(HNM) - Trưa nắng hè như “đổ lửa”, chúng tôi cùng đoàn cán bộ của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hà Nội tới thăm những gia đình khó khăn được thành phố hỗ trợ vốn xây, sửa nhà dột nát...
Bà Kiều Thị Khả ở xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ bên ngôi nhà vừa mới sửa xong. |
An cư mới lạc nghiệp
Dọn về ngôi nhà mới vừa hoàn thành vào tháng 5-2018, bà Trần Thị Phấn ở thôn Thượng Tả (xã Phú Sơn, huyện Ba Vì) không giấu được hạnh phúc. Bà kể, chồng bà mất sớm, một mình bà nuôi con gái trưởng thành rồi gả chồng. Cả sản nghiệp của bà không có gì ngoài một sào ruộng. Ngôi nhà cũ đắp bằng vỏ trấu trộn đất, lợp ngói từ hơn 30 năm trước. Đến năm 2017, căn nhà xuống cấp nghiêm trọng, mùa nắng thì cả bầu trời thu nhỏ vào trong; mùa mưa dột khắp nơi..., mà gọi là nhà cũng không đúng nghĩa vì không gian rất nhỏ, chỉ đủ kê chiếc giường cho 2 mẹ con bà, cuộc sống rất cơ cực. Đầu năm 2018, thành phố, huyện, xã hỗ trợ 20 triệu đồng và cho vay 25 triệu đồng (không lãi suất) trả trong vòng 15 năm, cùng sự giúp đỡ của anh em, họ hàng, xóm giềng, bà Phấn đã xây được ngôi nhà khoảng 60m2 với kinh phí 160 triệu đồng. “Giờ được ở trong ngôi nhà mới vẫn còn thơm mùi sơn, cuộc đời tôi dường như bước sang trang mới, không còn lo lắng mỗi khi trời mưa hay nắng” - bà Trần Thị Phấn tươi cười nói.
Cùng tốp thợ xây dựng ngôi nhà mới ở giai đoạn "thô", chị Chu Thị Thanh cũng ở xã Phú Sơn trò chuyện với chúng tôi trong những giọt nước mắt hạnh phúc và niềm tin vào tương lai. Chị cho biết, ngôi nhà cũ của gia đình vừa bị đổ sập trong trận mưa cuối năm 2017. Chồng chị mất sớm, 4 mẹ con chịu cảnh “màn trời, chiếu đất”, may sao, được người quen tốt bụng cho mượn tạm căn nhà cấp bốn để tá túc... Được thành phố hỗ trợ cho vay vốn; cùng với sự giúp đỡ của anh em, bà con, hiện căn nhà mới khoảng 70m2, với mái bằng bê tông kiên cố đang được xây dựng, kinh phí 400 triệu đồng, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2018.
Rời Ba Vì, chúng tôi tới thăm những ngôi nhà vừa sửa xong của các hộ nghèo tại xã Tích Giang (huyện Phúc Thọ). Với dáng người gầy, khắc khổ của người phụ nữ nông thôn lam lũ, bà Kiều Thị Khả ở cụm 7, xã Tích Giang đang chăm sóc người con trai gần 40 tuổi không may bị nhiễm chất độc da cam, không thể đi lại được, hoàn toàn phụ thuộc vào người mẹ gần 70 tuổi. Bà chia sẻ, ngôi nhà cấp bốn này do hai vợ chồng bà xây dựng đã được hơn 30 năm. Trước đây làm nhà không có xi măng, chỉ trát bằng vôi cát, hiện xuống cấp nghiêm trọng. Chồng bà đã mất khoảng 10 năm nay, các con bà lần lượt qua đời vì di chứng chất độc da cam; hiện chỉ còn người con trai, song cũng bệnh tật liên miên… nhiều lúc tưởng chừng cuộc sống bế tắc. Tuy nhiên, từ đầu năm nay, được sự giúp đỡ của thành phố, gia đình đã sửa lại căn nhà khang trang hơn, 2 mẹ con không còn phải sống trong cảnh bất an vì ngôi nhà lụp xụp...
