Sau khi thông xe, hai nhánh cầu vượt thép Mai Dịch sẽ phục vụ xe lưu thông trong nội đô, còn lại phần cầu vượt cũ chỉ dành cho xe đi trên Vành đai 3 trên cao, đảm bảo phương tiện chạy 80km/h toàn tuyến.
Ghi nhận chiều 2-4 cho thấy, sau hơn một năm thi công, dự án xây dựng hai đơn nguyên cầu đô thị tại nút giao Mai Dịch (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã cơ bản hoàn thiện các hạng mục như thảm mặt đường, lắp đặt hệ thống lan can, dải phân cách giữa và đèn chiếu sáng.
Theo phương án được phê duyệt, mỗi bên cầu vượt Mai Dịch sẽ được xây dựng một đơn nguyên cầu đô thị rộng 7,75m với 2 làn xe, còn lại là dải an toàn và bó vỉa.
Về mặt kỹ thuật, hai đơn nguyên cầu đô thị được xây dựng là cầu vĩnh cửu kết cấu dầm thép bản mặt bêtông cốt thép liên hợp, tĩnh không đường dưới cầu 4,75m, tĩnh không trên cầu là 4,75m.
Đây là hạng mục bổ sung của dự án Vành đai 3 trên cao Nam Thăng Long - Mai Dịch, có tổng mức đầu tư 342 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án Thăng Long, Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư.
Hai dải cầu vượt thép được kỳ vọng giải quyết tình trạng tắc nghẽn ở nút giao Mai Dịch, thúc đẩy thông thương, vận tải hành khách, hàng hóa giữa trung tâm với khu vực phía Tây, phía Bắc Thủ đô và vùng lân cận.
Theo Ban Quản lý dự án Thăng Long, dự án xây dựng hai cầu vượt thép tại nút giao Mai Dịch đến nay đã hoàn thành việc thi công.
Trong 1-2 tuần tới đây, các cơ quan hữu trách như chủ đầu tư, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội… sẽ khảo sát, nghiệm thu và tổ chức phương án đi lại, đưa hai đơn nguyên cầu đô thị vào sử dụng.
Theo phương án tổ chức giao thông của dự án, sau khi thông xe, phần cầu vượt cũ sẽ chỉ dành cho xe đi trên Vành đai 3 trên cao, đảm bảo phương tiện chạy 80km/h toàn tuyến (hiện nay xe đang chạy hỗn hợp và tốc độ trong khu đô thị - dưới 50km/h).
Với hai làn xe ở cầu vượt thép vừa được xây dựng ở hai bên cầu vượt Mai Dịch, dự kiến sẽ được tổ chức thành hai làn xe hỗn hợp (gồm ô tô, xe máy) lưu thông trong khu vực đô thị.
Ngoài ra, hai nhánh cầu vượt thép mới xây dựng cũng cấm người đi bộ, xe đạp, xe thô sơ đi qua.
Để thực hiện việc tổ chức giao thông này, đơn vị thi công đã lắp đặt biển báo, sơn vạch kẻ đường ở hai đầu cầu. Phía dưới nút giao Mai Dịch cũng đã được thực hiện cải tạo, bố trí lại các cột đèn tín hiệu phục vụ công tác tổ chức lại giao thông.
Theo ghi nhận, dải phân cách ở gầm cầu Mai Dịch cũng vừa được mở rộng, lát gạch phù hợp. Các vị trí này đang được sở, ngành của thành phố Hà Nội lên phương án để bố trí điểm trông xe phục vụ tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đi vào hoạt động từ tháng 7.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.