Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những nông dân - nghệ sĩ tuồng Dương Cốc

Thiện Mỹ| 06/03/2016 06:16

(HNM) - Cuộc sống còn bộn bề khó khăn nhưng những nghệ sĩ - nông dân thôn Dương Cốc, xã Đồng Quang (Quốc Oai) vẫn mang trong mình niềm đam mê hát tuồng cháy bỏng. Không chỉ đơn giản là được hát, được diễn, hơn nửa thế kỷ qua họ lặng thầm lưu giữ vốn văn hóa truyền thống.


Đam mê giữ “lửa”

Đến đầu làng Dương Cốc, người làng nói: Ở đây ai cũng biết hát tuồng, nhưng "cây đa, cây đề" thì chị phải gặp ông chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB), mọi người gọi ông ấy là "ông Lý tuồng". Chúng tôi cũng gặp được ông Nguyễn Văn Lý dù trong những ngày đồng ruộng vào thời vụ vô cùng bận rộn, ngoài cương vị là Chủ nhiệm CLB tuồng Dương Cốc, ông còn là Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Dương Cốc. Câu chuyện về hát tuồng đầu xuân với ông trở nên rôm rả. Không biết tự bao giờ, chỉ biết lớn lên đã thấy người trong làng say mê ca hát. Quan họ, cải lương, chèo… đủ cả. Năm 1965, HTX Nông nghiệp Dương Cốc thành lập đội văn nghệ chuyên hát chèo để phục vụ nhân dân những dịp lễ, Tết. Rồi năm 1967, làng quê đón một số cơ quan chuyên hoạt động văn hóa nghệ thuật, các đoàn văn công về làng sơ tán. Nhận thấy niềm đam mê nghệ thuật của người dân nơi đây, nhiều nghệ sĩ, diễn viên Đoàn tuồng Liên khu V đã giảng dạy, hướng dẫn người dân hát tuồng.

Ngày tháng trôi, các giai điệu, các tích tuồng cứ thế ngấm vào máu thịt dân làng Dương Cốc. Thế rồi đội hát chèo được chuyển thành CLB tuồng Dương Cốc. Những năm bảy mươi của thế kỷ trước, cả làng đều biết hát tuồng. Những khái niệm cơ bản về hát tuồng, về những làn điệu, cách phục trang, vẽ mặt… người dân ở đây đều hiểu và nắm chắc. CLB chuyên hát tuồng Nam và hát tuồng cổ, tuồng truyền thống, tuồng lịch sử. Các nhân vật chính do những thành viên CLB đảm nhiệm. Người làng quen thân với nhau, nhưng khi hóa thân vào nhân vật, những diễn viên làng vẫn được chào đón nồng nhiệt, người làng vẫn nô nức đến xem, đám trẻ thì háo hức ra trò… Những tháng ngày ấy, kể cả lúc nửa đêm gà gáy, mỗi khi các thành viên nghĩ ra được tích tuồng hay, một làn điệu mới lại ra đình đánh trống, tập hợp người hát tuồng đến tập luyện. Họ không ngại thời gian, không suy bì… chỉ một lòng với tuồng. Đó chính là niềm tự hào của người dân Dương Cốc, hát tuồng không chỉ là đam mê, mà đó còn là nét đẹp văn hóa người dân đang gìn giữ từng ngày.

Một buổi biểu diễn tuồng trong ngày đón danh hiệu Làng văn hóa lần 2 tại Dương Cốc. Ảnh: Quốc Oai


Với những thách thức của thời kinh tế thị trường, duy trì hoạt động của CLB tuồng không đơn giản. Ông Nguyễn Văn Lý cho biết: CLB hiện chỉ còn 25 người, đang ở giai đoạn "già hóa dân số" bởi người trẻ tuổi đã ngoài 50 và người cao tuổi cũng ngoài 80. Suốt 50 năm qua, người Dương Cốc vẫn đam mê nghệ thuật tuồng, nhưng do không được đầu tư, không được ghi nhận nên không ít người chán nản… Cuối năm 2014, 10 thành viên trong CLB tuồng đã được Hội đồng thẩm định cấp thành phố xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú và đề nghị Hội đồng thẩm định cấp Trung ương xét nhưng đến nay chưa ai được. Người cống hiến cho loại hình nghệ thuật này nhiều cũng 60 năm, ít cũng khoảng 40 năm… Không biết trong số ấy ai còn đủ kiên nhẫn chờ danh hiệu Nghệ nhân ưu tú? Có ai biết rằng, ban ngày họ lấm lem với bùn đất, lăn lộn với mưu sinh, đến tối đêm, những ông già, bà lão như chúng tôi mới lại gặp nhau, tập luyện để phục vụ bà con, phục vụ các hội thi, hội diễn?

