Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những người con Hà Nội ở Trường Sa

Hà Vân| 16/06/2023 12:20

(HNMO) - Những ngày có mặt trên quần đảo Trường Sa, tiếp xúc, trò chuyện với những người lính đang ngày đêm bảo vệ vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, đặc biệt là những chàng trai Hà Nội, tôi mới thấu hiểu hơn, vì sao họ sẵn sàng gác lại chuyện yêu đương, vào giảng đường đại học hay cuộc sống đủ đầy để ra Trường Sa nắng và gió... Cùng với trách nhiệm và nghĩa vụ của một công dân “Tổ quốc là trên hết!”, đó còn là tình yêu tha thiết với biển đảo quê hương, niềm thương với một đại gia đình luôn sẵn sàng sát cánh bên nhau “vào sinh ra tử”…

Bác sĩ Lã Thanh Tuấn thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Trí Tuệ

Cứu người giữa trùng khơi

Những ngày hè lênh đênh giữa biển trời mênh mông, từng ngọn gió quyện vào cái nắng nóng chói chang như tăng thêm sự rát bỏng. Có trải qua những ngày nắng nóng ấy, mới thêm thương những người lính canh giữ pháo đài quân sự của Tổ quốc nơi cửa ngõ Biển Đông.

Ấy vậy mà, trên các đảo chúng tôi ghé thăm, người lính nào cũng đều tươi cười, lạc quan, yêu đời. Dường như nắng nóng cháy da thịt, thiếu thốn trăm bề vẫn không thể lay chuyển được ý chí sắt đá của những chàng trai này. “Bảo vệ biển trời, mang lại bình yên cho Tổ quốc”, với họ, không chỉ đơn thuần là nghĩa vụ và trách nhiệm, mà còn là mệnh lệnh của lương tâm.

Giữa những người lính từ các vùng miền trong cả nước ở Trường Sa, tình cờ tôi gặp rất nhiều người con của Hà Nội. Đa số họ tuổi đời còn rất trẻ, có người vừa thi đỗ vào đại học, có người vợ vừa sinh con, có cả những bác sĩ đang có thu nhập khá cao ở thành phố lớn…, nhưng họ đều tình nguyện ra Trường Sa phục vụ. Và ngày đêm, bằng công việc và sứ mệnh của mình, họ góp sức bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa.

Chúng tôi đặt chân lên thị trấn Trường Sa khi đã cuối chiều mà trời vẫn khá oi bức. Từ trung tâm đảo, đi bộ vài trăm mét đã nhìn thấy một khu nhà bề thế, khang trang, xung quanh là vườn thuốc nam nhỏ xinh - đó là Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa.   

Thời điểm đó, Trung tâm có hai bệnh nhân đang điều trị do mắc bệnh trong quá trình lao động sản xuất. Anh Ngô Khắc An, sinh năm 1985, quê Thanh Hóa, công tác tại đảo Đá Lát, vào viện trong tình trạng cơn thiếu máu não thoáng qua, rối loạn tiền đình. Bệnh nhân còn lại là một ngư dân đang đánh cá trên biển, bị đau bụng được đưa vào đảo cấp cứu. Sau mấy ngày điều trị, các bệnh nhân đã ổn định sức khỏe, có thể trở lại tiếp tục với công việc.

Bác sĩ Lã Thanh Tuấn - Phụ trách Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa cho biết, gần một năm ra đảo, anh cùng tập thể y, bác sĩ nơi đây đã thăm khám, điều trị cho rất nhiều bệnh nhân, trong đó có những ca rất nặng. Một trong những ca bệnh điển hình và được báo chí nhắc nhiều là trường hợp bệnh nhân H.V.Đ (quê Kỳ Anh, Hà Tĩnh), trong quá trình lặn từ độ sâu 35m lên đột ngột, bị giảm áp sâu, đau ngực, khó thở, yếu hai chi dưới, nhờ được đưa vào Trung tâm cấp cứu, sau đó được trực thăng đưa vào đất liền điều trị tiếp, nay bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn.

Ca bệnh mới đây nhất được Trung tâm cấp cứu là trường hợp của ngư dân Đỗ Văn Hải, 43 tuổi, quê Bình Thuận, bị tai nạn lao động trên biển, được đưa vào đảo cấp cứu với chẩn đoán bị gãy 1/3 trên xương cánh tay phải, tổn thương động mạch, thần kinh cánh tay phải; gãy kín xương đốt ngón tay ở bàn tay phải; dập phần mềm, tụ máu 1/3 đùi, gối trái. Hai cán bộ của đảo đã hiến máu khẩn cấp để cứu bệnh nhân. Sau điều trị ổn định, bệnh nhân đã được chuyển về đất liền thông qua tàu của đoàn công tác số 5/2023 để chữa trị tiếp.