Còn đó những nỗi lo
Được về ở trong những ngôi nhà khang trang, với những gia đình khó khăn, đó thực sự là giấc mơ có thật. Tuy nhiên, kèm theo đó vẫn còn nỗi lo cơm - áo... Đơn cử như gia đình chị Nguyễn Thị Sâm ở cụm 3, xã Tích Giang (huyện Phúc Thọ). Hiện chị vừa mưu sinh, vừa phải chăm người chồng bị bệnh, không đi lại được cùng 2 người con, 1 cháu nội bị mắc bệnh tâm thần và mẹ chồng hơn 80 tuổi… Với hoàn cảnh này, chị Sâm gần như suy sụp về thể chất và tinh thần... Từ đầu tháng 6 đến nay, được Nhà nước hỗ trợ, chị mới sửa sang được căn nhà (xây dựng từ năm 1968). Tâm sự trong nước mắt, chị cho biết gia đình thuộc diện nghèo nhất xã, quanh năm chỉ cấy 4 sào ruộng và nuôi mấy con gà nên 6 thành viên trong gia đình thường xuyên “đứt bữa”… May mắn được Nhà nước hỗ trợ sửa nhà để trú mưa, nắng, nhưng cuộc sống hằng ngày thì vẫn túng thiếu, mờ mịt...
Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hà Nội Nguyễn Kim Phung cho hay, các hộ nghèo phần lớn là người cao tuổi, người đơn thân nuôi con nhỏ, mắc bệnh hiểm nghèo… nên công tác xây dựng, sửa chữa nhà ở gặp nhiều khó khăn. Một số trường hợp thành viên trong gia đình thuộc diện hộ nghèo được vay vốn nhưng lại không đủ sức khỏe và năng lực hành vi dân sự để đứng tên làm thủ tục vay vốn. Có những trường hợp người đại diện hộ gia đình vay vốn lại chưa có chứng minh thư nhân dân nên gặp vướng mắc trong việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục tại ngân hàng. Mặc dù còn những khó khăn nhất định, nhưng chương trình hỗ trợ về nhà ở cho người nghèo của thành phố nhìn chung đã mang đến niềm vui, hạnh phúc cho nhiều người.
Khi được hỏi, liệu các hộ nghèo có đủ khả năng trả nợ vốn vay, ông Nguyễn Kim Phung cho biết, theo quy định, các hộ nghèo xây dựng, sửa nhà mới được vay 25 triệu đồng, thời gian cho vay trong vòng 15 năm, không phải trả lãi suất trong suốt thời hạn vay, chỉ phải trả tối thiểu 10% tổng số vốn đã vay/năm (tính từ năm thứ 6 trở đi vì 5 năm đầu được ân hạn). Tuy nhiên, để bảo đảm các hộ có thể trả nợ theo đúng quy định, ngoài chương trình cho vay về nhà ở, các hộ thuộc diện hộ nghèo vẫn được vay vốn giải quyết việc làm tối đa 50 triệu đồng để tăng gia sản xuất, ổn định cuộc sống. Đối với những hộ người già, sức khỏe kém phải có người nhà bảo lãnh. Nhìn chung, các phương án xây, sửa nhà được triển khai theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, phù hợp nhu cầu và mục đích sử dụng; giúp các hộ nghèo dần ổn định cuộc sống, làm nền tảng vững chắc để họ từng bước thoát nghèo...
"Ngay sau khi thành phố ban hành Kế hoạch số 29/KH-UBND ngày 25-1-2018 về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn, thành phố đã chuyển vốn ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hà Nội 108,5 tỷ đồng cho 4.341 hộ vay. Đến hết tháng 6, Chi nhánh đã giải ngân 76,7 tỷ đồng cho 3.071 hộ vay vốn tại 15 huyện, đạt tỷ lệ hơn 70%, còn lại 1.270 hộ đã có quyết định nhưng chưa giải ngân. Đến hết tháng 7-2018, sẽ giải ngân cho 245 hộ được vay vốn để xây dựng, sửa nhà theo quy định. Dự kiến đến tháng 10-2018, chương trình này sẽ kết thúc" - ông Nguyễn Kim Phung thông tin.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.