(HNMO) – Theo bà Nancie Atwel, người từng đoạt giải Giáo viên xuất sắc nhất thế giới năm 2015, môi trường học phải là nơi hội tụ sự thông thái, hạnh phúc và vẻ đẹp.
Không thể phủ nhận, trường nội trú Stowe tại thành phố Buckinghamshire, Anh là một trong những ngôi trường đẹp nhất thế giới. Trường được thành lập năm 1923 trên khu đất Arcadian – nơi được cho là có phong cảnh lãng mạn nhất của nước Anh từng có nguy cơ bị phá hủy vào thời điểm đó. Người có công lớn trong việc xây ngôi trường này là kiến trúc sư Clough William-Ellis. Hiệu trưởng đầu tiên của Stowe từng phải thốt lên rằng: “Đây là ngôi trường phải dành cả đời để chiêm ngưỡng mới thấm được vẻ đẹp thật sự của nó”.
Trong suốt quá trình học và nội trú tại trường, học sinh luôn được bao bọc bởi vẻ đẹp thơ mộng của khung cảnh thiên nhiên. Từ những khu vườn được thiết kế công phu và lộng lẫy dưới bàn tay của “người làm vườn số 1 nước Anh”- kiến trúc sư Capability Brown, cho đến những tòa nhà xây dựng theo lối cổ điển bởi những kiến trúc sư vĩ đại nhất của Anh thế kỷ 18 như John Vanbrugh, William Kent hay Robert Adam… Kể từ năm 1989, khuôn viên của ngôi trường được chăm sóc bởi Tổ chức quốc gia cho những nơi có giá trị lịch sử hay vẻ đẹp thiên nhiên (National Trust). Khu ký túc cho nữ sinh được xây dựng dưới bàn tay của kiến trúc sư Rick Mather cũng đã góp phần làm nên vẻ đẹp lộng lẫy của trường Stowe.
Trên thực tế, không phải ngôi trường nào cũng hội tụ đầy đủ những điều kiện tuyệt vời như trường Stowe (Anh). Ngôi trường công lập đặc biệt được thiên nhiên ưu ái, đến mức người ta thường bảo nhau rằng, có thể tìm thấy vẻ đẹp ở bất cứ đâu trong khuôn viên trường, kể cả những góc cảnh bình thường nhất.
Có một nơi khác biệt hoàn toàn với quang cảnh sáng bóng ở Anh là ngôi trường nổi tại Makoko, thị trấn thuộc vùng sông nước tồi tàn ngoài khơi bờ biển của Lagos, Nigeria. Ngôi trường được xây dựng bởi công ty kiến trúc NLE của Hà Lan, giám đốc điều hành là người gốc Nigeria, Kunlé Adeyemi.
Ngôi trường chỉ đơn giản được thiết kế bằng gỗ nhưng lại mang một vẻ đẹp ám ảnh khi nó nằm trên mặt nước, nổi bật giữa những căn nhà ổ chuột. Cách đây gần 100 năm, ngôi trường Makoko từng bị các chính trị gia và nhà chức trách đe dọa phá hủy vì cho rằng nó nằm ở khu vực không hợp pháp. Tuy nhiên, cho đến bây giờ, ngôi trường Makoko ngày càng được nhiều người trên thế giới biết đến và trở thành niềm tự hào của người dân Nigeria. Nhờ tinh thần làm việc gần gũi với những người dân địa phương mà công ty NLE không chỉ mang đến nền giáo dục cho trẻ em ở Makoko mà còn xây dựng được một vẻ đẹp tươi mới cho thị trấn nổi tiếng là nghèo khó này.
Vẻ đẹp cũng như tính thực tiễn của những ngôi trường được xây từ thời Trung cổ tại Oxford hay Cambridge không chỉ được minh chứng qua thời gian mà còn là nguồn cảm hứng dồi dào để thiết kế những trường học hiện đại trên khắp thế giới.
