Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những nguy cơ của trí tuệ nhân tạo đối với con người

Thương Nguyệt| 20/04/2023 14:07

(HNMO) - Không thể phủ nhận những lợi ích trí tuệ nhân tạo (AI) có thể mang lại nhưng công nghệ này tiềm ẩn nhiều nguy cơ một khi vượt tầm kiểm soát của con người.

Công nghệ trí tuệ nhân tạo phát triển với tốc độ vượt bậc. Ảnh: Reuters

Những nguy cơ đối với con người

AI là một nhánh của khoa học máy tính liên quan đến việc mô phỏng quá trình ra quyết định và suy nghĩ của con người. Những chương trình dạng này có khả năng tự sửa đổi các thuật toán bằng cách phân tích dữ liệu và tự cải thiện hiệu suất mà không cần con người can thiệp. 

Câu trả lời về những nguy cơ tiềm ẩn của AI chưa thực sự rõ ràng trong bối cảnh các chuyên gia hàng đầu vẫn tiếp tục tranh luận về mức độ nguy hiểm của công nghệ này. Tuy nhiên, họ đã đồng thuận về những lo ngại hiện nay nếu không có biện pháp phòng ngừa thích hợp.

Một trong những mối quan tâm lớn nhất là quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu người dùng. Dù đã có những quy định về vấn đề này, nhiều công ty vẫn phớt lờ khi thu thập dữ liệu cá nhân. Giới chuyên gia lo ngại tình trạng vi phạm có thể gia tăng khi con người sử dụng AI nhiều hơn. 

Với sự xuất hiện của AI, nhiều hoạt động trong cuộc sống hằng ngày đã trở nên thuận tiện hơn. Tuy nhiên, công nghệ này vẫn đặt ra những thách thức lớn, trong đó có phương thức tương tác với con người.

Năm 2018, chiếc SUV Volvo của Uber trong quá trình tự lái đã gây tai nạn ở bang Arizona (Mỹ), khiến một người đi bộ tử vong. Tòa án xác nhận lỗi thuộc về lái xe. Thay vì giám sát phương tiện vận hành, người này mải mê sử dụng điện thoại nên đã không thể can thiệp kịp thời.

Trí tuệ nhân tạo tiềm ẩn nhiều nguy cơ đáng lo ngại. Ảnh: Reuters

Ở góc độ phi vật lý, AI có nguy cơ gây hại cho con người nếu không được kiểm soát đúng cách. Công nghệ này có thể gây ra các vấn đề về an toàn trong lĩnh vực kỹ thuật số hoặc tài chính.

Giới chuyên gia cũng lo ngại nguy cơ AI tự phát triển hành vi mang tính phá hoại trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và có thể coi sự can thiệp của con người để khắc phục hoặc ngăn chặn hậu quả là mối đe dọa.

Nhiều ý kiến cho rằng, AI sẽ thay thế vai trò của con người trong công việc. Khi trí tuệ nhân tạo trở nên vượt trội ở mọi lĩnh vực, cơ hội đối với con người cũng sẽ ít đi. Có rất ít lý do để các công ty tuyển dụng nhân lực là con người nếu một người máy có thể đảm nhiệm mọi công đoạn, từ lập trình đến thiết kế quần áo hay đồ nội thất…

Theo Forbes, khi một số công việc hoàn toàn do trí tuệ nhân tạo đảm nhiệm, con người sẽ cần phải nắm bắt sự thay đổi và tìm ra các phương pháp mới mang lại những lợi ích xã hội và tinh thần trong công việc.

AI có thể hoạt động độc lập dựa trên lập trình bởi con người. Trong trường hợp được sử dụng với mục đích sai trái, công nghệ này có thể gây ra những hậu quả khó lường như thao túng dư luận xã hội hay phát tán những thông tin không chính xác…

"Deepfake" trở thành công cụ nguy hiểm nếu bị sử dụng với mục đích sai trái. Ảnh: Business Insider

Nhờ tốc độ phát triển vượt bậc, AI còn có khả năng tạo ra những video và hình ảnh giả mạo, hay còn gọi là “Deepfake”, đạt độ chân thực đáng kinh ngạc. Nhờ công nghệ trí tuệ nhân tạo, “Deepfake” sẽ hoán đổi các chi tiết trên gương mặt của người này với người khác và thậm chí thay đổi cả giọng nói.

Trong trường hợp bị sử dụng với mục đích trái phép, “Deepfake” sẽ trở thành công cụ tiếp tay cho hành vi lừa đảo, tạo những nội dung không lành mạnh… gây ảnh hưởng trực tiếp đến danh dự hoặc sinh kế của những cá nhân bị lợi dụng.

Thiếu hành lang pháp lý

Việc có rất ít quy định pháp lý liên quan đến AI ở cấp quốc gia hoặc quốc tế cũng là một vấn đề nổi cộm. Tháng 4-2021, Liên minh châu Âu (EU) đề xuất “Đạo luật AI” nhằm kiểm soát và ngăn ngừa những nguy cơ tiềm ẩn của công nghệ này nhưng đến nay vẫn chưa được thông qua. 

Ngày 19-4, 42 hiệp hội và nghiệp đoàn của Đức đã kêu gọi EU tăng cường dự thảo các quy định về AI trong bối cảnh ngày càng xuất hiện nhiều mối đe dọa đối với bản quyền từ ChatGPT - công nghệ trí tuệ nhân tạo về xử lý ngôn ngữ. 

Những quy định pháp lý về trí tuệ nhân tạo vẫn thiếu. Ảnh: Reuters

Các nghiệp đoàn và hiệp hội cũng đề nghị các nhà cung cấp công nghệ phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với những nội dung do AI tạo ra, đặc biệt đối với hành vi vi phạm bản quyền.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng nhấn mạnh, các công ty công nghệ có trách nhiệm bảo đảm sản phẩm của họ an toàn trước khi công bố. Người đứng đầu Chính phủ Mỹ nhận định, AI có thể giúp giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến bệnh tật và biến đổi khí hậu, nhưng điều quan trọng là phải ứng phó các rủi ro tiềm ẩn của công nghệ này đối với kinh tế - xã hội và an ninh quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những nguy cơ của trí tuệ nhân tạo đối với con người

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.