Bác sĩ Lã Thanh Tuấn và bác sĩ Kiều Công Dân chăm sóc bệnh nhân. Ảnh: Trí Tuệ

Theo bác sĩ Kiều Công Dân, từ khi Trung tâm Y tế Trường Sa được nâng cấp trang thiết bị hiện đại, đội ngũ y tế trên đảo có điều kiện để chăm sóc sức khỏe cho quân dân trên đảo và ngư dân trên biển tốt hơn trước rất nhiều. Trung tâm hiện hoạt động như một bệnh viện hạng 2, mỗi năm thăm khám, điều trị, cấp phát thuốc cho hàng nghìn ca bệnh. Bệnh nhân nhập viện cũng đa dạng các loại bệnh lý, từ đơn giản như đau bụng, ruột thừa, chấn thương trong quá trình lao động, sản xuất đến những ca nặng phải hội chẩn trực tuyến với các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài quân đội từ đất liền thông qua hệ thống Telemedicine để phẫu thuật, hay những ca cận kề giữa sự sống và cái chết như ngừng tim, suy hô hấp…

Những “đôi bàn tay vàng” sẵn sàng ra đảo

Hai chàng trai Hà Nội mà tôi gặp ở Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa đều là những bác sĩ có tay nghề "cứng". Ở đất liền, ngoài thời gian công tác tại bệnh viện, họ đều được nhiều nơi mời cộng tác. Nhưng các anh sẵn sàng gác lại tất cả để ra Trường Sa cùng đồng đội, với ước nguyện được chung sức bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Bác sĩ Lã Thanh Tuấn cho biết, quê anh ở xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai, còn bác sĩ Kiều Công Dân là người con của thị xã Sơn Tây. Cả hai đều thuộc quân số của Bệnh viện 175 - đóng tại quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh. Bác sĩ Tuấn ra đảo được gần một năm, tháng 7 này hết nhiệm kỳ, còn bác sĩ Kiều Công Dân mới ra đợt tháng 12-2022. Dù vừa là tự nguyện, vừa theo kế hoạch, nhưng ra đảo công tác rồi, cả hai chàng trai Hà Nội đều nói rất nhớ nơi này nếu phải chia tay trở về đất liền.

Bác sĩ Lã Thanh Tuấn và bác sĩ Kiều Công Dân bên vườn thuốc nam của Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa. Ảnh: Trí Tuệ

“Về công tác tại Bệnh viện 175, anh em chúng tôi luôn xác định sẽ ra đảo thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, nên khi đến lượt lên đường, ai cũng vui vẻ”, bác sĩ Tuấn chia sẻ.

Vì vậy, mặc dù bố mẹ ở Hà Nội, con mới 4 tuổi, bác sĩ Tuấn vẫn sẵn sàng lên đường ra đảo. Rất may, vợ anh công tác cùng bệnh viện nên cũng được lãnh đạo tạo điều kiện có thời gian chăm sóc con nhỏ.

Trong khi đó, gia đình bác sĩ Kiều Công Dân thuận lợi hơn, cháu lớn học lớp 8, cháu nhỏ học lớp 2, vợ làm kinh doanh nên được chủ động về thời gian lo cho gia đình.

Bác sĩ Kiều Công Dân thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Trí Tuệ

Dù hoàn cảnh gia đình thuận lợi, hay khó khăn, những người lính quân y như bác sĩ Tuấn, bác sĩ Dân luôn chấp nhận hy sinh, vất vả hơn rất rất nhiều đồng nghiệp. Trên đảo, dẫu còn nhiều khó khăn so với đất liền nhưng họ cùng các đồng đội luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, đảm bảo sức khỏe cho chiến sĩ, người dân trên đảo, ngư dân trên biển, cùng bám biển, giữ đảo - một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc.

Qua câu chuyện với Thượng tá Nguyễn Công Chính - Chính trị viên đảo Trường Sa, chúng tôi biết thêm về đôi bàn tay vàng phẫu thuật thẩm mỹ của bác sĩ Tuấn. Khi ở đất liền, ngoài giờ công tác tại bệnh viện, bác sĩ Tuấn luôn được nhiều cơ sở y tế mời phẫu thuật thẩm mỹ. Tài năng ấy nơi sóng gió Trường Sa lặng lẽ “tỏa hương” theo một cách rất riêng.

