(HNMO) - Với hàng loạt đóng góp đáng nể trên nhiều lĩnh vực như chính trị, khoa học, xã hội, những người phụ nữ vĩ đại này đã âm thầm thay đổi thế giới và thúc đẩy sự tiến bộ của nhân loại. Họ cũng là nguồn cảm hứng để một nửa thế giới dũng cảm thực hiện ước mơ của mình.
1. Emmeline Pankhurst (1858 - 1928)
(Ảnh: Britannica) |
Emmeline Pankhurst là một nhà hoạt động xã hội có đóng góp to lớn trong cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Bà cùng con gái đã sáng lập ra Hội liên hiệp Chính trị Xã hội Phụ nữ - phong trào đòi quyền bỏ phiếu cho phụ nữ tại Anh. Bà là người nổi tiếng với câu nói: “Chúng tôi ở đây không phải để trở thành những kẻ phá luật. Chúng tôi ở đây để nỗ lực trở thành những người xây dựng pháp luật”.
Tuy nhiên, Emmeline Pankhurst không bao giờ có cơ hội chứng kiến giấc mơ của mình trở thành hiện thực. Bà qua đời chỉ 3 tuần trước khi đạo luật cho phép phụ nữ bỏ phiếu được thông qua. Năm 1999, tạp chí Time vinh danh bà là một trong 100 người có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ XX.
2. Marie Curie (1867 - 1934)
(Ảnh: Youtube) |
Marie Curie (quốc tịch Ba Lan) là một trong những nhà khoa học vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Bà cũng là người đầu tiên có vinh dự nhận hai giải Nobel trong hai lĩnh vực khác nhau là Vật lý và Hóa học - một thành tích đáng nể với cả nam giới.
Giải Nobel đầu tiên mà Marie Curie nhận được là vào tháng 12-1903 trong lĩnh vực Vật lý với các nghiên cứu về bức xạ. 8 năm sau, bà nhận giải Nobel Hóa học nhờ việc khám phá ra hai nguyên tố mới là Radium và Polonium. Nhiều tài liệu ghi lại rằng Marie Curie đã không lấy bằng sáng chế tiến trình tách Radium để các nhà nghiên cứu khác có thể tự do sử dụng.
Những đóng góp của Marie Curie không chỉ dừng lại ở lĩnh vực khoa học. Trong thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ I, bà đã quyên góp và sử dụng máy chụp tia X di động để điều trị cho người bệnh. Để máy có thể vận hành, bà đã sử dụng chính Radium do mình tinh chế được, và chúng có giá trị không hề nhỏ.
3. Mẹ Teresa (1910 - 1997)
(Ảnh: Getty) |
Mẹ Teresa được tôn vinh là một trong những người phụ nữ có ảnh hưởng về tâm linh lớn nhất thế kỷ XX và có nhiều hoạt động nhân đạo dành cho người nghèo trên toàn thế giới. Cho tới những năm cuối đời, vị nữ tu sĩ vĩ đại này vẫn dốc sức cho các hoạt động giúp đỡ người nghèo, người bệnh, chăm sóc trẻ em mồ côi tại Ấn Độ và trên khắp thế giới. Bà được trao giải Nobel Hòa bình vào năm 1979.
Sau khi Mẹ Teresa qua đời, hai “phép màu” đã được công nhận như những bằng chứng thuyết phục để bà được phong thánh. Vào năm 2002, khối u dạ dày của một người phụ nữ Ấn Độ đã được chữa khỏi thần kỳ sau khi cô cầu nguyện Mẹ Teresa. Đây cũng là tiền tề quan trọng để bà được ban “chân phước” vào năm 2003. “Phép màu” thứ hai được công nhận vào năm 2015, với trường hợp một người đàn ông bị nhiễm khuẩn não tự hồi phục nhờ cầu xin phước lành của Mẹ Teresa.
Ngày 4-9-2016, trong một buổi lễ trọng thể được tổ chức tại quảng trường Thánh Peter, Tòa thánh Vantican đã phong thánh cho Mẹ Teresa trước 12 vạn giáo dân.
4. Anne Frank (1929 - 1945)
(Ảnh: USHMM) |
Anne Frank là người Đức gốc Do Thái, tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Nhật ký Anne Frank”. Cuốn nhật ký được viết khi Anne và gia đình ẩn náu trên căn gác của ngôi nhà số 263 đường Prinsengracht (Hà Lan) trong giai đoạn Chiến tranh Thế giới thứ II khi quân Đức chiếm đóng thành phố. Anne đã chết trong trại tập trung Bergen-Belsen của Đức Quốc xã vào năm 1945, chỉ vài ngày trước khi khu trại được giải phóng.
“Nhật ký Anne Frank” được miêu tả là một trong những cuốn sách cảm động và tinh tế nhất về hậu quả của chiến tranh đối với toàn nhân loại. Cố Tổng thống Mỹ John Kennedy từng nhận xét: “Xuyên suốt dòng chảy lịch sử, khi đề cập tới nhân phẩm con người trong thời điểm đau khổ và sỉ nhục nhất, không một tiếng nói nào có thể thuyết phục hơn Anne Frank”.
“Nhật ký Anne Frank’ đã được dịch ra 67 thứ tiếng và chuyển thể thành phim. Cho đến nay, đây vẫn là một trong những cuốn sách được nhiều người tìm đọc nhất trên thế giới.
5. Wangari Maathai (1940 - 2011)
(Ảnh: The Green Belt Movement) |
Wangari Maathai (quốc tịch Kenya) là một nhà hoạt động chính trị, đồng thời là người tích cực theo đuổi các chương trình bảo vệ môi trường. Năm 1977, bà lập ra Phong trào Vành đai xanh với hoạt động chính là tuyên truyền và bảo vệ môi trường. Ước tính, tổ chức của Wangari Maathai đã trồng được hơn 40 triệu cây xanh trên toàn Châu Phi.
Năm 2004, bà trở thành người phụ nữ Châu Phi đầu tiên nhận giải Nobel Hòa bình vì những đóng góp cho sự phát triển bền vững của nhân loại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.