Sức khỏe

Những nguy cơ sức khỏe đối với phụ nữ trung niên

Bảo Ngọc 28/07/2024 - 07:35

Mãn kinh là giai đoạn phụ nữ phải đối mặt với nhiều ảnh hưởng về sức khỏe, nguy cơ mắc các bệnh lý như tim mạch, loãng xương, Alzheimer, đái tháo đường...

Do đó, phái đẹp khi bước vào giai đoạn này cần chuẩn bị sẵn sàng trước những thay đổi của cơ thể để chủ động bảo vệ sức khỏe một cách tốt nhất.

trung-nien-3194-1699590523.png
Phụ nữ bước vào giai đoạn mãn kinh cần chuẩn bị sức khỏe một cách tốt nhất

Thời kỳ mãn kinh ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe phụ nữ?

Chị em phụ nữ thường phải trải qua 3 giai đoạn quan trọng thay đổi về sức khỏe cũng như tâm sinh lý, đó là tuổi dậy thì, lúc mang thai và giai đoạn mãn kinh. Trong đó, mãn kinh là giai đoạn chuyển tiếp lần thứ hai trong đời sống sinh dục của người phụ nữ, xảy ra do sự suy giảm chức năng buồng trứng, dần dần buồng trứng ngưng hoạt động và ngưng tiết các nội tiết tố nữ, kèm theo đó là một số thay đổi về tâm sinh lý. Thời kỳ này thường bắt đầu ở phụ nữ trong nhóm tuổi 45 - 55 tuổi.

Phụ nữ bước vào giai đoạn mãn kinh sẽ có biểu hiện dễ nhận thấy nhất là rối loạn kinh nguyệt. Kinh nguyệt thay đổi, có thể là rong kinh, thiểu kinh, thưa kinh, thậm chí là ngừng đột ngột, lượng máu ra không đều như trước đây.

Ngoài ra, cơ thể cũng hay bốc hỏa và đổ mồ hôi về ban đêm, khó ngủ, mất ngủ... Theo thống kê, khoảng 46% phụ nữ bị mất ngủ, mệt nhọc trong thời kỳ mãn kinh, vận động chậm chạp, mất hứng thú trong quan hệ vợ chồng, dễ cáu gắt, nóng giận, hồi hộp, lo âu...

Sự suy giảm estrogen sẽ khiến các mô ngực teo đi và giảm kích thước vòng 1, âm đạo khô và teo lại, giảm hoặc không còn tiết chất nhờn khiến cho việc quan hệ tình dục trở nên đau rát, khó khăn hơn.

Sự suy giảm estrogen cũng khiến da khô, xấu, rụng tóc; trên da sẽ xuất hiện nhiều vết sạm, nám, đồi mồi, nếp nhăn và tóc dễ xơ yếu, gãy rụng hơn. Estrogen có vai trò trong chuyển hóa mỡ máu, duy trì tính đàn hồi của thành mạch, do đó, khi lượng estrogen giảm thì phụ nữ sẽ phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Ngoài ra, phụ nữ mãn kinh cũng dễ mắc các bệnh lý về xương khớp do cấu trúc xương trở nên mỏng, xốp, giòn nên dễ gãy hơn.

Phái đẹp giai đoạn tiền mãn kinh cũng bị ảnh hưởng hàm lượng đường trong máu. Khi đường huyết không được kiểm soát, lên xuống thất thường sẽ làm tăng nguy cơ tăng cân, mắc bệnh tiểu đường, nhiễm trùng tiết niệu và âm đạo. Những nguy cơ này sẽ tăng gấp đôi trong giai đoạn mãn kinh do suy giảm estrogen.

Giữ gìn sức khỏe cho thời kỳ tiền mãn kinh

Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Minh Tuyết, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cho biết: Mãn kinh không phải là bệnh lý mà là sự chuyển tiếp thời kỳ bình thường xảy ra ở tất cả phụ nữ lớn tuổi theo quy luật tự nhiên. Trong một số trường hợp, phụ nữ có thể trải qua mãn kinh sớm hoặc mãn kinh muộn. Mãn kinh sớm là trước 40 tuổi. Mãn kinh muộn là sau 55 tuổi mới bắt đầu mãn kinh.

Thời kỳ tiền mãn kinh là giai đoạn tự nhiên ở mọi phụ nữ, xuất hiện ở quãng 42 - 47 tuổi. Trong thời kỳ này, nồng độ nội tiết tố trong cơ thể phụ nữ bắt đầu giảm sút do buồng trứng giảm sản xuất hormone sinh dục là estrogen và progesterone. Tiền mãn kinh là giai đoạn chuyển giao trước khi phụ nữ hết kinh thật sự. Do đó, để có thể chủ động phòng tránh các nguy cơ bệnh tật khi mãn kinh, chị em nên chuẩn bị trước trong giai đoạn tiền mãn kinh.

Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Minh Tuyết khuyến cáo: “Ở độ tuổi tiền mãn kinh, chị em cần xây dựng chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi, thư giãn nhẹ nhàng để bình ổn tâm trạng, cảm xúc; tránh các công việc gây áp lực, căng thẳng. Trong đó, duy trì ngủ đủ giấc cũng rất quan trọng, chị em nên cố gắng ngủ đủ giấc vào ban đêm bằng cách giảm ngủ trưa, giữ phòng ngủ tối, yên tĩnh, mát mẻ để dễ ngủ; tập thói quen đi ngủ sớm và thức dậy vào một giờ nhất định.

Ngoài vấn đề tâm lý thì vấn đề dinh dưỡng cũng rất cần được quan tâm như ăn uống đầy đủ, bổ sung các chất chứa nội tiết tố estrogen tự nhiên, axit béo, canxi, thủy hải sản, tăng cường rau quả; tránh những chất kích thích dễ khởi phát cơn bốc hỏa như đồ ăn cay, rượu, cà phê, thuốc lá. Tránh ở nơi nóng, tránh bị stress, căng thẳng...

Về chế độ vận động, để duy trì sự dẻo dai của hệ cơ xương và tăng tuần hoàn máu, phụ nữ nên thường xuyên tập thể dục thể thao. Bên cạnh đó, phái đẹp trong giai đoạn này cũng cần quan tâm đến trọng lượng của cơ thể bởi phụ nữ tiền mãn kinh thường có xu hướng tăng cân, do đó nếu rơi vào tình trạng thừa cân, mắc bệnh lý béo phì thì cần có kế hoạch giảm cân khoa học.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những nguy cơ sức khỏe đối với phụ nữ trung niên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.