Một số sinh viên đại học chọn trường đại học Magladen, trực thuộc đại học Oxford (Anh) chủ yếu vì vẻ đẹp của nó – những khu hành lang và tòa tháp xây theo lối Trung cổ được thiết kế bởi kiến trúc sư William Orchard, cùng những chi tiết mang hơi hướng từ thời hậu Phục Hưng đều được thể hiện rất rõ nét tại khuôn viên trường bên dòng sông Isis, một nhánh của sống Thêm và công viên hươu.
Không phải ngẫu nhiên mà thư viện của Magladen lại có đầy đủ những bộ sưu tập sách về kiến trúc. Kể cả ấn bản năm 1649 của tác phẩm De Architectura của kiến trúc sư La Mã Vitruvius – một chuyên luận có niên đại từ thế kỷ 1 TCN. Vitruvius đã nhắc nhở những kiến trúc sư đời sau về nghĩa vụ của họ trong việc xây dựng những tòa nhà vững chãi, tiện nghi mà khiến người khác thích thú.
Phải nói rằng, một trong những nơi gây hứng thú nhất đối với người học là nơi có hàng chục những tủ sách bao quanh. Đi dạo dọc theo căn phòng kéo dài của Thư viện cổ của trường Trinity, Dublin là một trải nghiệm tuyệt vời để cảm nhận rõ hơn về văn học và kiến trúc. Căn phòng được lót gỗ kéo dài 65 mét gây ấn tượng với mái vòm lớn và những hốc tường chứa đầy những quyển sách bọc da xen kẽ những bức tượng của các triết gia và nhà văn xuất chúng.
Sau khi được hoàn thành vào năm 1732, thư viện được thiết kế dưới bàn tay Đại tá Thomas Burgh, một kỹ sư quân sự kiêm kiến trúc sư đã trở thành tòa nhà rộng lớn và văn minh và kiên cố nhất thành phố.
Dù thiết kế theo lối kiến trúc của Pháp, lối cổ điển, Bắc Phi hay Trung Đông… thì phần lớn trường học trên thế giới đều cần phải có hành lang và sân trường. Đây là hai nơi mà học sinh có thể sử dụng để ôn bài, học nhóm hay đi dạo sau khi giờ học kết thúc.
Một trong những trường học có thiết kế sân trường và hành lang tinh tế nhất ở Mỹ là trường đại học Scripps, một trường nữ sinh được thành lập năm 1926 bởi bà Ellen Browning Scripps, 89 tuổi tại Claremont, một thị trấn nhỏ gần Los Angeles. Phong cách kiến trúc của ngôi trường hoàn toàn phù hợp với khí hậu của California và nới xây dựng trường - phía dưới dãy núi San Gabriel. Những khoảng trống của các dãy hành lang được thiết kế bởi hai kiến trúc sư đến từ LA, Mỹ Summer Hunt và Silas R Burns đã đem lại cảm giác như chính lời nói của nhà giáo xuất sắc nhất thế giới, Nancie AtWell – “một nơi hội tụ sự thông thái và hạnh phúc”.
Trong khi các trường đại học Magladen, Trinity hay Scripps đều được xây dựng bởi nguồn kinh phí dồi dào, cộng thêm sự mở rộng những khu vực mới của trường để có thể lọt vào danh sách những địa điểm giáo dục đẹp nhất thế giới. Thì xu hướng xây trường học đẹp mà tiết kiệm trở nên khá phổ biến trong thời điểm hiện nay. Điển hình là ngôi trường Rolex Learning Centre tại Lausanne, Thụy Sĩ do nhóm kiến trúc sư Sanaa của Nhật bản thiết kế.
Công trình bao gồm thư viện, các phòng thí nghiệm, nhà hàng, không gian gặp gỡ và nhiều khu vực khác. Mái vòm của tòa nhà có một đặc tính hữu cơ giúp nó có thể co giãn. Sejima và Ryue Nishizawa, những người sáng lập nên SANAA, đã được tao Giải thưởng Kiến trúc Pritzker năm 2010. Ban giám khảo đã ca ngợi họ vì ý tưởng giúp cho con người có thể kết nối với nhau một cách dễ dàng, tiết kiệm chi phí và thiết kế phù hợp với tất cả những điều kiện của vùng nội đô hay vùng ít người sinh sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.