Nông nghiệp

Những người “thổi hồn” cho cây

Nguyễn Mai 21/12/2024 08:11

Mỗi tác phẩm cây cảnh đều có một "cuộc đời", một câu chuyện riêng thú vị. Từ những gốc sanh, sung... uốn mình len lỏi dưới những tảng đá, cheo leo trên vách núi hay những gốc tre quằn quèo cạnh bờ ao..., qua đôi tay tạo tác và óc sáng tạo của các nghệ nhân đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật, làm mãn nhãn người xem.

Nghề "thổi hồn" cho cây cảnh cũng đang trở thành một ngành kinh tế trong xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội.

cay-canh.jpg
Tác phẩm “Giao long đẳng vân” của ông Cao Xuân Đô (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì).

Công phu nghề chơi cây cảnh

“Một cây cảnh được cho là đẹp phải đáp ứng được các tiêu chí, đó là: Nhất hình (dáng), nhì thế, tam chi, tứ diệp. Về dáng, lại chia thành nhiều loại: Trực, xiêu, hoành, huyền. Về thế, cây phải phô thân, khoe dáng, lộ căn; cổ linh; tinh tú…”, ông Phí Công Yên, ở xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức say sưa nói về thú chơi sinh vật cảnh của mình. Theo ông Yên, việc trồng, uốn, nắn tác phẩm cây cảnh rất tỉ mỉ, kỳ công, không những đòi hỏi nghệ nhân phải có đôi tay khéo léo, mà còn phải là người biết "lắng nghe'' tiếng nói của cây. Đặc biệt, để tạo ra được một tác phẩm sinh vật cảnh giá trị cần rất nhiều thời gian.

Chỉ tay về tác phẩm “Sanh vân tự thạch” do mình tạo tác, ông Yên chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới, đây là tác phẩm thực hiện theo khuôn mẫu chơi cây truyền thống: Cây sanh có bộ rễ ôm trọn phiến đá như này là lối chơi “mộc thạch tương sinh”, với những người chơi cây, nhìn cái là biết ngay. Về phần thân, lá, cây đáp ứng được các tiêu chí: Phô thân, khoe dáng, lộ căn; Cổ linh, tinh tú, kỹ dăm, mịn tàn.

Ông Yên cho biết, “phô thân” chính của tác phẩm là mạch lạc rõ ràng; “khoe dáng” là sự phô bày vẻ đẹp hình thể, vóc dáng bên ngoài của tác phẩm; “lộ căn” là những tỷ lệ hiện có, tác phẩm đã được thu nhỏ dần để bảo đảm bố cục hài hòa… Đã hàng chục năm gắn bó với nghề tạo tác cây cảnh, ông Yên đang sở hữu 80 cây cảnh giá trị, chủ yếu là sanh, si, sung…

Cùng có thú chơi sinh vật cảnh như ông Yên, ông Cao Xuân Đô, ở làng Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì cho hay: Triều Khúc là một trong những làng có truyền thống chơi cây cảnh lâu đời bậc nhất ở Hà Nội. Người Triều Khúc có trường phái chơi cây rất riêng, thường chơi các thế cây “vai bò”, cây trồng trên phiến đá, đặt trong bể xi măng mô phỏng theo chiếc bể cổ ở đình làng Triều Khúc. Nói về tác phẩm sinh vật cảnh có tên “Giao long đẳng vân” của mình, ông Đô cho biết, đó là cây sanh có 2 thân, một thân dáng siêu, một thân dáng hoành. Cây có kỹ thuật cắt giật với rất nhiều chi tiết phải mất nhiều năm tạo tác mới thành. Hiện ông Đô thuê đất ruộng của một số hộ dân để làm vườn cây cảnh ngay tại Triều Khúc. Trong vườn thường xuyên có khoảng 300 cây phôi và nhiều cây cảnh giá trị. Ông Đô cho hay, trồng cây cảnh phải uốn nắn cẩn trọng, nếu không dễ gãy cành.

“Người ta ví người trồng cây cảnh như thổi hồn vào cây. Mỗi khi cây có biểu hiện sâu bệnh, cằn cỗi phải kịp thời xử lý, bởi có trường hợp để sâu bệnh, khiến nhiều cây có tuổi đời đến vài chục năm cũng không sống nổi", ông Đô nói.

Không chỉ tại Hà Nội, ông Nguyễn Sỹ Luân, ở xã Hoàng An, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang chọn hướng đi riêng và khẳng định tên tuổi của mình khi phát triển cây cảnh nghệ thuật từ cây tre. Ông Luân thông tin, qua quan sát, trong các búi tre đều có một vài cây bị còi cọc, kẹt giữa búi không phát triển thẳng được. Do phải luồn lách theo vệt sáng để tồn tại, nên những cây này có dáng thế rất lạ, quằn quèo... Chính sự mới lạ đó, ông đã đưa vào chậu, tạo tác để thành những cây bonsai hấp dẫn. Và để tăng thêm độ hấp dẫn cho tác phẩm, ông Luân đã khéo léo “kể câu chuyện sản phẩm” cho cây.

