Ba Lan vừa công bố nội dung những đoạn hội thoại trong buồng lái của chiếc phi cơ chở tổng thống và quan chức cao cấp nước này gặp nạn hồi tháng 4.
Xác chiếc phi cơ Ba Lan tử nạn. Ảnh: AP. |
Ba Lan vừa công bố nội dung những đoạn hội thoại trong buồng lái của chiếc phi cơ chở tổng thống và quan chức cao cấp nước này gặp nạn hồi tháng 4.
Nội dung này được đăng trên trang web của Bộ Nội vụ Ba Lan hôm qua. BBC cho biết hệ thống trên máy bay liên tục yêu cầu phi công lấy lại độ cao. Tiếng phi công chửi thề cũng được hộp đen của máy bay ghi lại.
16 phút trước tai nạn, các nhà kiểm soát không lưu của Nga cũng cảnh báo phi công Ba Lan về tình hình thời tiết. Khi đó, sân bay ở Smolensk, nơi mà đoàn đại biểu Ba Lan định hạ cánh xuống, dày đặc sương mù.
"Cảm ơn các vị. Nếu có thể, chúng tôi vẫn sẽ cố hạ cánh. Nhưng nếu thời tiết không thuận lợi, chúng tôi sẽ chờ thử lần hai", cơ trưởng trên chiếc Tupolev-154 nói.
Khoảng 15 phút trước tai nạn, các phi công thông báo với Vụ trưởng lễ tân của Bộ Ngoại giao Mariusz Kazana rằng máy bay không thể hạ cánh. "Vậy thì chúng ta gặp rắc rối rồi", vị quan chức này nói.
10 phút sau đó, Kazana nói với phi công: "Tổng thống vẫn chưa quyết định sẽ làm thế nào".
Theo hãng tin Reuters, ba phút trước khi hạ cánh, một người không rõ danh tính nói: "Ông ấy/bà ấy sẽ khó chịu nếu ...".
Tuần trước, các nhà điều tra cho biết Tư lệnh không lực Ba Lan Andrezj Blasik là một trong "hai người lạ" có mặt tại khoang lái trước khi máy bay rơi. Họ cho biết không có bằng chứng tướng Blasik gây áp lực buộc phi công hạ cánh trong thời tiết xấu.
Các nhà điều tra Nga đã giao hai hộp đen cho cộng sự Ba Lan hôm 31/5.
Máy bay Tupolev-154 gặp nạn hôm 10/4 tại Smolensk ở miền tây nước Nga. Tổng thống Ba Lan Lech Kaczynski và 95 quan chức cao cấp của nước này đã thiệt mạng. Họ đang trên đường tới dự lễ tưởng niệm vụ thảm sát Katyn năm 1940, khi đó, hơn 20.000 người Ba Lan bị giết hại.
Sau thảm họa, nhiều người cho rằng hành khách - có thể bao gồm cả tổng thống - đã gây áp lực buộc phi hành đoàn hạ cánh xuống Smolensk. Giới chức Ba Lan khi đó cho biết không có bằng chứng cho thấy những nghi ngờ trên là sự thật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.