Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những nẻo đường về hồn thơ Việt

Tần Tần| 09/07/2010 08:30

(HNM) - Tác giả Nguyễn Duy đã in 20 tập sách, trong đó có tới 17 tập thơ, nhưng phải tới


Không chỉ có “Tre Việt Nam”
Bao thế hệ học sinh Việt Nam dường như chỉ biết tới Nguyễn Duy với bài thơ “Tre Việt Nam” được giảng dạy trong chương trình phổ thông hoặc thêm nữa là “Ánh trăng” in trong phần đọc thêm của sách giáo khoa Ngữ văn. Nhưng khối lượng thơ Nguyễn Duy đồ sộ hơn nhiều và phong cách thơ của ông cũng khá phong phú. Cầm tuyển “Nguyễn Duy thơ” gần 450 trang khổ lớn, đủ thấy sức viết Nguyễn Duy. Ấy là còn chưa kể từ năm 1997, ông đã tuyên bố tạm “gác bút” để làm mới thơ mình.

Khi còn nhỏ, Nguyễn Duy đã được bà ngoại đọc cho nghe rất nhiều hò, vè, ca dao, truyện nôm. Những vần điệu dân gian đã ngấm sâu vào tâm trí Nguyễn Duy, để rồi bật lên thành những vần thơ mộc mạc: “Mẹ ta chẳng có yếm đào/Nón mê thay nón quai thao đội đầu/Rối ren tay bí tay bầu/Váy nhuộm bùn, áo nhuộm nâu bốn mùa” hay “Bao giờ cho tới mùa thu/Trái hồng, trái bưởi đánh đu giữa rằm/Bao giờ cho tới tháng năm/Mẹ ra trải chiếu ta nằm đếm sao/Ngân hà chảy ngược lên cao/Quạt mo vỗ khúc nghêu ngao thằng Bờm”.

Có lẽ, Nguyễn Duy thành công nhất, viết thơ hay nhất với thể lục bát. Nhà phê bình văn học Chu Văn Sơn nhận xét: “Chỉ ở thể thơ lục bát, hồn thơ Nguyễn Duy mới dậy men, nổi gió”. Nguyễn Duy đã hiện đại hóa thơ lục bát khi diễn tả những cung bậc cảm xúc trong cuộc sống hiện đại bằng những câu thơ sáu - tám: “Bao giờ cho tới ngày xưa/Yêu như các cụ cho vừa lòng ta/Cái thời chưa có SIDA/Yêu lăn yêu lóc la đà đã chưa” hoặc “Lan báo hỉ nở tình cờ/Bông ngô đồng rụng xuống bờ Hương Giang/Chợ chiều Bến Ngự chưa tan/Ai đi ngược dốc Phố Cam một mình”… Thơ Nguyễn Duy còn là những cảm hứng được bắt nguồn từ đời sống hiện thực: “Xứ sở nhân tình/Sao thật lắm thương binh đi kiếm ăn đủ kiểu/Nạng gỗ khua rỗ mặt đường làng… Xứ sở thông minh/Sao thật lắm trẻ con thất học/Lắm ngôi trường xơ xác đến tang thương”. Thơ Nguyễn Duy có lúc lại tinh nghịch, trong veo tuổi học trò: “Học trò con trai ma quỷ/Học trò con gái thần tiên/Thầy xếp thần tiên ngồi bên ma quỷ/Bén hơi, ma quỷ ghẹo thần tiên”.

Những nẻo đường thơ - đường đời
Cuốn “Nguyễn Duy thơ” không sắp xếp tác phẩm theo trình tự thời gian sáng tác như các tuyển tập thông thường mà được chia thành những chặng đường thơ như: “Đường làng”, “Đường nước”, “Đường xưa”, “Đường về”. Tự tay nhà thơ đã sắp xếp 283 bài vào các chặng đường thơ - cũng là chặng đường đời của mình. Ở phần “Đường làng” là những bài thơ in đậm dấu chân kỷ niệm một tuổi thơ với những cánh đồng cỏ và hoa, bờ ruộng lấm tấm dấu chân cua, con cá kho dưa, với những kỷ niệm níu váy bà đi chợ, bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật… “Đường nước” là nơi những dấu chân người lính đã hành quân qua, tình nghĩa đồng đội, quân dân. “Đường xa” mang những trải nghiệm từ Á sang Âu, từ những vùng cổ kính tới những thành phố hiện đại, đôi khi là nhìn về đất nước từ nơi xa nữa. Nhà thơ dành phần “Đường về” cho sự tìm về mảnh đất quê của những hương đồng gió nội mà “đời ta khởi đầu từ nơi ấy”.

Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhận xét: “Hình hài Nguyễn Duy giống như đám đất hoang, thơ Nguyễn Duy là thứ cây quý mọc trên đám đất hoang đó”. Và “Nguyễn Duy thơ” là những gì tinh túy nhất, là hoa thơm, quả ngọt của thứ cây quý ấy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những nẻo đường về hồn thơ Việt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.