Nằm khuất nẻo giữa khuôn viên của trường Nguyễn Đình Chiểu ở số nhà 21 phố Lạc Trung lại có một cơ sở mát xa rất độc đáo bởi toàn bộ nhân viên đều là những học sinh khiếm thị. Dẫu không quảng cáo và hình thức phục vụ chỉ là “đấm chay” nhưng khách vẫn cứ tìm đến đây với một lý do thật đơn giản: Họ trân trọng nghị lực và khả năng của những em học sinh cả đời không nhìn thấy ánh sáng...
Sau gần 1 năm “ văn ôn, võ luyện”, tay nghề của họ thực sự có “ đẳng cấp” khiến nhiều người hành nghề tẩm quất rong phải ganh tỵ. Ngày đầu cơ sở mới khai trương, khách đến lèo tèo, thưa thớt. Thi thoảng có ông khách lạ thấy trưng biển mát- xa cũng ghé vào “ khám phá”. Biết nhân viên là những người khiếm thị, không mặc áo hai dây và váy ngắn kiểu “con nhà nghèo” họ lẳng lặng quay ra, thậm chí có người ác khẩu nói rằng: “ Mắt sáng còn chẳng ăn ai, mù loà mà cũng đòi làm nhân viên mát xa cơ đấy”. Nghe câu nói vô thức đó, các em buồn nhưng vẫn động viên nhau phải cố gắng. Để tạo lập công việc và giúp những học sinh khiếm thị nghèo thực hiện ước mơ , BGH nhà trường đã miễn thu toàn bộ tiền thuê địa điểm và phí điện nước sinh hoạt cho các phòng mát xa. Kiên trì chờ đợi, cuối cùng thì lượng khách đến với cơ sở cũng ngày một tăng lên. Ban đầu, khách đến đây chủ yếu là nam giới tuổi trung niên thường mắc bệnh đau thần kinh toạ, dần dà thì đủ mọi lứa tuổi kể cả phụ nữ và khách du lịch nước ngoài.
Nếu như các ông chủ mát- xa bên ngoài “câu” khách bằng những cô gái mắt xanh mỏ đỏ, sẵn sàng chiều khách từ “ mát gần đến mát xa” thì tại đây chỉ có một bí quyết duy nhất là xoa bóp, bấm huyệt theo đúng phương pháp y học cổ truyền. Ngoài khoản lệ phí 30.000đ/h, khách hàng không phải trả thêm bất cứ một khoản tiền thù lao nào. Thấy các em làm việc cật lực trong môi trường nóng bức, một ông khách gợi ý bồi dưỡng nhưng các em chỉ cảm ơn và khảng khái từ chối. Chẳng hiểu do “gặp thầy khỏi bệnh” hay trân trọng nghị lực và đức tính cao đẹp của những học sinh mù, ông đem tặng cơ sở mát- xa 2 chiếc máy điều hoà loại “xịn”. Tuy thế, trong số những người đến đây không phải ai cũng như ông khách nọ. Nữ nhân viên Đỗ Thị Thắng tâm sự “ chúng em phục vụ khách nhiệt tình chu đáo nhưng nhất quyết không chịu bán rẻ mình. Biết các nhân viên bị khiếm thị, nhiều người tranh thủ quờ quạng, giở trò sàm sỡ. Chúng em giải thích để khách hiểu, nếu quá đáng thì từ chối không làm”. Cũng vì cái nguyên tắc bất di bất dịch đó mà lượng khách đến mát- xa tại đây ngày một tăng và có đến hơn 80% là khách quen.
Tuy chưa sung túc nhưng mỗi tháng cơ sở cũng đóng góp cho trường được 2 triệu phí điện nước, trả lương cho mỗi nhân viên 550 nghìn đồng/ tháng. Với số tiền ít ỏi, một phần chi tiêu trong sinh hoạt, phần còn lại các em mua sách để tiếp tục theo học lớp bổ túc văn hoá ở Trung tâm giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố. Ông Hiệu trưởng Trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu hồ hởi nói với chúng tôi: “ Sắp tới, nhà trường sẽ tạo điều kiện để các em mở rộng phòng xoa bóp, riêng nhân viên có thể tăng lên 20 người và có thể hướng tới việc thành lập một trung tâm phục hồi chức năng...”
Hy vọng rằng, một ngày không xa, các học sinh khiếm thị ở trường Nguyễn Đình Chiểu sẽ làm được những điều họ mong muốn bằng niềm tin và ý chí vươn lên của chính mình./.
Tống Ngọc Thanh
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.