứu được các chuyên gia thực hiện từ tháng 3-2009 đến 3-2010. Kết quả phỏng vấn các bà mẹ cho thấy có 12 loại thực phẩm được sử dụng hằng ngày gồm gạo, rau muống, thịt lợn, thịt bò, thịt gà, tôm rảo, cam, quýt, cà chua, trứng gà, sữa bột và sữa tươi. Chuyên gia dinh dưỡng đã lấy mẫu theo danh sách này, mỗi loại thực phẩm lấy 4 mẫu, ở các chợ: Hào Nam, Hôm, Hàng Bè, Thành Công. Trong 12 loại thực phẩm trên, chỉ có trứng gà là chưa có quy định mức tối đa cho phép về lượng chì, cadmi và asen, 11 loại còn lại đều đã có trong danh mục được Bộ Y tế ban hành năm 2007.

Kết quả xét nghiệm vừa được công bố ngày 27-4 cho thấy, thực phẩm có số mẫu vi phạm quy định của Bộ Y tế về ô nhiễm chì cao nhất là thịt lợn (5/8 mẫu), sau đó đến gạo (5/12 mẫu), rau muống (2/4 mẫu), tôm rảo, cam và quýt (1/4 mẫu); trong đó thịt lợn có hàm lượng chì 0,657 mg/kg, rau muống có hàm lượng 0,401 mg/kg. Ô nhiễm cadmin cao nhất ở gạo (3/12 mẫu), thịt lợn (2/8 mẫu), thịt bò (2/4 mẫu); các thực phẩm khác đều có mẫu vi phạm. Hàm lượng cadmin trong thịt lợn nạc là 0,965 mg/kg, trong thịt bò thăn là 0,596 mg/kg, trong thịt gà là 0,054 mg/kg, trong gạo tẻ là 0,206 mg/kg. Riêng trứng gà, trong 4 mẫu phân tích có 1 mẫu có hàm lượng cadmi cao hơn 1,0 mg/kg. Chỉ có chỉ tiêu asen là không có thực phẩm nào vi phạm quy định, riêng sữa vẫn có asen nhưng dưới giới hạn cho phép.

Về các kim loại nặng có độc tính như chì, cadmi, asen, năm 1999 WHO/FAO đã đưa ra giới hạn tối đa ăn vào hằng ngày (PTDI) và hằng tuần (PTWI) theo trọng lượng cơ thể nhằm bảo đảm an toàn cho sức khỏe con người. Với tần suất tiêu thụ thực phẩm hằng ngày, hằng tuần (nhóm thực phẩm ăn hằng ngày bao gồm gạo, sữa, cam với lượng trung bình là 226,2g/trẻ/ngày và 70,7g sữa bột/trẻ/ngày; nhóm thực phẩm hằng tuần gồm thịt lợn nạc với lượng trung bình 167,6g/trẻ/tuần và trứng gà 72,7g/trẻ/tuần) và thực tế lượng chì, cadmi, asen phân tích trong thực phẩm như trên, nhóm nghiên cứu đánh giá nguy cơ lượng cadimi vào cơ thể trẻ hằng ngày chủ yếu từ gạo tẻ tới 358% mức quy định cho phép, từ sữa bột là 31% và từ nước cam là 15,6%; lượng chì đưa vào cơ thể trẻ hằng ngày chủ yếu qua gạo tới 57% và nước cam là 10,6% mức quy định cho phép. Những con số này cho thấy bữa ăn của trẻ hiện nay không bảo đảm an toàn.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, tình trạng ô nhiễm độc tố trong thực phẩm gây ra kích thích hoặc gây ung thư, rối loạn chức năng gan, mật, mất cân bằng hormone, hạn chế hệ thống miễn dịch, bệnh sừng hóa, ảnh hưởng xấu đến trí não… Nhóm nghiên cứu kiến nghị sớm có biện pháp bảo vệ môi trường đất, khuyến khích nông dân thực hiện GAP - thực hành nông nghiệp tốt và GMP - thực hành sản xuất tốt trong nuôi trồng, chế biến thực phẩm nhằm giảm thiểu ô nhiễm, đặc biệt là cadmi và chì trong thực phẩm. Bộ Y tế cần bổ sung một số tiêu chuẩn quy định lượng chì, cadmi và asen trong trứng gà vì đây là loại thường có trong bữa ăn hằng ngày của trẻ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những số liệu kinh hoàng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.