Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những người không về quê ăn Tết

Ngọc Hải| 12/02/2010 07:53

(HNM) - Tết! Cái từ sao mà quá da diết ở thời điểm này. Nó không chỉ gợi cho mỗi người niềm xao xuyến khi Xuân sang mà còn gợi đến niềm vui sum họp gia đình. Mâm cơm tất niên dù vơi, dù đầy cũng là lời báo cáo với tổ tiên về thành quả lao động của cả một năm vất vả, lo toan. Ấy thế mà vẫn còn những người công nhân lao động phải đón Tết xa quê vì nhiều lý do khác nhau.


Công nhân làm việc trên dây chuyền sản xuất Điện thoại tại Nhà máy điện thoại di động Samsung (KCN Yên Phong, Bắc Ninh).


Khác với không khí náo nức của nhiều người, với Tấn và một số công nhân ở trong xóm trọ Mễ Trì - Từ Liêm thì Tết không phải là vào trung tuần tháng 2 tới mà sẽ muộn hơn. Quê Tấn ở Quảng Trị, dù không quá xa nhưng về quê ăn Tết vẫn là một cái gì đó lãng phí và xa xỉ. Đã mấy năm nay, gia đình Tấn chưa sum họp đủ thành viên dịp Tết mà thường bố mẹ phải đợi đến khoảng cuối tháng Giêng, khi đó 4 anh em Tấn mới lục tục kéo nhau về. Cuộc sống gia đình Tấn cũng như của người dân quê nơi đây còn quá khó khăn nên 4 anh em Tấn cũng phải mỗi đứa bươn chải kiếm sống một nơi. Tấn cho biết, không phải vì bận rộn gì hay ham đón Tết nơi thành phố, mà tại thời điểm Tết khó mua vé tàu xe, mua của "cò" thì giá vé quá cao, thậm chí gấp 3 lần so với ngày thường.

Cùng tâm trạng với Tấn, vợ chồng anh Phong - công nhân lắp ráp linh kiện điện tử Công ty Panasonic (Khu công nghiệp Thăng Long) chia sẻ: "Hai vợ chồng thu nhập cộng lại tròn 2,3 triệu đồng, ngoài khoản thuê nhà và hàng trăm thứ chi tiêu thì mỗi tháng chúng tôi còn dành tiền gửi về quê cho ông bà nội nuôi hai đứa con nhỏ đang tuổi ăn học. Chật vật khó khăn như vậy nên đâu dám nghĩ đến chuyện về quê ăn Tết". Hai vợ chồng anh Phong phân công nhau năm nay người này về thì năm sau người kia về. Năm nào mà trời cho làm ăn khá giả thì cả gia đình sẽ cùng về nhưng cũng chỉ chọn mùa thấp điểm trong năm để đỡ tốn kém do chi phí tăng vọt. Phong tâm sự: "Làm tất bật cả năm, Tết không thể về quây quần cùng bố mẹ và các con cũng chỉ vì đồng tiền kiếm được eo hẹp. Nhưng cứ nghĩ đến cảnh 2 cô con gái xúng xính trong bộ đồ mới ngày Tết và có chút quà biếu Tết cha mẹ là tôi thấy được an ủi phần nào!!!".

Cũng như nhiều công nhân không về quê đón Tết, Nguyễn Thị Quyên - nhân viên một công ty xuất khẩu mỹ nghệ lại chọn ăn Tết sau vì lý do khác. Cuối năm Âm lịch, đơn hàng của công ty cho năm 2010 đang nhiều nên thời gian nghỉ Tết của cán bô, công nhân viên trong công ty rất ngắn. 30 Tết mới nghỉ mà mùng 4 đã phải đi làm rồi. Về quê cũng chả được mấy ngày nên cô xin ở lại trực Tết, vừa có thêm thu nhập, vừa đỡ tốn kém tiền tàu xe. Quyên cho hay, năm nay là năm thứ hai cô đón Tết một mình ở nơi trọ.

Bà Ngô Ngọc Thủy, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội, thuộc Liên đoàn Lao động thành phố cho biết, đã 2 năm nay, cứ đến 29-30 Tết, sau khi tiễn công nhân về quê ăn Tết là Trung tâm lại phối hợp với các xã khu vực Khu công nghiệp Nội Bài, Thăng Long đi thăm các khu nhà trọ. Những công nhân nào không về quê sẽ được Trung tâm tặng quà, tổ chức những bữa cơm vui Tết nho nhỏ tại khu vực. Năm 2009, Trung tâm đã tặng 100 suất quà cho những công nhân ở 2 khu công nghiệp này. Năm nay, cũng sẽ tặng 100 suất, mỗi suất 200.000 đồng cho công nhân không về quê ăn Tết.

Không khí Xuân đang náo nức mọi con phố, song đâu đó, những lo toan cơm áo, gạo tiền cuối năm cũng đè nặng lên vai nhiều người lao động xa quê. Hy vọng rằng, bước vào năm mới - năm 2010, cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế, những người lao động xa quê sẽ không còn phải đón Tết xa nhà chỉ vì lý do kinh tế khó khăn.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những người không về quê ăn Tết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.