Văn hóa

Những người “giữ lửa” truyền thanh cơ sở

Thanh Lam 19/06/2024 - 18:08

Không chỉ phát huy ưu thế tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi... mà ngay tại Hà Nội, nơi các hình thức truyền thông đa phương tiện vô cùng phát triển, truyền thanh cơ sở vẫn là công cụ tuyên truyền hữu hiệu và đơn giản nhất để đưa thông tin tới người dân.

Để vận hành hệ thống truyền tải thông tin này, đã có không ít người hằng ngày thầm lặng “giữ lửa”, trực tiếp vận hành hệ thống máy móc với tình yêu nghề và tinh thần trách nhiệm cao nhất.

10.jpg
Ông Nguyễn Ngọc Thỉnh đã có gần 30 năm gắn bó với công tác phát thanh cơ sở.

Gắn bó với nghề vì đam mê

Đều đặn 5h và 17h mỗi ngày, tại xã Hồng Phong (huyện Chương Mỹ), tiếng nhạc hiệu của chương trình phát thanh quen thuộc lại vang lên. Loa phát thanh đặt tại 6 thôn với 19 cụm loa của xã cung cấp thông tin quan trọng như chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, những quyết sách của huyện hay công điện khẩn về phòng, chống lụt bão, thông báo phòng trừ sâu bệnh, thông tin về dân số - kế hoạch hóa gia đình...

Gần 30 năm làm nghề, nhắc đến cơ duyên gắn bó với đài truyền thanh cơ sở, ông Nguyễn Ngọc Thỉnh (sinh năm 1954) chia sẻ, năm 1972, ông xung phong nhập ngũ và được biên chế vào Sư đoàn 304, đơn vị tác chiến chủ yếu tại chiến trường miền Nam. Đến năm 1978, ông phục viên, trở về địa phương. Năm 1996, một cán bộ xã tình cờ nghe được chất giọng trầm ấm của ông phù hợp với vị trí phát thanh viên nên đề nghị ông thử giọng. Qua thu âm, chất giọng truyền cảm, tròn vành rõ chữ của ông đã thuyết phục được lãnh đạo xã Hồng Phong và ông được mời về làm việc tại Đài truyền thanh của xã.

Thế là mỗi ngày, ông Thỉnh dậy từ sớm tinh mơ, 5h đã có mặt ở đài truyền thanh đặt tại trụ sở UBND xã để tiếp âm đài cấp trên. Sau khi dừng tiếp âm, ông lại tranh thủ ra chợ bán hàng cùng vợ. Vào giờ hành chính, ông quay trở lại đài truyền thanh xã để làm nhiệm vụ.

Nhắc về kỷ niệm gắn bó gần 30 năm với nghề, ông Thỉnh cho biết, trước kia, đài xã chủ yếu chỉ có nhiệm vụ tiếp âm chương trình của đài cấp trên. Bởi thế, máy móc phục vụ công việc cũng đơn giản, gồm một chiếc cassette, một tăng âm, một chiếc micro. Dần dần, đài truyền thanh cơ sở ngày càng được quan tâm đầu tư, bổ sung trang thiết bị. Đến nay, đài truyền thanh xã Hồng Phong được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại như máy tính, 2 máy tăng âm công suất lớn, bộ thu phát tự động.

“Trước đây, hệ thống đài không được hiện đại như hiện tại, đường dây truyền tải là dây trần, khi có trục trặc, bản thân tôi phải tự sửa. Công việc rất vất vả. Mãi đến năm 2002, đài mới được trang bị hệ thống máy tính. Khi được trang bị máy móc kỹ thuật mới, tôi tham gia các lớp tập huấn và nỗ lực tự học, từ việc cắt ghép, phát lại sau khi thu âm, luyện giọng để khi mình nói thì bà con dễ nghe, dễ tiếp nhận...” - ông Thỉnh bộc bạch.

Tại xã Tiến Thịnh (huyện Mê Linh), ông Lê Ngọc Thanh (sinh năm 1960) là cán bộ đài truyền thanh cơ sở có gần 20 năm gắn bó với nghề. Phụ cấp ít ỏi song không quản ngày nghỉ, không quản nắng hay mưa, ban ngày hay ban đêm, hễ có bản tin mới cần truyền đạt tới người dân là ông Lê Ngọc Thanh lại có mặt tại phòng phát thanh của xã. Năm 2021, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên địa bàn huyện Mê Linh, ông Thanh đã giao phó việc nhà cho vợ con để ở lại phòng phát thanh của xã thực hiện viết bài tuyên truyền và phát thông tin vận động người dân không hoang mang, lo sợ, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch.

