Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những người lính âm thầm

Thanh Mai| 19/09/2016 21:15

(HNMO) - Ở miền Trung thường thì từ tháng 9 bắt đầu vào mùa mưa nhưng năm nay tháng 8 miền Trung đã chịu một trận mưa lớn hoàn lưu do ảnh hưởng từ cơn bão số 4, những người lính Truyền tải điện 2 lại đối mặt với sự khắc nghiệt của mưa lũ.

Đi với ngành Truyền tải điện, lần đầu tiên tôi được nghe từ “lụt núi”. Nghe cũng lạ, đã trên cao thế kia nhưng vẫn có lụt. Lụt núi xảy ra vào năm 1999, đó là cơn lũ lịch sử làm làm chấn động cả nước, những giọt nước mắt đều hướng về miền Trung, trong đó, lưới điện truyền tải ngập chìm trong mất mát nặng nề. Lụt núi mạnh, xoáy nhưng đi nhanh, đến rồi đi trong thoáng chốc, nhưng để lại tổn thất lớn cho những công trình ở trên cao như lưới điện truyền tải. Có lẽ vì vậy, mà hàng năm Công ty Truyền tải điện 2 – đơn vị quản lý và vận hành lưới điện truyền tải cấp điện áp 500kV và 220kV luôn chú trọng đến công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn.

Công nhân Truyền tải Điện Nam Giang (Công ty Truyền tải Điện 2 - Tổng Công ty Truyền tải Điện Quốc gia) phát quang, dọn dẹp hành lang tuyến.


Phó Giám đốc Công ty Truyền tải điện 2 (PTC2) Nguyễn Thanh Phong cho biết, ngay từ tháng 4, PTC2 đã hoàn thành phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, theo đó, lập kế hoạch và tổ chức kiểm tra các công trình, lưới điện trước mùa mưa bão. Các đơn vị thường xuyên tiến hành kiểm tra định kỳ hàng tháng, hàng quý, đột xuất và kiểm tra đêm theo quy định nhằm phát hiện những những bất thường của các thiết bị, công trình trên lưới điện; kết hợp những đợt cắt điện xử lý dứt điểm các tồn tại trên phần mang điện của đường dây; phát quang triệt để hành lang tuyến, đường vào tuyến nhằm đảm bảo phục vụ tốt công tác xử lý khi có bất thường, sự cố. Hoàn tất việc giải tỏa, chặt tỉa cây cao ngoài hành lang tuyến có khả năng làm ảnh hưởng đến công tác quản lý vận hành của đường dây trước mùa mưa bão. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đắp đất chân móng, chân kè, nạo vét mương thoát nước, xử lý tiếp đất bị đứt hoặc xói lở. Xử lý ngay các hư hỏng nhỏ không để phát sinh thành hư hỏng lớn; đo kiểm tra nhiệt độ mối nối, tiếp xúc lèo, đo điện trở tiếp đất đường dây theo quy định.

Các Trạm biến áp thì lập phương án PCTT&TKCN, phối hợp phương án ứng cứu với các đơn vị đóng trên địa bàn gần đơn vị mình; thường xuyên kiểm tra thiết bị nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hiện tượng bất thường; tổ chức diễn tập PCTT&TKCN và phối hợp BCH PCTT&TKCN địa phương vận động nhân dân có nhà, công trình nằm gần tường rào trạm có biện pháp chằng néo chống tốc mái trong mùa mưa bão.

Các công trình sửa chữa lớn đã dược hoàn thành trước mùa mưa bão, như: Căng lại độ võng dây dẫn và sửa chữa kè móng vị trí 1441 đường dây 500kV Đà Nẵng-Vũng Áng; xây tường chắn bảo vệ các vị trí 243, 285, 330 đường dây 500kV Pleiku – Dốc Sỏi; căng lại độ võng đường dây 500kV Thạnh Mỹ -Pleiku; sửa chữa hệ thống tiếp địa đường dây 220kV Đà Nẵng - Tam Kỳ, Tam Kỳ-Dốc Sỏi; xây kè mái taluy dương và mương thoát nước đường dây 220kV Dốc Sỏi – Quảng Ngãi, Đồng Hới – Đông Hà.

Trong trường hợp bão lụt gây ảnh hưởng đến công trình lưới điện, phải thực hiện phòng chống theo phương châm 04 tại chỗ: “Chỉ huy tại chỗ, Lực lượng tại chỗ, Vật tư – Phương tiện tại chỗ và Hậu cần tại chỗ”. Chuẩn bị đầy đủ một số thuốc y tế cần thiết, lương thực, tàu thuyền, áo phao… phục vụ công tác tìm kiếm nguyên nhân và xử lý sự cố do lụt bão. Những người lính Truyền tải là như vậy đấy, họ luôn phải chiến đấu với giặc lửa, giặc nước giữa thời bình, bất kể nắng mưa, khó khổ vẫn ngày đêm âm thầm làm nhiệm vụ. Với họ, hạnh phúc lớn nhất là được góp sức giữ vững nguồn sáng cho Tổ Quốc và ánh sáng cho từng ngôi nhà Việt Nam.

Rong ruổi trên tuyến đường dây, chúng tôi mắt thấy, tai nghe về cuộc sống của những người lính truyền tải. Lòng ấm hơn khi trong gian khó, trên môi họ nụ cười vẫn thường trực và ánh mắt rạo rực niềm tin. Dẫu ở đâu đó còn gặp nhiều khó khăn do thiếu thốn phương tiện đi lại, nhưng họ vẫn luôn tận tụy với công việc ”. Mùa khô, họ còn tập trung tuyên truyền đến tận thôn bản cách chuyển đổi cây trồng trong hành lang lưới điện, cách phòng chống cháy rừng…

Từ trước đến nay, lính truyền tải vốn ít kể khổ. Bởi, họ xem gian nan, vất vả là một phần của cuộc sống, công việc. Bất giác tôi nhớ đến loài hoa xuyến chi. Người lính truyền tải như bông hoa xuyến chi mang vẻ đẹp rất riêng, chẳng rực rỡ như họ hàng gần với chúng là hoa cúc, không kiêu sa như hoa hồng cũng chẳng đài các, quý phái như tulip mà nó mang vẻ đẹp chân quê, mộc mạc, giản dị. Tiềm tàng, cuộn trào trong thân cành mảnh khảnh là sức sống kiên cường. Bên ghềnh đá, bãi cát, gò đất khô, khu đất hoang, bên đường tàu, triền đê, bờ mương, vệ đường,… dù có mưa dầm, gió bấc, khô cằn, nắng hạn xuyến chi vẫn nắm tay nhau trải thảm hoa rực rỡ. Rồi một ngày hoa trút bỏ xiêm y, cánh trắng, nhụy vàng, gieo mình theo những bước chân đi lạc vào đám hoa xuyến chi để mang những hạt mầm đi về những miền đất mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những người lính âm thầm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.