Trăn trở với tuồng Dương Cốc

Tận mắt chứng kiến nơi hội họp, tập luyện của những nghệ sĩ làng, tôi vô cùng nể phục. Trụ sở HTX Nông nghiệp Dương Cốc chật chội, cũ mốc, nguyên trạng từ thời kinh tế tập thể vẫn là nơi luyện tập của CLB suốt hàng chục năm qua. Không phục trang, đạo cụ, không có kinh phí để hoạt động, sân khấu biểu diễn cũng chỉ có thể gọi là có mà thôi vì thôn Dương Cốc chưa có nhà văn hóa. Mỗi khi có đợt biểu diễn, CLB lại xoay đủ kiểu để có tiền lo thuê đạo cụ, trang phục… Nói đến việc này, ông Lý buồn rầu: "Nhiều lúc cũng thấy tủi, nhưng vì phong trào, vì muốn thổi lên niềm đam mê cho các thành viên và cũng muốn lưu giữ tiếng thơm cho tuồng Dương Cốc, chúng tôi phải chấp nhận, gác lại những nhọc nhằn. Dù sao cũng không uổng công vì tham gia các hội diễn, CLB đều mang được giải về. Gần đây nhất, trong đợt tham dự Liên hoan tác phẩm sân khấu của tác giả Tống Phước Phổ (tổ chức từ ngày 24-9 đến 4-10-2015 tại Đà Nẵng), CLB tuồng Dương Cốc đã được Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tặng Bằng khen vì có đóng góp tích cực cho thành công của Liên hoan; CLB đoạt giải A và 5 cá nhân đoạt giải vàng, bạc…". Ông Lý nói: Chúng tôi chỉ có 20 ngày để luyện tập cho vở diễn "Ngọn lửa Hồng Sơn" nhưng với quyết tâm rất lớn, nhiều người đã gác lại việc riêng, dành thời gian cho nghệ thuật. Vợ chồng nghệ sĩ Thanh Lực, Ngọc Khánh, ngày nào cũng 19h30 mới ở nội thành Hà Nội về, tập luyện đến nửa đêm lại vội vàng quay ra để sớm mai còn trông cháu cho các con yên tâm đi làm. Cụ Nguyễn Ngọc Bỉnh tuy đã 83 tuổi nhưng vẫn là nhạc trưởng của CLB. Cụ vận động các con trai, gái, dâu, rể cùng tham gia. CLB còn có những con người tài hoa, luôn hết mình vì tuồng như cụ Nguyễn Hữu Thiết. Bính Thân này cụ đã 75 tuổi nhưng vẫn là nhạc công chính, ngoài ra cụ còn kiêm luôn công việc của họa sĩ khi là người vẽ phông cảnh và làm các loại đạo cụ phục vụ biểu diễn mà không đòi hỏi gì. Hiện nay, gia đình cụ cũng có 2 người con gái tham gia CLB là Tố Uyên và Thanh Nga…

Những người ở Dương Cốc chúng tôi gặp đều mộc mạc, chân chất nhưng lúc nào cũng đau đáu nỗi niềm: Làm sao gây dựng được thế hệ hát tuồng mới cho Dương Cốc khi loại hình nghệ thuật này đang đứng trước nguy cơ mai một? Đây là vấn đề không đơn giản, đặc biệt trong bối cảnh các loại hình nghệ thuật hiện đại lấn át nghệ thuật truyền thống và những thành viên trong CLB tuồng mỗi ngày lại thêm tuổi? Vốn là người gắn bó với tuồng Dương Cốc từ khi CLB được thành lập, đạo diễn Lưu Ngọc Nam trăn trở: Có thể nói, CLB tuồng Dương Cốc là một trong những "con chim đầu đàn" về bộ môn sân khấu dân tộc, cụ thể là bộ môn tuồng. Ở phía Bắc, CLB tuồng Dương Cốc là một điển hình, có bề dày cả thời gian và chuyên môn. Họ được đào tạo khá bài bản, chuyên sâu về lý luận sân khấu, nắm vững nghiệp vụ, được huấn luyện kỹ càng. Chính vì thế, khi CLB tham gia hội diễn ở phía Nam, chính các anh ở Nhà hát tuồng Đào Tấn (Bình Định), Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng)… cũng thừa nhận: "Mấy chục năm mới nghe được chất tuồng nguyên bản, nguyên gốc hay như thế". Tuồng Dương Cốc chính là di sản riêng, độc đáo ở làng quê, rất cần được giữ gìn, phát huy. Tôi cũng như nhiều nghệ sĩ khác vẫn mong chờ chính sách của Nhà nước để làm sao vốn quý của tuồng được lưu truyền, để nghệ thuật truyền thống ấm áp mỗi làng quê như Dương Cốc…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những nông dân - nghệ sĩ tuồng Dương Cốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.