Ứng dụng công nghệ số vào công tác tuyên truyền

Cùng với máy móc hiện đại, yêu cầu đối với người cán bộ truyền thanh càng ngày càng khắt khe hơn. Ở đài truyền thanh xã Sơn Công (huyện Ứng Hòa), công việc của cán bộ đài cũng đòi hỏi phải bắt nhịp với công nghệ hiện đại.

Ông Đặng Hữu Xá, cán bộ phụ trách đài truyền thanh xã Sơn Công suốt gần 3 năm nay cho biết, khi hệ thống loa truyền thanh của xã có trục trặc, bản thân ông phải tự sửa chữa. Có nhiều năm dù đã 28 tháng Chạp, nhà nhà rộn rã gói bánh chưng nhưng khi loa có trục trặc, ông và đồng nghiệp vẫn vác thang đi sửa chữa để đường truyền êm thuận, phục vụ việc truyền thanh, chúc Tết đầu năm tới đông đảo nhân dân.

Ở đài truyền thanh xã Hồng Phong (huyện Chương Mỹ), ông Nguyễn Ngọc Thỉnh vừa đảm nhiệm công việc của một người làm kỹ thuật thu, phát sóng, vừa làm nội dung, lại kiêm luôn công việc phát thanh viên các thông báo, tin, bài truyên truyền và thường trực phục vụ các sự kiện của xã. Để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận thông tin nhanh chóng của người dân trong thời đại số, ngoài việc thường xuyên cập nhật tin tức thời sự mà bạn đọc quan tâm, ông Thỉnh còn tiếp cận và truyền tải thông tin qua các kênh, mạng xã hội như Zalo, Facebook.

“Ở đây người ta thường nói vui tôi là “Ông qua loa”, nhưng không chỉ đảm nhiệm công việc tiếp dẫn thông tin qua loa truyền thanh, giờ tôi còn xử lý thông tin nhanh qua Zalo, Fecebook. Chỉ có học tập và không ngừng cập nhật thông tin thì mới có thể đáp ứng nhu cầu về thông tin của người dân trong thời đại số” - ông Nguyễn Ngọc Thỉnh chia sẻ.

Thành phố Hà Nội có kế hoạch để các địa phương từng bước chuyển đổi sang hệ thống truyền thanh kỹ thuật số. Việc phát thanh sẽ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), tức là sử dụng phần mềm để chuyển văn bản cần thông tin đến người dân sang giọng nói và giọng nói có thể theo từng vùng, miền để người dân dễ nghe, dễ hiểu. Nói cách khác, với công nghệ truyền thanh kỹ thuật số, cán bộ phụ trách đài truyền thanh có thể sử dụng điện thoại thông minh, laptop để xử lý, biên tập thông tin và đưa ngay lên hệ thống phát thanh thay vì phải đến trụ sở để trực và đọc bản tin.

Được biết, tất cả những cán bộ đài cơ sở này đều ủng hộ chủ trương của Thành phố bởi đây là quá trình phát triển tất yếu. Hơn hết, công nghệ này đặc biệt hữu dụng trong những tình huống phổ biến thông tin khẩn cấp, đột xuất như bão lũ, dịch bệnh... Họ cũng nhất quán rằng việc học tập không ngừng nghỉ là cần thiết, bởi không học những cái hay, cái mới thì bản thân sẽ tụt hậu. Mong mỏi lớn nhất của họ là Thành phố sẽ quan tâm nhiều hơn đến chính sách hỗ trợ và công tác đào tạo, tập huấn để đội ngũ truyền thanh cơ sở có thể bắt nhịp với công nghệ mới.

Tạm biệt những người cán bộ đài truyền thanh cơ sở, tôi chợt nhận ra những người như ông Thỉnh, ông Thanh... hay rộng hơn là hàng trăm cán bộ đài truyền thanh cơ sở tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn Hà Nội, dù với phụ cấp ít ỏi nhưng họ vẫn luôn bền bỉ, miệt mài cần mẫn với công việc. Tình yêu, trách nhiệm với công việc của họ đã giúp mọi thông tin về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đến gần hơn với nhân dân, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương. Đây là những nỗ lực, những đóng góp thầm lặng đáng quý và đáng trân trọng.

Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 200/KH-UBND về thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn thành phố. Kế hoạch nêu rõ, đến năm 2025, 100% đài truyền thanh cấp xã chuyển đổi sang đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông; sử dụng phổ biến công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp với công nghệ xử lý dữ liệu lớn (Big Data) trong sản xuất nội dung chương trình phát thanh; chuyển đổi nội dung văn bản sang giọng nói.

Bên cạnh đó, Thành phố còn đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% cán bộ làm công tác thông tin cơ sở cấp huyện và cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến về chuyên môn, nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ để khai thác, biên soạn tài liệu, lưu trữ thông tin, quản lý và vận hành thiết bị kỹ thuật hiện đại phù hợp với vị trí việc làm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những người “giữ lửa” truyền thanh cơ sở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.