(HNM) - Để tưởng niệm hàng nghìn đồng bào đã chết trong ngày Thà Khẹc thất thủ, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài - Phân hội Nakhon Phanom (Thái Lan) tại Hà Nội có những hoạt động kỷ niệm...
Về dự cuộc gặp mặt năm nay có hơn 500 thành viên của Phân hội Nakhon Phanom tại Hà Nội cùng đại biểu các phân hội Lào - Thái ở nhiều tỉnh, thành của cả nước. Đây đều là những kiều bào đã về nước từ năm 1960-1964 theo lời hiệu triệu, kêu gọi kiều bào về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Bác Hồ. Như anh em một nhà lâu ngày mới được đoàn tụ, trong bầu không khí vô cùng đầm ấm, giữa những làn điệu nhịp nhàng của các bài hát truyền thống Lào - Thái, thành viên các hội vui mừng cùng ôn lại những kỷ niệm một thời không thể nào quên.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của Phân hội Lào - Thái đoàn Hà Tĩnh. |
Nhắc đến ý nghĩa của ngày gặp mặt, cô Hồ Kim Cúc - Phó Chủ tịch Phân hội Nakhon Phanom tại Hà Nội kể lại: Vào đầu tháng 3-1946, liên quân Lào - Việt với hơn 600 cán bộ, chiến sĩ lên đường tới Thà Khẹc để mở mặt trận mới ngăn chặn các đợt tấn công của Pháp. Thà Khẹc là thủ phủ tỉnh Khăm Muộn, nơi giao nhau của quốc lộ 13 - tuyến đường xương sống của đất nước Lào với đường 8 chạy về Hà Tĩnh. Đúng thời điểm đó, Pháp mở chiến dịch chiếm Thà Khẹc với lực lượng huy động có cả máy bay, xe tăng và nhiều đơn vị thiện chiến. Nhiều nhân chứng của trận chiến này vẫn còn nhớ, Pháp điều 4 máy bay lên ném bom đúng vào tầm chợ Thà Khẹc đông đúc nhất làm nhiều người thiệt mạng. Bà con sợ hãi ào xuống sông bơi sang bờ bên kia, giữa lúc đang chới với trên sông thì pháo địch câu xuống, máy bay tiếp tục ném bom. Ngày 21-3-1946 ấy, sông Mekong đoạn giữa Thà Khẹc sang Nakhon Phanom là dòng sông máu. Hơn 3.000 người dân vô tội đã chết khi vượt sông. Nhìn cảnh đó, người dân hai bên bờ sông chỉ biết tràn nước mắt. Ngày thất thủ của Thà Khẹc cũng chính là ngày mở đầu, là trận đánh mở đầu cuộc kháng chiến suốt 30 năm để giành lại nền độc lập, thống nhất hoàn toàn cho đất nước Lào.
Bà Hồ Thị An Ninh, người từng sống nhiều năm tại Nakhon Phanom luôn cảm thấy tự hào khi được sinh ra tại căn cứ cách mạng trên đất Thái Lan. Dù năm nay đã ngoài 80 tuổi, song bà vẫn nhớ rõ những ngày tháng cả gia đình tham gia hoạt động cách mạng theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mặc dù đã có rất nhiều bà con người Việt bị bắt, bị tra tấn dã man, song phong trào cách mạng tại Nakhon Phanom vẫn được đẩy mạnh và không ngừng chi viện cho chiến trường. Dù không đủ ăn, các gia đình vẫn để dành lương thực, thực phẩm để gửi về nước. Khi còn nhỏ, bà Ninh thường được nghe bố kể nhiều câu chuyện về những ngày Bác Hồ ở Nakhon Phanom để xây dựng căn cứ cách mạng với bí danh Thầu Chín. Sau này, khi trưởng thành, bà Ninh cũng tham gia nhiều hoạt động với mong muốn góp một phần công sức vào cuộc kháng chiến ở quê hương. Dù đã về nước từ năm 1960, song thỉnh thoảng bà vẫn sang thăm lại Nakhon Phanom - mảnh đất đã nhiều năm gắn bó. Theo bà Ninh, Bác Hồ, Đảng, Nhà nước luôn dành cho kiều bào sự quan tâm đặc biệt. Sự quan tâm cũng như những lời căn dặn ân cần của Người đã trở thành động lực lớn để kiều bào cùng chung lưng gánh vác đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn.
Là một trong những khách mời của chương trình gặp mặt, anh Phạm Xuân Hồng - Trưởng đoàn Ca múa nhạc cựu chiến binh của Binh đoàn Cửu Long, thành viên Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia, Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào cho biết, đây là lần đầu tiên anh từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội. Anh rất vui mừng khi thấy có rất nhiều người từ những tỉnh, thành xa xôi cũng về tham dự ngày gặp mặt đầy ý nghĩa này. Đây không chỉ là cơ hội để mọi người cùng ôn lại những năm tháng hào hùng mà còn là dịp để động viên, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Vì vậy, nhiều người dù tuổi đã cao, sức khỏe không như xưa vẫn gắng tới đây để gặp gỡ bạn bè và ôn lại những kỷ niệm của một thời hào hùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.