Hiện mỗi cây của ông Luân lại gắn với một tích truyện, tác phẩm văn học cổ, như: "Lưỡng long chầu nhật", “Hào khí đông A”, “Long chầu”, “Hộ pháp”… Trong đó, có tác phẩm đã được chọn trang trí chính giữa phòng bày tiệc trà nơi cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cuối năm 2023. Ông Luân coi đó là phần thưởng quý giá, ghi dấu ấn đặc biệt trong quá trình làm nghề.

Phát triển thành ngành kinh tế giá trị cao

Hà Nội có diện tích đất canh tác nông nghiệp không lớn. Đặc biệt tại nhiều huyện ven đô, do đã được xác định phát triển thành quận nên nhiều diện tích đất nông nghiệp tiếp tục được thu hồi, buộc người dân phải chuyển đổi cơ cấu lao động, cơ cấu cây trồng phù hợp.

Tại làng Triều Khúc, xã Tân Triều, ông Cao Xuân Đô cho biết: Câu lạc bộ Cây cảnh nghệ thuật của làng được thành lập từ năm 2006 với hơn 70 hội viên. Hiện làng Triều Khúc có 5 vườn cây cảnh quy mô lớn và rất nhiều hộ trồng và chơi cây cảnh trong gia đình. “Làm cây cảnh được thỏa đam mê và cũng đem lại nguồn thu nhập khá. Cây cảnh không chiếm nhiều diện tích như các cây ăn quả khác. Nếu sau này diện tích ruộng của các hộ dân bị thu hồi, không cho thuê nữa, tôi sẽ đưa cây lên tầng thượng hoặc đem gửi vườn ở những xã khác”, ông Đô tự tin cho biết.

Được biết, ở Triều Khúc hiện nay có phong trào “vườn trên sân thượng”. Có những vườn cây cảnh trên mái nhà cao tầng diện tích hằng trăm mét vuông, chủ vườn sử dụng tời để di chuyển cây lên xuống dễ dàng.

Chánh Văn phòng Hội Sinh vật cảnh thành phố Hà Nội Vương Xuân Nguyên cho hay, hiện nay Hà Nội đã có một số làng trồng cây cảnh lớn ở xã Hồng Vân (huyện Thường Tín), xã Đông La (huyện Hoài Đức)… tập trung rất đông các nghệ nhân cây cảnh khắp nơi về lập vườn và liên kết với nhau trong sản xuất.

Hội Sinh vật cảnh thành phố Hà Nội đang có khoảng 11.000 hội viên sinh hoạt tại 50 chi hội. Hằng năm, Hội phối hợp lồng ghép với Sở NN&PTNT Hà Nội và Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội tổ chức các hoạt động phù hợp với định hướng phát triển của ngành Nông nghiệp Thủ đô, như: Hội thi hoa đào, quất cảnh truyền thống Hà Nội; festival sinh vật cảnh...

Nhằm đưa cây cảnh, sinh vật cảnh đến gần hơn người dân, làm đẹp cảnh quan Thủ đô, Hội Sinh vật cảnh thành phố Hà Nội đề nghị được thành phố tạo điều kiện “cho mượn” diện tích còn chưa sử dụng hết tại các công viên để các hội viên Hội Sinh vật cảnh thành phố tạo tác, trưng bày tác phẩm. Làm được điều đó, vừa giúp các hộ làm sinh vật cảnh có mặt bằng sản xuất, vừa để làm đẹp cho các khu công cộng của thành phố và quảng bá thú chơi sinh vật cảnh của Việt Nam đến bạn bè trong nước và quốc tế.

Hiện tại, Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về quy mô và giá trị sinh vật cảnh với hơn 8.100ha chuyên canh hoa, cây cảnh, đạt giá trị sản xuất khoảng 7.000 tỷ đồng/năm. Thành phố đã hình thành 47 vùng sản xuất hoa, với nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. UBND thành phố cũng đã công nhận 14 làng nghề hoa, cây cảnh. Trong đó có 36 sản phẩm cây cảnh được công nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) từ 3 sao trở lên. Hà Nội cũng xuất khẩu nhiều loại hoa và xác định nghề trồng hoa là một ngành mang lại giá trị kinh tế cao.

Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, trong Luật Thủ đô năm 2024 vừa được Quốc hội thông qua, sinh vật cảnh có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển Thủ đô “sáng, xanh, sạch, đẹp” và phát triển ngành Nông nghiệp sinh thái bền vững. Thành phố đang giao Sở NN&PTNT xây dựng đề án nông nghiệp đô thị; trong đó hoạt động sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh là nhóm ngành ưu tiên để ứng phó với biến đổi khí hậu và tốc độ đô thị hóa nhanh. Trong Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”, Hà Nội dự kiến tăng diện tích hoa, cây cảnh lên từ 8.500ha đến 9.000ha, đồng thời quy hoạch, phát triển làng nghề và tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, kết hợp với xúc tiến thương mại và du lịch nông thôn…

Hy vọng, thời gian tới, sinh vật cảnh Hà Nội phát triển hơn nữa, trở thành "món ăn tinh thần" đối với những tâm hồn yêu thiên nhiên và là ngành kinh tế mang lại thu nhập cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những người “thổi hồn” cho cây

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.