(HNM) - Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, công nhân lao động Công ty TNHH nhà nước một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội lại vất vả hơn. Bởi những ngày cuối năm, người dân tập trung dọn dẹp nhà cửa để đón năm mới, lượng rác thải phát sinh tăng gấp nhiều lần so với những ngày thường. Chúng tôi đã đến những nơi tập trung nhiều "điểm đen về rác", chứng kiến những người công nhân môi trường đang cần mẫn dọn vệ sinh để bà con Thủ đô có một cái Tết "sạch".
Tâm sự của người trong cuộc
Người đầu tiên tôi gặp là Phạm Anh Tuấn, năm nay 30 tuổi, đã gắn bó với công việc quét dọn đường phố 10 năm. Hiện anh là tổ trưởng, phụ trách 32 công nhân đảm nhận nhiệm vụ quét dọn vệ sinh khu vực phường Trung Yên (quận Cầu Giấy). Nhà ở Pháo Đài Láng, hằng ngày không kể nắng mưa hay gió rét, Phạm Anh Tuấn thường rời tổ ấm lúc 5h. Đến địa bàn mình quản lý, hôm nào anh cũng đi một vòng khắp các ngõ ngách lớn nhỏ rồi phân chia khu vực dọn dẹp tới từng công nhân.
Địa bàn phường Trung Yên vốn có rất nhiều công trình xây dựng và không ít bãi đất chờ quy hoạch đã lâu nên công việc của Tuấn và những người trong đội khá vất vả. Thu gom rác không phải dễ, lúc gõ kẻng gọi đổ rác thì không ít nhà đi vắng, đến khi xe đi rồi thì họ mới về. Một số người thiếu ý thức cứ tiện là xả rác thẳng ra đường. Có những nơi nhân viên môi trường đô thị vừa dọn dẹp xong, 5 phút sau quay lại thì những "núi rác" không biết từ đâu đã lại mọc ra. Lúc mới vào nghề, chứng kiến cảnh trên Phạm Anh Tuấn và nhiều đồng nghiệp thấy ngán, nản. Bình quân mỗi ngày đẩy 6 thùng rác, ai cũng rã rời hết tay chân. Nhưng làm mãi rồi cũng quen…
Cứ theo đà làm việc hiện nay, Tuấn nhẩm tính, dự kiến, khối lượng rác thu dọn, vận chuyển, tiếp nhận và xử lý trong mấy ngày Tết Nguyên đán của Cầu Giấy ít nhất 3-5 nghìn tấn; thu dọn, vận chuyển đất thải 4 nghìn tấn, nước rửa đường 12 nghìn mét khối. Cùng với việc thu dọn phế thải, rác thải, đội của Tuấn cũng tăng cường rửa đường, quét đường bằng xe quét hút chuyên dụng chống bụi.
Câu chuyện giản dị về Tuấn và đồng nghiệp của anh cũng là việc đời thường của hầu hết cán bộ và công nhân viên Công ty TNHH nhà nước một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội. Trong khi nhân dân chuẩn bị được nghỉ ngơi vui chơi đón Tết, sum vầy với gia đình thì hiện tại 100% công nhân môi trường đô thị phải lao động tăng công suất trên mọi tuyến đường của Thủ đô, để bảo đảm một mục tiêu duy nhất - mọi người dân được hưởng cái Tết "sạch".
100% đường phố không rác
Theo khảo sát của PV Hànộimới, thời điểm này, khối lượng phế thải xây dựng vẫn tồn tại ở đường Thanh Nhàn, đường Đông Tác, đoạn thuộc khu vực chợ Kim Liên, chùa Ba Tháp đường Đội Cấn, dốc Tập lái giữa đường Đội Cấn và đường Bưởi. Đặc biệt, trên sông Tô Lịch dù được công nhân vệ sinh môi trường đô thị thu dọn hằng ngày nhưng rác thải vẫn nổi lềnh bềnh ngăn cả dòng chảy. Nhiều miệng cống thoát nước bị các túi rác thải ùn ứ lại thành đống bốc mùi khó chịu. Rác thải cũng dồn đầy ở đoạn sông Nhuệ dưới chân cầu Tó.
Từ ngày 29 Tết, 100% cán bộ và công nhân viên Công ty TNHH nhà nước một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội duy trì công việc, tổ chức phương tiện đi làm từ 5h sáng. Đến đêm, họ đi nhặt rác trên các tuyến phố, khu tập thể, quảng trường, những điểm bắn pháo hoa do mình phụ trách. Trong khoảng thời gian từ 28 tháng Chạp đến mồng 10 tháng Giêng, không chỉ làm việc tăng ca, tăng giờ mà cường độ lao động của mỗi người đều phải tăng lên.
Chị Hà Thị Hồng là nhân viên Xí nghiệp 2 của Công ty TNHH nhà nước một thành viên Môi trường đô thị, đã có 20 năm gắn bó với nghề, hiếm khi được cùng gia đình sum vầy đón năm mới. Chị kể: "Nhìn những em bé tung tăng cùng cha mẹ đón giao thừa, rồi ríu rít khen đường phố sạch sẽ là tôi mừng lắm. Niềm vui của chúng tôi trong giờ phút chuyển giao năm cũ và năm mới chỉ giản dị thế thôi".
Nhưng với không ít bạn trẻ làm việc ở Công ty Môi trường đô thị Hà Nội, tận tâm với việc của phố phường và được gia đình thông cảm, hậu thuẫn vẫn không thể không trăn trở trước nghĩa vụ người con dâu, người vợ, người mẹ. Chị Nguyễn Thị Hòa, đồng nghiệp của chị Hồng chia sẻ, lúc mới vào nghề, đã hai lần chị rớt nước mắt vì không kịp về thắp nén hương cúng tổ tiên đêm Giao thừa. Chồng thường xuyên công tác xa nhà, con cái thiếu bàn tay chăm sóc của bố mẹ, có Tết chúng không chịu đón năm mới thiếu mẹ mà chờ đến gần trưa mồng Một chị về, cả gia đình mới cùng ngồi vào mâm thưởng thức cỗ Tết.
Chị Nguyễn Thị Hòa và nhiều anh chị em công nhân phụ trách thu gom rác ở quận Cầu Giấy, Ba Đình, Hoàn Kiếm chỉ mong nhân dân Thủ đô chia sẻ gánh nặng công việc của họ bằng việc đơn giản là phân loại rác. Nghĩa là, thay vì cho tất cả rác vào một túi, bà con hãy để riêng rác hữu cơ (gồm thức ăn thừa, hoa, bã trà và cà phê...) - loại này sẽ được anh chị em tập trung để chế thành phân bón. Rác vô cơ như quần áo cũ, giấy ăn, túi nilon, xỉ than, sành sứ… để một túi riêng. Loại rác có thể tái chế thành nguyên liệu như vỏ hộp nhựa, giấy báo, kim loại... thì tập trung lại để bán đồng nát hoặc giao cho nhân viên vệ sinh môi trường. Nếu phân loại tốt, thành phố không chỉ tiết kiệm được 4 tỷ đồng chi phí xử lý mỗi tháng mà còn giảm nguy cơ "ngập trong rác", bởi nơi chôn lấp đang sắp đầy. Lượng rác thải ở Hà Nội lại đang tăng 15% mỗi năm và với đà này, bãi chôn lấp rác Nam Sơn (Sóc Sơn) không tránh khỏi nguy cơ
quá tải.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.