Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những nút thắt cần tháo gỡ

Quỳnh Dung| 17/04/2010 05:43

(HNM) - Huyện Thanh Trì đã và đang tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, mang lại thu nhập cao cho người nông dân. Thanh Trì chủ yếu tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản, trồng rau an toàn (RAT), cây ăn quả chất lượng cao và cây cảnh. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của Thanh Trì khi phát triển nông nghiệp là thiếu nước và vấn đề dồn điền đổi thửa (DĐĐT) khó khăn.

Hiện nay, diện tích trồng rau của Thanh Trì có hơn 1 nghìn hécta, chiếm 1/3 diện tích đất nông nghiệp của huyện, tập trung ở các xã Yên Mỹ, Duyên Hà, Vạn Kim, Thanh Liệt, Hữu Hòa, Tam Hiệp, Liên Ninh, Vĩnh Quỳnh, Tứ Hiệp... Huyện và các xã chú trọng vào quy hoạch xây dựng các vùng RAT quy mô lớn, tạo ra tiềm năng phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Từ năm 2005, Thanh Trì đã xây dựng mô hình sản xuất RAT gắn với thương hiệu quản lý chất lượng bằng mã vạch trên diện tích 7ha tại xã Yên Mỹ, cho hiệu quả cao. Năm 2010, Thanh Trì nhân rộng mô hình sản xuất RAT có thương hiệu, quản lý bằng mã vạch với diện tích 200ha.

Một trang trại nuôi trồng thủy sản tại xã Đông Mỹ (huyện Thanh Trì). Ảnh: Trung Kiên

Bên cạnh việc phát triển các mô hình trồng RAT bảo đảm chất lượng, Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các xã ở vùng trũng chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản (NTTS). Hiện nay, huyện có hơn 800ha mặt nước NTTS tập trung ở các xã Đông Mỹ, Đại Áng, Tả Thanh Oai, Tứ Hiệp. Các mô hình NTTS đều cho hiệu quả cao, thu nhập gấp 4-5 lần so với cấy lúa, đặc biệt sản phẩm thủy sản ở Đông Mỹ đã được đăng ký thương hiệu thủy sản an toàn đầu tiên ở Hà Nội, tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm.

Mặc dù đã có những bước tiến đáng kể trong việc nâng cao giá trị đất canh tác trên một đơn vị diện tích nhưng theo ông Dương Đức Le, Trưởng phòng Kinh tế huyện, khó khăn lớn nhất đối với các khu vực chuyển đổi hiện nay chính là việc DĐĐT tích tụ ruộng đất vì người dân đang có xu hướng không muốn chủ trang trại thuê đất rồi trả tiền theo hằng năm mà muốn đền bù GPMB một lần như làm đô thị. Điều này là rất khó vì nông dân làm trang trại không có nhiều vốn để có thể đầu tư một lần. Chính sách về hạn điền cũng chưa khuyến khích nông dân tích tụ ruộng đất để phát triển kinh tế trang trại, thời hạn thuê, đấu thầu đất ngắn gây khó khăn cho nông dân khi muốn đầu tư mở rộng sản xuất.

Anh Quán Văn Thuận, một chủ trang trại nuôi thủy sản ở xã Tứ Hiệp cho rằng, hiện nay chính sách thuê, đấu thầu đất công còn chưa thỏa đáng, UBND xã chỉ có quyền ký hợp đồng thuê tối đa 5 năm, nếu như đầu tư cho thủy sản như gia đình anh sẽ gặp nhiều khó khăn. Anh muốn đầu tư xây kè ao, đường giao thông vào khu nuôi trồng thủy sản để thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, nhưng không dám đầu tư bởi nếu hết thời hạn sợ sẽ không trúng thầu tiếp. Trong khi đó, anh Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện cho biết, hiện tại nguồn nước tưới cho nông nghiệp của huyện cũng còn rất khó khăn, chỉ có 3 xã ở vùng bãi lấy nước từ sông Hồng còn lại chủ yếu lấy từ sông Nhuệ, sông Tô Lịch và các ao hồ tự nhiên mà nguồn nước từ các dòng sông này đều đang bị ô nhiễm nặng, nên gây khó khăn trong phát triển các vùng RAT, NTTS. Nhiều tuyến sông, trục lòng sông trên các địa bàn Thanh Trì bị bồi lắng, không được nạo vét thường xuyên, lại phải đón nhận nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp khiến nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Một khi những nút thắt này chưa được tháo gỡ thì những chủ trương chuyển đổi phương thức canh tác cho hiệu quả và phù hợp với tình hình địa phương sẽ khó đạt hiệu quả tốt nhất.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những nút thắt cần tháo gỡ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.