“Có những bệnh nhân được bác sĩ Tuấn chăm sóc, thay băng nhẹ nhàng đến mức họ còn không nhận ra mình vừa được bác sĩ chăm sóc”, Thượng tá Nguyễn Công Chính chia sẻ.

Bác sĩ Lã Thanh Tuấn và các nhà báo trong Đoàn công tác số 3 năm 2023 tặng quà cho bệnh nhân. Ảnh: Trí Tuệ

Giữa trùng dương mênh mông, trái tim của những người chiến sĩ quân y, trong đó có những người con của Hà Nội, không chỉ rực cháy ngọn lửa của y đức, mà còn là ngọn lửa của tình yêu nước, tình yêu đồng bào, thật sự làm ấm lòng người lính, an lòng người dân.

Góp thanh xuân giữ vững biển đảo quê hương

Khác với vẻ thư sinh của bác sĩ Tuấn, binh nhì Đào Tuấn Anh, sinh năm 2003, quê xã Phù Ninh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, mới ra đảo chưa đầy một năm nhưng đã rắn rỏi như dân biển, làn da đen cháy, như hầu hết lính biển vẫn thường đùa vui: “Bây giờ nắng phải sợ mình, chứ mình không sợ nắng".

Học xong phổ thông, Tuấn Anh viết đơn tình nguyện vào bộ đội dù đã có giấy gọi của một trường đại học. Nguyên nhân rất đơn giản: “Ông nội là bộ đội nên cháu rất thích được vào môi trường quân đội để rèn luyện. Khi biết cháu xin nhập ngũ, ông nội rất vui và ủng hộ quyết định của cháu”.

Chàng trai trẻ Đào Anh Tuấn.

Vì vậy, dù tuổi hai mươi cũng từng có người hò hẹn, Tuấn Anh vẫn tạm gác chuyện yêu đương, lên đường nhập ngũ với ước mơ được phục vụ lâu dài trong quân đội. Đặc biệt, được ra Trường Sa công tác, giúp chàng trai trẻ thay đổi rất nhiều. Tuấn Anh cho biết, đời sống sinh hoạt của đơn vị rất tốt, anh em đồng đội đùm bọc, yêu thương...

Lúc đầu ra đảo, cảm giác nhớ nhà, nhớ đất liền cũng có lúc khiến chàng trai trẻ buồn nao lòng, nhưng được anh em chia sẻ, chỉ huy đảo quan tâm, mỗi tuần còn được đơn vị tạo điều kiện gọi điện về nhà, biết tin bố mẹ vẫn khỏe mạnh, chàng lính trẻ thêm thoải mái trong tư tưởng, an tâm hơn để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Cuộc sống bộ đội giúp cậu rắn rỏi, tự tin hơn và đảo thiêng Trường Sa đã trở thành ngôi nhà ấm áp tự lúc nào.

Thế nên, tôi không ngạc nhiên, nhưng tràn đầy xúc động khi nghe cậu tâm sự sau khi hoàn thành nghĩa vụ sẽ thi vào một trường quân đội, mong được cống hiến trong môi trường quân đội. Nếu có dịp, cậu vẫn muốn quay lại công tác ở Trường Sa. 

“Cuộc sống bộ đội và bên ngoài khác nhau rất nhiều. Khi ở nhà, cháu chưa bao giờ tham gia biểu diễn văn nghệ. Vào bộ đội được anh em động viên, cháu mạnh dạn tham gia. Tối nay, nhóm cháu sẽ biểu diễn bài dân vũ rất khỏe khắn chào mừng đoàn công tác đến thăm Trường Sa”, Tuấn Anh chia sẻ bằng âm giọng lấp lánh vui.

Đào Tuấn Anh và các đồng đội biểu diễn bài dân vũ chào mừng đoàn công tác ra thăm Trường Sa.

Từ ngày ra đảo chưa được về nhà, nhưng hình ảnh quê hương Sóc Sơn với đền Gióng, núi Đôi luôn trong tâm trí của chàng trai trẻ. Những kỷ niệm ngọt ngào thủa ấu thơ theo mẹ lên bán hàng ở cổng đền Sóc, được xem rước Thánh, xem cướp giò hoa tre, xin lộc dịp lễ hội… trở thành nguồn động viên rất lớn đối với cậu nơi đảo xa này, để thấy đất liền gần lắm, ngay trong lồng ngực, để những bước tuần canh trên đảo mỗi ngày thêm mạnh mẽ. Bởi hơn ai hết, chàng thanh niên Hà thành thấm nhuần rằng, thành trì trên Biển Đông vững vàng cũng đồng nghĩa quê hương mình bình yên, phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những người con Hà Nội ở Trường Sa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.