(HNM) - Sau thời gian dài điều tra và thu thập bằng chứng, cảnh sát Anh vừa bắt giữ một băng nhóm buôn người và triệt phá đường dây nô lệ thời hiện đại. Vụ án này được đánh giá là lớn nhất từ trước đến nay tại Anh, thậm chí là ở châu Âu. Những kẻ cầm đầu đường dây gồm 5 người đàn ông và 3 phụ nữ đã bị kết án tổng cộng hơn 50 năm tù.
Cuộc điều tra quy mô lớn bắt đầu thực hiện từ tháng 2-2015, sau khi có 2 nạn nhân trốn thoát khỏi nơi giam giữ và được Tổ chức từ thiện Hope for Justice giúp đỡ. Cảnh sát ước tính có khoảng 400 nạn nhân với độ tuổi từ 17 đến ngoài 60, hầu hết được đưa đến Anh từ Ba Lan.
Họ được hứa hẹn những công việc mang lại thu nhập cao, nhưng sau đó lại bị ép làm việc tại các trang trại, trung tâm tái chế rác thải và nhà máy chế biến gia cầm tại vùng West Midlands. Các nạn nhân nhận mức lương ít ỏi là 20 bảng Anh (tương đương 600.000 đồng) mỗi tuần, phải làm việc tới 13 giờ mỗi ngày và bị ép nộp lại phần lớn số tiền kiếm được cho những kẻ buôn người.
Đại diện cơ quan điều tra cho biết, băng nhóm tội phạm này đối xử với các nạn nhân như những món hàng để phục vụ cho cuộc sống xa hoa của chúng. Họ bị giam lỏng trong những khu nhà tồi tàn, thậm chí không có nhà vệ sinh và lò sưởi vào mùa đông.
Một số nạn nhân phải giặt giũ, tắm rửa bằng nguồn nước từ kênh rạch bị nhiễm bẩn và ăn thức ăn đã hết hạn sử dụng. Nếu có hành động phản kháng hay tìm cách bỏ trốn, họ sẽ bị đánh đập và bị đe dọa rằng những người thân trong gia đình sẽ bị tấn công để trả thù. Các nạn nhân cũng bị theo dõi liên tục để bảo đảm không thể trốn thoát. Với thủ đoạn như vậy, băng nhóm này đã kiếm được hơn 2 triệu bảng trong giai đoạn 2012-2017.
Đại diện Tổ chức từ thiện Salvation Army đang hỗ trợ một số nạn nhân cho biết, buôn bán lao động là vấn đề nhức nhối ở Anh. Trước đây, các nạn nhân bị bóc lột chủ yếu là phụ nữ, với các hình thức lạm dụng tình dục và cưỡng bức mại dâm.
Song dần dần, các hình thức bóc lột ngày càng gia tăng. Theo báo cáo thường niên về nạn nô lệ hiện đại, 6.837 nạn nhân đã được xác định ở Anh trong năm 2017. Trong đó, bóc lột lao động được báo cáo nhiều nhất, sau đó là tình trạng lạm dụng tình dục. Đông Âu cũng là một trong những điểm nóng về tình trạng nô lệ lao động.
Hiện đã có 92 nạn nhân trong đường dây nô lệ trên được nhận diện, song còn hàng trăm người khác vì nhiều lý do đã không dám làm chứng. Một nguyên nhân khiến những đường dây buôn người có thể diễn ra với quy mô lớn và ít được đưa ra ánh sáng là bởi sự bất lực của chính các nạn nhân. Họ có trình độ học vấn thấp, không có người giúp đỡ và phải đối mặt với những khó khăn cùng cực trong cuộc sống. Điều đó khiến họ buộc phải phó mặc số phận cho những kẻ buôn người.
Năm 2015, Anh đã đưa ra đạo luật về nô lệ hiện đại, giúp các cơ quan điều tra tội phạm có thêm cơ sở và công cụ để giải quyết tình trạng buôn bán người, gồm cả bản án chung thân. Trong một bản đánh giá được công bố đầu năm 2019, các nhà lập pháp đã mô tả đây là đạo luật tiên tiến hàng đầu thế giới, song vẫn có quá ít phán quyết được đưa ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.